Kỳ 1: Thủ Thiêm - Một tương lai của hai thế hệ bị bỏ lỡ
Kỳ 2: Vì đâu nên nỗi đoạn trường Thủ Thiêm?
Kỳ 3: Ai đã phá vỡ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm?
|
Chú Nguyễn Văn Hoàng (SN 1966), một người dân Thủ Thiêm giờ này vẫn vất vả ngược xuôi mưu sinh, thuê trọ, và không biết tương lai của gia đình mình sẽ trôi dạt về đâu? Ảnh; GVT.
|
Dưới đáy ở Thủ Thiêm
Bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1959) vốn ở khu phố 3, phường An Khánh, là người gốc Quận 4, sang quận 2 mua nhà, bị giải tỏa từ năm 2003, tổng cộng số tiền nhận được sau 3 đợt rời rạc là gần 470 triệu tiền đền bù.
Tiền được chi trả thành 3 đợt (đợt 1: Hơn 94 triệu; đợt 2: hơn 97 triệu; đợt 3: hơn 292 triệu), cả gia đình bà trôi dạt từ quận 2 sang tới huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) tìm nơi tá túc. Mua được mảnh đất 30m2 ở xã Phú Đông, công ăn việc làm không có, bà Tâm kể rằng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống.
Khi rời Q.2, chồng bà Tâm có nghề đạp xích lô, còn bà thì buôn thúng bán bưng, ai thuê gì làm nấy. Sang tới Đồng Nai, không có công ăn việc làm, số tiền chi trả đền bù chia thành từng đợt cách xa nhau. Miệng ăn thì núi cũng lở. Rốt cuộc cả gia đình đổ nợ, phải bán 30m2 đất đi để đi thuê nhà, sống tiếp.
|
Bà Nguyễn Thị Tâm nay phải sang tận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai mưu sinh. Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm từng được TP.HCM xác định tái định cư cho người dân "bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Ảnh; GVT.
|
Năm 2003 rời khỏi Thủ Thiêm, gia đình bà chỉ mới có 3 nhân khẩu. Tới nay, gia đình bà đã có tới 10 người, trong đó có 6 người chen chúc trong căn nhà đi thuê vẻn vẹn 24m2. Con trai bà nay đã lớn, chỉ có nghề chạy xe ôm, mỗi ngày phát cho mẹ 50.000 đồng lo cơm nước cho cả gia đình.
Mỗi tháng, cả gia đình bà phải mất 1,2 triệu đồng tiền thuê nhà, trời nắng thì yên ổn, trời mưa thì lấy thau mà hứng bởi mưa dột tứ bề, cuộc sống bế tắc gần như vô vọng khi nói về tương lai!
Bà Tâm còn có con lớn lo lắng khi tuổi đã xế chiều, còn bà Lê Thị Thơ (SN 1960) thì giờ đây đang lâm vào tình cảnh tuyệt vọng.
Q.7, TP.HCM, một ngày đầy nắng đầu tháng 1/2019. Công trường thi công cầu Phước Kiểng bụi mù mịt, tiếng máy móc ầm ỳ gõ búa. Trong một căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm ngay bên chân công trường, người phụ nữ tên Lê Thị Thơ (SN 1960) đón chúng tôi với ánh mắt đầy e dè, nghi ngại.
Bà Thơ vốn là cư dân phường An Lợi Đông, một trong năm phường nằm lọt thỏm giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt năm 1996.
Giữa câu chuyện luôn bị ngắt quãng bởi ầm ỳ tiếng máy móc thi công, là tiếng nấc nghẹn của người phụ nữ trung niên từng là giám đốc một công ty buôn bán bất động sản có tiếng ở Q.2, TP.HCM: Công ty TNHH dịch vụ Thúy Làn.
Đã 7 năm nay, bà Thơ gần như không xuất hiện ở Thủ Thiêm. Lý do: mải miết đi khiếu kiện. Trong ký ức của bà Thơ là một công ty kinh doanh bất động sản đang ăn nên làm ra ở địa chỉ 350/24 tổ 19, khu phố 2, phường An Lợi Đông, Q.2 do bà đứng tên giám đốc bỗng một ngày bị đập bỏ tan tành.
Trước đó, tại địa chỉ này, luôn là hình ảnh những bữa tiệc sinh nhật, lễ lạc được quay phim ghi lại hình ảnh cẩn thận, rợp hoa và những nụ cười chúc tụng bà giám đốc to béo., Theo đơn tố cáo dàn lãnh đạo UBND Q.2 (TP.HCM) thời điểm đó mà bà Lê Thị Thơ gửi ra Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an, thì các ông Tất Thành Cang (nguyên Chủ tịch kiêm Bí thư Quận 2), Nguyễn Cư (nguyên Chủ tịch UBND Q.2), Hứa Ngọc Thảo (Phó Chủ tịch, nguyên Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2)… vào ngày 5/7/2011, căn nhà nêu trên của bà đã bị cưỡng chế tan tành, “lấy hết tài sản và đào mộ mẹ tôi”.
|
Bà Lê Thị Thơ từng là một giám đốc công ty kinh doanh bất động sản ở Quận 2, nay phải lưu lạc về giáp mạn huyện Nhà Bè để thuê lại căn nhà năm xưa mình từng bán cho khách hàng, vay mượn tiền đi khiếu kiện. Ảnh: GVT.
|
Theo đơn tố cáo của bà Thơ, bà có 2 căn nhà. Một căn ở tại địa chỉ 350/24 tổ 1, khu phố 1, phường An Lợi Đông, Q.2 đã nhận bồi thường tái định cư từ 2/5/2003, cam kết không khiếu nại gì thêm.
Tuy nhiên, căn thứ hai tại địa chỉ 350/24 tổ 19 khu phố 2, phường An Lợi Đông thì bị “xông vào đập phá và lấy đi hết tài sản mà không có quyết định cưỡng chế, không có quyết định bồi thường hỗ trợ tái định cư, sau đó họ đào mồ mẹ tôi rất dã man trong khi tôi không có nhà”.
Rời Thủ Thiêm, bà Thơ tay trắng, vạ vật tìm về mạn Nhà Bè, thuê trọ lại chính ngay trên căn nhà 20m2 ngày trước khi còn ăn nên làm ra bà đã bán cho một khách hàng quen biết. Con gái bà, sinh năm 1992, từng đi du học ngành khảo cổ ở Nhật, sau biến động của mẹ, nay trở về chưa xin được việc làm.
Bệnh tật liên miên, nữ giám đốc bất động sản ở Thủ Thiêm năm nào nay ánh mắt đầy ai oán kể rằng bà vừa phải mượn tiền chữa bệnh, vừa mượn tiền đi thưa kiện. Suốt 7 năm ròng rã, thời gian lẫn áp lực kinh tế đè nặng khiến không nhiều người quen còn nhận thấy hình ảnh bà Thơ luôn ăn nói rổn rảng ở An Lợi Đông năm nào.
Thậm chí, trong tập hồ sơ dày cộp mà bà Lê Thị Thơ còn giữ, địa chỉ liên lạc của bà Lê Thị Thơ được ghi rõ trong các văn bản trả lời đơn thư khiếu nại từ các cấp chính quyền luôn được ghi rõ ràng: ‘nhà số 112, Lô A4, khu tạm cư, phường An Phú, Quận 2”, nhưng bà khẳng định bà còn chưa bao giờ nhìn thấy cái nhà tạm cư ghi tên bà như vậy dọc ngang, hình dáng ra sao suốt 7 năm nay(?!).
Phá vỡ quy hoạch của Thủ tướng
Gương mặt thẫn thờ, ông Phạm Công Khoa (SN 1956) tiếp xúc với chúng tôi khá lặng lẽ tại nhà một người bạn. Hỏi chuyện, ông Khoa thành thực rằng đang chữa bệnh K, từ số tiền gần 800 triệu đồng nhận được từ việc bị giải tỏa căn nhà vốn thuộc khu phố 2, phường Bình Khánh.
Căn nhà số 23/5D, tổ 20, khu phố 2 phường Bình Khánh, Q.2 của gia đình ông vốn dĩ có tổng diện tích 192,2m2, nhận chuyển nhượng từ chủ cũ là ông Ngô Tấn Thiệp từ tháng 9/1998.
|
Người lính già Phạm Công Khoa đã bỏ lại 61% sức khỏe trên chiến trường vì đất nước. Ông khẳng định gia đình ông luôn xác định "là thương binh, tàn nhưng không phế" khi tìm về Quận 2 định cư, nay phải lưu lạc lên tận Dĩ An (Bình Dương). Ảnh: GVT.
|
Ngày 9/3/2011, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM là ông Nguyễn Thành Tài ký quyết định số 1089/QĐ-UBND khẳng định “toàn bộ căn nhà và đất nêu trên nằm trong ranh thu hồi đất thực hiện xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm”, ông Khoa có quyền “khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”. Trong vòng 30 ngày từ ngày ký quyết định này, nếu ông Khoa không khởi kiện, quyết định của ông Tài ký đương nhiên có hiệu lực pháp luật.
Trước đó, suốt nhiều năm, ông Phạm Công Khoa liên tục khiếu nại UBND Quận 2 bởi ông cho rằng tài sản của gia đình ông nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, trước sau như nhất, UBND quận này khẳng định 192,2m2 đất mà gia đình ông mua lại và đang sử dụng ổn định từ năm 1998 nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới.
Vì vậy, gia đình ông chỉ có 2 phương án lựa chọn: Hoặc nhận đền bù số tiền hơn 153 triệu đồng, được mua một căn nhà chung cư tái định cư theo giá không kinh doanh với diện tích 80m2; hoặc nhận số tiền bồi thường hơn 793 triệu đồng một lần, tự lo chỗ ở.
Rời chiến trường K sau 10 năm biền biệt, là thương binh hạng 2/4, thương tật 61%. Trước đó nữa, ông Khoa tham gia kháng chiến chống Mỹ nhiều năm, bàn chân dép lốp đã lội qua bùn, phèn khắp các chiến trường Đông, Tây Nam Bộ. Rốt cuộc lúc tưởng chừng đã có thể nghỉ ngơi, ông lại phải thực hiện tiếp cuộc chiến cuối của cuộc đời mình.
Ngày 8/1/2010, UBND quận 2 ban hành quyết định 1067/QD-UBND do ông Nguyễn Cư, phó Chủ tịch ký, bồi thường 192,2 m2 đất mặt tiền đường Trần Não của ông với giá nêu trên.
Trong khi ông Khoa đang mải miết đi khiếu kiện, thì ngày 8/6/2010, “ông Cư tổ chức hàng trăm người, trong đó có công an, dân phòng, xe cứu thương, cứu hỏa… rầm rộ đổ xuống tràn vào, đập phá nhà tôi làm tan nát như một trận bom B.52 trút xuống, trong lúc gia đình tôi không có ai ở nhà. Họ mang đi hết vật dụng, đồ đạc trong gia đình tôi không ai hay biết, làm cả khu phố náo loạn lên”, (trích đơn tố cáo của ông Khoa).
|
Cuộc sống của người dân tại khu tạm cư thuộc phường An Phú, Q.2 bây giờ. Ảnh: Mai Kỳ.
|
“Tứ chứng nan y”, trời gọi ai người ấy dạ. Sau khi bị cưỡng chế, người lính từng cống hiến trên chiến trường 61% sức khỏe Phạm Công Khoa đành âm thầm nín nhịn nhận số tiền bồi thường một lần gần 800 triệu, khi phát hiện di chứng chiến tranh đã đến ngày bộc phát: ông bị bệnh ung thư vòm họng, cần có tiền để chữa bệnh.
Rời mảnh đất mà một đời lính chắt chiu, gom góp mua sắm được, ông Khoa lặng lẽ cùng gia đình về Dĩ An (tỉnh Bình Dương) mua mảnh đất mới để chống chọi những ngày cuối cùng, và tiếp tục đi khiếu nại. Đơn khiếu nại của ông viết rõ: “Với số tiền đền bù, chưa mua nổi 2m2 đất của của các doanh nghiệp lấy đất tái định cư ra bán”, ở vị trí vốn ngay cạnh nhà cũ của ông!
… Sau khi có “bảo bối” là công văn số 190/ CP-NN do phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký cho phép “thu hồi 930 ha đất (bao gồm 770 ha để xây khu đô thị mới và 160 ha để xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc địa bàn quận 2”, chỉ hơn nửa tháng sau, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Vũ Hùng Việt có chỉ đạo (văn bản số 718 ngày 6/3/2002) giao trách nhiệm cho Sở địa chính- nhà đất và kiến trúc sư trưởng thành phố chủ trì cùng UBND Q.2 xác định rõ địa điểm, diện tích và ranh giao đất của 930 ha (bao gồm 770 ha để xây dựng khu đô thị mới và 160 ha xây dựng khu tái định cư).
Văn bản này ghi rõ: “Nếu thiếu cho phép điều chỉnh diện tích đất các dự án trên địa bàn quận 2 (chủ đầu tư) để đảm bảo đủ diện tích theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ”.
Chỉ 2 ngày sau, ngày 8/3/2002, tại văn bản số 726/KTST-TTQH, Phó kiến trúc sư trưởng Võ Kim Cương cho công bố “xuất bản tập bản đồ quy hoạch chung các quận huyện”, trong đó có quy hoạch chung quận 2.
Đến ngày 14/3/2002, Thường trực UBND TP.HCM chủ trì hội nghị nghe kiến trúc sư trưởng và ban quản lý đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm “báo cáo về quá trình chuẩn bị tổ chức nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết” khu đô thị này.
Trong thông báo số 77 (ngày 22/3/2002) do Phó Chánh văn phòng UBND và HĐND Huỳnh Kim Phát ký ghi rõ: Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải đã kết luận chỉ đạo như sau: “giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở địa chính- nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770 ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời rà soát lại lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160 ha đất để xây dựng các khu tái định cư”.
Cũng trong ngày 22/3/2002, chính Phó văn phòng ký công văn “hỏa tốc” số 78 thể hiện tinh thần cuộc họp ngày 19/3/2002, Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải kết luận “Xác định diện tích đất dành cho khu tái định cư phục vụ đền bù giải tỏa cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải đảm bảo đủ 160 ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không nhất thiết chọn một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2”.
|
Một "Quận 2: Văn minh - hiện đại - nhân ái - nghĩa tình" từng là niềm mơ ước của nhiều thế hệ. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Tháng 9/2018, thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: UBND TP.HCM “đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng…sau khu Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư.
Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 367/TTg và văn bản số 190/CP-NN, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt”.
Hậu quả, “việc đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân” đã không chỉ dừng lại ở khu vực 5 phường: Bình An, Bình Khánh, An Khánh, An Lợi Đông, Thủ Thiêm, mà việc cho phép “không nhất thiết chọn một địa điểm” tái định cư cho người dân Thủ Thiêm đã kéo thêm nhiều hệ lụy khác nữa./.