|
Mặc dù tiến trình luận tội vẫn đang diễn ra, và cho dù bằng chứng có tìm ra hay không, có một điều chắc chắn là khi phe Dân chủ hoàn tất quá trình điều trần, họ sẽ bỏ phiếu ở các ủy ban Tình báo và Tư pháp để luận tội Tổng thống Donald Trump về những gì mà họ khẳng định là sai phạm của ông này trong Vụ việc Ukraine.
Hạ viện, dưới quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ, sẽ tiếp nhận các khuyến nghị của các ủy ban này, bỏ phiếu luận tội Trump và đưa trường hợp của ông này lên Thượng viện Mỹ để xét xử. Tất cả các thành viên Dân chủ sẽ bỏ phiếu thuận trong khi tất cả các thành viên Cộng hòa sẽ bỏ phiếu chống.
Phe Dân chủ cũng đã xác định rằng Trump có tội. Quyết tâm này xuất hiện thậm chí từ trước khi họ xem xét những khiếu nại của Người tố giác chống lại Trump.
Một khi việc luận tội được đưa lên Thượng viện, toàn bộ phe Dân chủ sẽ bỏ phiếu kết tội Trump, trong khi hầu hết các thành viên Cộng hòa sẽ bỏ phiếu chống. Theo luật của Thượng viện, Trump cần ít nhất 34 phiếu “không có tội” để tránh việc bị kết tội và phế truất. Trong tình huống đó, Trump sẽ trắng án.
|
Donald Trump đang trở thành tâm điểm của cuộc chiến luận tội do Đảng Dân chủ phát động. Nếu bị luận tội, ông sẽ trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ hiện đại bị luận tội.
|
Để đi đến kết luận này sẽ mất vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào tình hình chính trị. Cho dù thế nào đi nữa, kết quả sẽ là Trump vẫn là tổng thống.
Vậy, câu hỏi sẽ đặt ra là, nỗ lực luận tội thất bại của phe Dân chủ chống Trump phản ánh điều gì về nhiệm kỳ tổng thống, về chính phủ, và cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa? Câu trả lời ngắn gọn là: nước Mỹ đang gặp rắc rối lớn.
Dưới đây, tôi sẽ phân tích về giai đoạn đầu tiên của quá trình luận tội do phe Dân chủ khởi xướng.
Trump bị cho là có tội
Những người Dân chủ, như thường lệ, kêu gọi luận tội Trump và xác lập tiến trình luận tội thậm chí trước cả khi mọi việc trở nên rõ ràng rằng liệu những vi phạm có đáng để luận tội hay không, cùng với những bằng chứng xác thực có thể đưa ra. Thực ra Mỹ đã có truyền thống lâu đời về việc sử dụng chiêu thức này.
Những năm 90 của thế kỉ 17, những người theo đạo Tin lành ở Salem, Massachusetts đã mở chiến dịch săn lùng “phù thủy” chỉ dựa trên lời khai của các thiếu nữ bị kích động, những người tự nhận mình bị quỷ ám. Mười hai phù thủy đã bị treo cổ.
Những người ủng hộ Trump tin rằng bất kể Trump có làm gì đi nữa thì kết quả vẫn sẽ là một bản cáo trạng kết tội. Vụ việc Ukraine cũng sẽ không là ngoại lệ.
Cũng cần nhắc lại rằng phe Dân chủ đã liên tục kêu gọi và thất bại trong nỗ lực luận tội Trump với một loạt cáo buộc không có thật trong suốt ba năm qua.
Bản chất của vấn đề Ukraine
Mọi việc bắt đầu từ khi một nhân viên dân sự của CIA không rõ danh tính cáo buộc Trump một loạt vi phạm. Người tố giác này lo ngại về tính hợp pháp của một cuộc điện đàm giữa Trump với Tổng thống Ukraine Zelensky, trong đó ông Trump yêu cầu Zelensky tiến hành điều tra các hành vi tham nhũng của cựu Phó tổng thống Joe Biden cũng như những mưu toan của phía Ukraine gây tác động lên cuộc bầu cử tổng thống My 2016 theo hướng có lợi cho bà Hillary Clinton.
|
Cuộc chiến luận tội giữa Trump và phe Dân chủ do bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện lãnh đạo sẽ đưa nước Mỹ về đâu?
|
Trump đã đình chỉ khoản viện trợ quân sự trị giá 400 triệu đô la cho Ukraine, hành động này bị cáo buộc nhằm đổi lấy cuộc điều tra. Người tố giác này không trực tiếp nghe cuộc điện thoại, không biết Trump, không ở trong Nhà Trắng và cũng không hề nhìn thấy bản ghi chép cuộc điện đàm. Khiếu nại của anh ta hoàn toàn chỉ dựa vào những cuộc nói chuyện nghe được từ những người khác, một kiểu tin đồn và suy đoán.
Tổng thanh tra của Cộng đồng Tình báo (IGIC), ngay trước khi nhận được khiếu nại này, đã hủy bỏ các điều khoản liên quan đến người tố giác vốn lâu nay vẫn cấm việc sử dụng các bằng chứng kiểu “nghe nói”, và cho phép sử dụng chúng. Bằng chứng kiểu “nghe nói” nhìn chung bị cấm tại các tòa án hình sự của Mỹ, nhưng nay đột nhiên nó được chấp nhận khi luận tội một tổng thống.
Bạn cần biết điều quan trọng này: vụ việc chống lại Trump dựa phần lớn vào “nghe nói”.
Người tố giác này đã bỏ qua mọi kênh báo cáo và lên thẳng Ủy ban Tình báo Hạ viện, nơi anh ta gặp gỡ các nhân viên của Quốc hội. Có vẻ như Người tố giác đã gặp Adam Schiff, người sau này dẫn dắt tiến trình điều trần luận tội chống lại Trump.
Sau đó, Người tố giác thuê một công tố viên, có lẽ theo khuyến nghị của nhân viên quốc hội, người đang làm việc tại Trung tâm vì Những người tố giác, được lập ra nhằm khuyến khích các viên chức chính phủ báo cáo các hành vi sai trái của chính quyền.
Mark Said, công tố viên của Người tố giác lần này, từng đăng một dòng tweet ngay sau khi Trump tuyên thệ nhậm chức rằng “cuộc đảo chính đã bắt đầu”.
Trên thực tế, Trung tâm này đã đăng các quảng cáo quanh Washington, kêu gọi các viên chức chính phủ “phản bội” Trump. Trung tâm thanh toán các khoản phí pháp lí liên quan bằng tiền đóng thuế của dân.
Người tố giác đệ trình khiếu nại lên Quốc hội. Sau này Schiff báo cáo rằng ủy ban của ông ta chưa hề gặp Người tố giác và cũng không biết danh tính thật của anh ta. Đây hoàn toàn là một lời nói dối trắng trợn. Schiff đang làm việc với Người tố giác. Schiff cũng thừa nhận rằng ông ta chưa thấy các bằng chứng đáng tin cậy, nhưng ông ta vẫn kêu gọi luận tội.
Thông tin bên lề: Schiff ghét cay ghét đắng Trump. Trong suốt hai năm diễn ra cuộc điều tra của Mueller, Schiff đã lên truyền hình tuyên bố rằng có những bằng chứng nặng ký cho thấy sự dính líu của Trump trong bê bối cấu kết với Nga. Tuy nhiên, ngoài những bản tin báo chí dày đặc, Schiff không trưng ra được bằng chứng nào cả.
Tệ hơn nữa là khi bắt đầu tiến trình luận tội, Schiff xuất hiện trên truyền hình quốc gia để đọc bản ghi chép cuộc điện đàm Trump/Zelensky, cơ sở của cuộc luận tội. Schiff đã chỉnh sửa phần lớn nội dung bản ghi chép để khiến Trump trông như có tội.
Khi một cơn bão chỉ trích nổ ra ngay trong phe Dân chủ, Schiff biện hộ rằng đấy chỉ là một trò đùa cợt. Làm sao mà ai đó có thể tin tưởng Schiff chứ, những người ủng hộ Trump tự hỏi.
Có một lý do cho sự thù ghét của Schiff đối với Trump: Trong một dòng tweet, Trump đã đặt biệt danh cho Schiff là “gã ẻo lả”, mà về sau được sử dụng rộng rãi để chế nhạo ông này.
|
Adam Schiff, Chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Hạ viện trong phiên điều trần luận tội Trump. Schiff là một trong những người lãnh đạo phe luận tội, từng bị Trump giễu cợt trên Twitter là "gã ẻo lả".
|
Schiff lập luận rằng Người tố giác phải ra điều trần trước Quốc hội nhằm khởi động một chiến dịch truyền thông bôi xấu Trump. Schiff nuốt lời rất nhanh sau đó. Người tố giác hóa ra lại là một điệp viên theo phe Dân chủ, ghét Trump, ở cấp thấp và bị bỏ lại sau nhiệm kì của Obama. Anh ta đã bị Nhà Trắng sa thải với cáo buộc tiết lộ các thông tin bất lợi cho Trump
Schiff đã bảo vệ Người tố giác, bởi vì phe Dân chủ không muốn để anh này đối diện với các cuộc kiểm tra chéo của Cộng hòa. Tất cả những ai bị buộc tội, thậm chí là Trump đi nữa, theo hiến pháp, đều có quyền đối diện với những kẻ buộc tội họ, nhưng không phải dưới thời Schiff.
Nói cách khác, tiến trình luận tội được bắt đầu từ một cái cớ mong manh nhất.
Phe Dân chủ vi phạm các tiền lệ để tấn công Trump
Ngay cả khi việc luận tội Trump bao gồm những cáo buộc về tội phản quốc, hối lộ, những tội nặng và nhẹ, thì bản thân tiến trình luận tội mang tính chính trị và đảng phái chứ không có tính pháp lý. Phe Dân chủ không chỉ xem xét các hành vi tội phạm mà còn tìm kiếm bằng chứng về việc “hành xử sai trái và xâm phạm niềm tin của công chúng”.
Phe Dân chủ có thể xem xét các hành xử trong quá khứ trước khi Trump đắc cử tổng thống, và trong trường hợp Trump bị phế truất thì việc truy tố ông này vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi ông ta đã rời nhiệm sở. Nỗi ám ảnh của phe Dân chủ đối với việc đòi Trump nộp hồ sơ khai thuế cách đây 10 năm qua các vụ kiện được thể hiện quá rõ ràng.
Đảng Dân chủ có thể tiến hành luận tội theo cách mà họ chọn. Họ chỉ có hai trường hợp trong thời hiện đại để làm hình mẫu, Tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton.
Trong cả hai trường hợp nói trên, Dân chủ và Cộng hòa đã làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng tiến trình luận tội được diễn ra công bằng, minh bạch và tôn trọng các quyền của những người bị cáo buộc.
Cả hai đảng đều đồng ý với các nguyên tắc, bỏ qua một bên các định kiến đảng phái. Họ thừa nhận rằng tiến trình luận tội phải phù hợp với pháp luật và đáng tin cậy, nếu không họ sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của các cử tri Mỹ.
Phe Dân chủ đã khước từ những mô hình này và vi phạm mọi tiền lệ được xác lập trong những trường hợp kể trên.
Phe Dân chủ đã khởi động tiến trình điều trần luận tội bằng việc thông qua các luật lệ chỉ làm lợi cho Dân chủ. Một cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện cho thấy toàn bộ các thành viên Dân chủ, trừ hai người, đã bỏ phiếu thông qua các luật trên, trong khi tất cả các nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống. Sự đồng thuận lưỡng đảng đã hoàn toàn bị bỏ qua.
Phía Dân chủ cũng không hề tiến hành một cuộc điều tra nào. FBI và Bộ Tư pháp hoàn toàn không can dự.
Những người Dân chủ đã bắt đầu tiến trình thu thập thông tin từ các nhân chứng thông qua việc tổ chức các phiên lấy lời khai bí mật mà không có sự tham gia của báo chí hay công chúng. Họ chọn cách thu thập bằng chứng thông qua các phiên cung khai, do đó không một thành viên quốc hội nào có thể tiết lộ những gì đã được nói ra.
Thậm chí cho dù các bản ghi lời khai được lập thì phe Cộng hòa cũng chỉ được phép xem chúng khi có mặt một thành viên Dân chủ và họ bị luật cấm tiết lộ những gì mình thấy. Họ cũng không được phép ghi chép hay mang điện thoại vào phòng an ninh.
|
Sondland tháp tùng Trump trong một chuyến công du. Ông này đã quyên góp 1 triệu đô la cho lễ nhậm chức của Trump để đổi lấy lời bình luận hờ hững từ Trump "Tôi không thực sự biết ông ta".
|
Thêm vào đó, phe Cộng hòa chỉ được phép đề xuất nhân chứng, trong khi Schiff có quyền bác bỏ họ. Không một nhân chứng ủng hộ Trump nào được gọi. Ngay cả khi các nhân chứng được gọi ra điều trần, Schiff cũng ngăn cản họ trả lời những câu hỏi mà ông ta không thích. Ông ta cũng chặn đứng các câu trả lời khi ông ta muốn phá những người chất vấn bên phía Cộng hòa.
Schiff đã tiết lộ nội dung các bản ghi gây hại cho Trump một cách bất hợp pháp, nhưng giữ lại những thông tin minh oan cho Trump.
Các luật sư của Trump không có mặt tại các phiên lấy lời khai, còn Trump thì không được xem bất kỳ văn bản buộc tội nào. Rõ ràng, Schiff đã vi phạm một nguyên tắc pháp lý khác: quyền của người bị buộc tội được xem những bằng chứng chống lại anh ta.
Đáp trả lại Schiff, Trump đã cấm các nhân viên cấp cao của mình tham gia điều trần. Hầu hết các nhân viên chính phủ không hợp tác với Schiff, nhưng một số khác thì bất tuân lệnh cấm và ra điều trần. Hành xử của Trump có phù hợp với hiến pháp hay không sẽ do tòa án phân xử. Phe Dân chủ có thể bổ sung chuyện này vào danh sách các cáo buộc vi phạm của họ.
Các chuyên gia cáo buộc Schiff đang hành xử như thể một “Ủy ban Ngôi sao,” được thành lập vào thế kỉ 15 ở Anh nhằm đảm bảo một phiên tòa công bằng cho các quý tộc nhưng cuối cùng lại trở thành công cụ để lạm dụng quyền lực xét xử.
Nó bỏ qua quy trình kiểm chứng, quyền của bị cáo và các nguyên tắc về bằng chứng trong khi áp dụng những nguyên tắc tùy tiện. Đó là đỉnh cao của sự lũng đoạn pháp quyền.
Mỉa mai thay, phe Dân chủ có lẽ đã phạm phải một sai lầm chiến lược khi thực hiện việc này trong bí mật. Họ đã làm rò rỉ những kết luận quan trọng nhất, vì thế nên không còn tin tức nào đáng giá nữa và người đọc/người xem không còn quan tâm nhiều nữa.
Các nhân chứng đột nhiên phục hồi trí nhớ
Ngày 21 tháng 11, quả bom mà phe Dân chủ đặt nhiều hi vọng đã phát nổ với tiếng vang khá nhỏ. Đại sứ Mỹ tại EU, Gordon Sondland thừa nhận rằng Trump đã chỉ đạo cấp dưới đình chỉ các khoản viện trợ cho Ukraine để đổi lấy cuộc điều tra. Ông ta chỉ ra rằng tất cả các nhân viên cấp cao đều biết về mệnh lệnh này của Trump.
Điều không may là trong bản cung trước đó, ông này không hề báo cáo gì về thông tin trên. Do vậy, uy tín của ông ta phần nào bị suy giảm. Hai nhân chứng khác cũng thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho phe Dân chủ.
Nhưng khi bị phe Cộng hòa truy hỏi trong phiên điều trần công khai, Sondland lại thú nhận rằng ông ta chỉ “mặc định” là Trump biết và chỉ đạo cấp dưới “hối lộ” Ukraine. Ông ta không nắm rõ về những gì Trump biết hoặc định làm. Giả định không phải là bằng chứng của bất kỳ việc gì.
Quan trọng nhất là: Sondland hỏi Trump ông ta muốn gì từ Ukraine. Trump đã trả lời rằng “Tôi không muốn gì cả” từ Ukraine.
|
Đại sứ Hoa Kỳ tại EU Gordon Sondland, trong phiên điều trần luận tội thừa nhận rằng Trump đã chỉ đạo cấp dưới đình chỉ các khoản viện trợ cho Ukraine để đổi lấy cuộc điều tra. Ông ta chỉ ra rằng tất cả các nhân viên cấp cao đều biết về mệnh lệnh này của Trump.
|
Sondland đã cố gắng lôi kéo Ngoại trưởng Pompeo, Phó tổng thống Pence, Bộ trưởng Năng lượng Perry, công tố viên của Trump, Giuliani và những người khác. Tất cả những người này đều bác bỏ tuyên bố của Sondland. Họ cũng sẽ có khả năng không ra điều trần trước Schiff nếu không có một cuộc chiến pháp lý dai dẳng.
Sondland có lẽ đã cảm thấy bị Trump bỏ rơi. Ông này đã đóng góp 1 triệu đô la cho lễ tuyên thệ của Trump để đổi lấy vị trí Đại sứ EU, và rồi chỉ nhận được tuyên bố của Trump là Trump không thực sự biết ông ta.
Những người ủng hộ Trump coi điều này như một nỗ lực của các nhân chứng nhằm “che giấu gót chân Asin” của họ trong trường hợp mà các cuộc điều tra có thể chỉ hướng đến họ. Không có ai thay đổi suy nghĩ sau những phiên điều trần vừa qua.
Những khác biệt chính sách trở thành tội ác
Phe Dân chủ bắt đầu các phiên điều trần bằng việc cho gọi hai nhân chứng George Kent từ Bộ Ngoại giao và William Taylor, Đặc phái viên của Mỹ tại Ukraine, cả hai đều là viên chức hành chánh. Không ai trong hai người từng gặp hay nói chuyện với Trump. Họ cũng không trực tiếp biết về vụ Ukraine mà chỉ nghe nói về nó từ người khác và qua đọc báo.
Kent và Taylor khẳng định Trump đã vi phạm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ: Nga là kẻ thù chính và Ukraine là chướng ngại vật quan trọng nhất đối với sự bành trướng của Nga. Biên giới của Ukraine phải được bảo vệ.
Đại tá Alexander Vindman tiếp nối bằng lời khai ủng hộ cho lý lẽ trên. Ông này thực ra là một người nhập cư từ Ukraine và là một quan chức quân sự tích cực. Ông đã có đóng góp khá nhiều cho chính sách đối với Ukraine. Vindman chưa bao giờ gặp, nói chuyện hay trao đổi với Trump.
Vindman chọn mặc quân phục khi tham gia điều trần. Chuyện này khá hiếm gặp vì ông ta làm việc bên mảng dân sự của cục tình báo trung ương, chứ không phải cho một tổ chức quân sự. Vindman mặc quân phục để tỏ vẻ yêu nước và tầm quan trọng của mình.
|
Nadler, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cũng là một trong những người dẫn dắt cuộc chiến luận tội Trump tại Hạ viện.
|
Điều không thể tin nổi là cuối phần điều trần, Vindman thuật lại chi tiết thời thơ ấu của ông ta ở Ukraine và gia đình. Những người chỉ trích tự hỏi rằng phải chăng Vindman đã đi quá xa trong việc đại diện cho lợi ích của Ukraine.
Không một nhân chứng nào chỉ ra được rằng luật pháp đã bị xâm phạm.
Do đó, câu hỏi trở thành là, liệu có phải Trump đã vi phạm chính sách của Hoa Kỳ? Có phải việc bảo vệ biên giới và sự độc lập của Ukraine thực sự là một mục tiêu chính sách quan trọng như được tuyên bố hay không?
Câu trả lời là KHÔNG. Barack Obama và Joe Biden, những người tiền nhiệm của Trump đã không coi an ninh của Ukraine là một ưu tiên hàng đầu như họ tuyên bố.
Hãy nhìn điều này: vào năm 1994, Hoa Kỳ, Anh, Nga và Ukraine ký kết Bản ghi nhớ Budapest đảm bảo nền độc lập của Ukraine để đổi lại việc trao trả kho vũ khí hạt nhân của nước này cho Nga.
Năm 2014 dưới thời Obama, Putin đã quyết định ủng hộ những người ly khai trong nỗ lực trả Crimea về lại Nga. Bán đảo Crimea được Khrushchev bàn giao cho Ukraine năm 1954. Cuộc nội chiến vừa qua đã vi phạm điều khoản đảm bảo độc lập của Bản ghi nhớ Budapest.
Obama và Biden đã không hề can thiệp theo như yêu cầu của Bản ghi nhớ. Họ chỉ cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự không sát thương ở mức tối thiểu. Họ hợp tác với EU để áp đặt một lệnh trừng phạt yếu ớt lên Nga. Họ cũng không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, tổ chức sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ Ukraine.
Họ không cử quân NATO sang. Obama còn chấm dứt việc triển khai tên lửa của Mỹ tới Đông Âu sau khi bị Putin phàn nàn.
Ngược lại, Trump đã cử lính Mỹ tới Ukraine để giúp huấn luyện quân đội nước này. Trump cũng cung cấp vũ khí, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. Trump cũng triển khai quân đội Mỹ tới Đông Âu để ủng hộ Ukraine.
Ngay cả như vậy thì những viên chức dân sự ra điều trần chống Trump vẫn chê trách rằng Trump không thực sự quan tâm đến Ukraine.
Điều hoàn toàn bị bỏ qua trong tiến trình luận tội là thực tế rằng Trump đắc cử tổng thống bởi vì ông ta cổ xúy cho việc rút lui khỏi các hiệp ước đồng minh với các nước mà có thể lôi kéo Mỹ sa lầy vào những cuộc chiến tranh không cần thiết.
Phe Cộng hòa đang đặt ra một câu hỏi bên lề rằng: vì sao phe Dân chủ lại quan tâm đến việc bảo vệ biên giới của Ukraine đến thế, trong khi họ lại cổ xúy cho “biên giới mở” với Mexico, cho phép hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp tràn vào Mỹ?
Các công chức cũng được làm chính sách
Gần như tất cả các nhân chứng chống Trump đều cho thấy một cách vô ý rằng vai trò của họ trong chính phủ là để hoạch định chính sách đối ngoại, an ninh hoặc quốc phòng. Thái độ của họ là, chúng tôi là những công chức cấp cao, chúng tôi biết phải làm gì, chúng tôi tận tâm và chính sách của chúng tôi đi đúng hướng.
Tuy nhiên, các công chức, bao gồm các đại sứ, không hoạch định chính sách đối ngoại, mà vai trò này thuộc về tổng thống. Các công chức chỉ tư vấn hoặc thực hiện chính sách. Do vậy, những lời khai của họ không liên quan gì đến ca luận tội đang diễn ra.
Điều này là dễ hiểu, nếu không chính đáng. Các công chức thường phụng sự quốc gia với nhiệt huyết và sự tận tâm suốt hàng thập kỉ, trong khi những quan chức dân cử, những người biết rất ít hoặc chẳng biết gì, chỉ lướt qua một thời gian.
Lâu dần, các công chức trở nên tin rằng họ mới là người chịu trách nhiệm hoạch định chính sách. Nhưng họ đã quên mất rằng họ không được bầu ra để làm việc đó.
Nếu các tổng thống không đồng ý với các công chức, nhiều khả năng họ sẽ thành phe chống đối. Không may cho Trump, phe Chống đối ngày càng lan rộng và sâu, nhất là khi họ bị đe dọa.
|
Bạn cần biết điều quan trọng này: vụ việc chống lại Trump dựa phần lớn vào “nghe nói”.
|
Trump đã khá là ngây thơ khi đến trụ sở CIA ở Virginia một ngày sau khi đắc cử. Dường như ông muốn có một khởi đầu mới sau khi đã chê bai tổ chức này suốt nhiều tháng. Nhưng Trump lại dành hầu hết bài diễn văn của mình ở đó để nói về những tin giả bôi xấu mình.
Sau đó, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, ông ta tiếp tục miệt thị CIA. Câu hỏi là: Liệu có phải Trump nghĩ rằng CIA sẽ bỏ qua chuyện này hay sao? Họ có các điệp viên, vũ khí và tiền bạc, họ hoạt động trong bí mật và không phải chịu trách nhiệm giải trình.
Khiến người khác thấy tổn thương giờ trở thành tội phạm
Phe Dân chủ đã cho gọi cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, Marie Yovanovitch ra điều trần. Bà này là một công chức được Obama chỉ định. Khi bị những người thẩm vấn phe Cộng hòa truy hỏi, bà ta trả lời rằng bà ta không biết gì về tội lỗi mà Trump phạm phải liên quan đến Ukraine.
Những gì mà Yovanovitch đã nói là bà cảm thấy thất vọng đến thế nào khi bị Trump sa thải với lí do không ủng hộ những chính sách của ông ta. Bà có làm gì chống lại Trump hay không thì chưa được chứng minh. Bà ta có vẻ thực sự thích làm đại sứ và cảm xúc của bà bị tổn thương.
Truyền thông đã hoàn toàn bỏ qua thực tế là Obama cũng sa thải tất cả những đại sứ do Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm. Đây là một hành xử khá phổ biến. Thực ra Trump còn giữ bà này lâu hơn là Obama đã làm với những nhân sự của tổng thổng tiền nhiệm.
Một cách không thể giải thích, Trump lại có thời gian để tweet những bình luận miệt thị về Yovanovitch trong khi phiên điều trần của bà này đang diễn ra. Trump gièm pha rằng bà này là một đại sứ gây ồn ào. Nhưng, Schiff đã cắt ngang phần trình bày của bà Yovanovitch, đọc to dòng tweet và sau đó hỏi bà này cảm thấy thế nào.
Giờ đây có vẻ như phe Dân chủ dự định bổ sung thêm cáo buộc “đe dọa nhân chứng” vào danh sách chống Trump. Phe Cộng hòa phản pháo lại rằng phiên điều trần của bà này được tiến hành kín, vì vậy bà không thể bị đe dọa và rằng chính Schiff đã xen vào phần điều trần của Yovanovitch, chứ không phải Trump.
Điểm rút ra lớn nhất từ phiên điều trần này là Yovanovitch đã được đội ngũ ngoại giao của Obama huấn luyện về việc làm thế nào để tránh việc quy trách nhiệm cho Joe Biden và con trai ông, các đối tượng của vụ bê bối Ukraine. Bà đã xuất hiện trong phiên điều trần phê chuẩn trước khi Thượng viên rơi vào tay phe Cộng hòa.
Điều rút ra thứ hai là Yovanovitch đã không làm gì để ngăn chặn tham nhũng hay Biden khi còn làm Đại sứ ở Ukraine.
Kết luận
Các phiên điều trần luận tội sẽ không làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Tùy thuộc vào “cảm giác” của bạn mà Trump có tội hoặc vô tội. Phe Dân chủ sẽ tuyên bố Trump lũng đoạn, một tên Đức Quốc xã và nay là một kẻ phản quốc cần phải bị sa thải. Phe Cộng hòa tin rằng Trump gây rắc rối lớn nhưng không làm gì đến mức bị luận tội. Dù thế nào đi chăng nữa, Trump cũng sẽ bị luận tội.
Sẽ tốt biết mấy nếu như phe Dân chủ hợp tác với Cộng hòa để tiến hành điều tra đến nơi đến chốn vụ Ukraine, thiết lập một tiến trình điều trần luận tội công bằng và dựa trên một quy trình pháp lý để xác định có tội hay vô tội. Tôi đoán có lẽ như thế là đòi hỏi quá nhiều cho một nền dân chủ.
Người dân Mỹ, cho dù theo đảng nào, cũng nên tự hỏi tại sao họ lại phải chịu đựng trò xiếc này, khi mà một cuộc bầu cử vì Trump hay chống Trump sắp diễn ra chưa đầy một năm nữa.
Trump, đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gây quá nhiều tổn hại cho đất nước mà họ luôn tuyên bố là họ yêu này.
(Trường Minh chuyển ngữ)
Kỳ cuối: Nước Mỹ sẽ đi về đâu sau cuộc luận tội tổng thống?