|
TS. Võ Trí Thành phát biểu tại Hội nghị Đầu tư 2019: Kinh tế 2020 – 2030: Suy thoái hay Hưng thịnh. |
9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam ghi nhận những con số tăng trưởng khả quan. GDP đạt 7.31%; lạm phát dưới 4%, dự trữ ngoại hối 72 tỷ đô la Mỹ. FDI khả quan với 29.854 dự án còn hiệu lực; 357.65 tỷ USD vốn đăng ký và 206 tỷ USD vốn thực hiện. Về xuất khẩu, trong khi nhiều nền kinh tế khác ghi nhận mức tăng trưởng âm, Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đạt mức thặng dư 7,15 tỷ USD nhờ trị giá xuất khẩu tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái...
Ghi nhận từ sự kiện “Hội nghị Đầu tư 2019: Kinh tế 2020 – 2030: Suy thoái hay Hưng thịnh”, ông Nguyễn Hiếu – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt – cho rằng nền kinh tế phát ra dấu hiệu khả quan một phần lớn nhờ vào sự điều chỉnh các chỉ số của các nền kinh tế lớn. “Hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới đã giảm lãi suất xuống thấp nhất có thể. Từ đó đẩy các chỉ số của Việt Nam lên cao, tuy nhiên đây cũng có thể coi là dấu hiệu mơ hồ cho những rủi ro. Vì các nhà chính sách đã thực sự phải dùng đến những công cụ cuối cùng để đối phó với sự suy giảm.”
Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) cho rằng "không chỉ riêng Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trong giai đoạn quá độ". Thách thức của nền kinh tế toàn cầu đến từ những xung đột chính trị, sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy, và cả xu hướng chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với Việt Nam, hành trình phát triển kinh tế tiếp tục vướng phải những rào cản nhất định, điển hình như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn rất khó để phát triển lớn hơn; những vấn đề về môi trường, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục đe dọa đến sự phát triển bền vững.
Thách thức từ thể chế
Nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ của thể chế trong việc phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định kinh tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tài chính lớn vào ngân hàng. Để đa dạng dòng vốn các doanh nghiệp có thể tìm đến các kênh huy động về trái phiếu và cổ phiếu.
Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp HSBC – bà Stephanie Betant – cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang cần những chính sách của nhà nước. Bà Stephanie cho rằng, trái phiếu chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là từ các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài. “Ngoài vốn việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn giúp nền kinh tế Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại các thị trường phát triển như Mỹ hay Anh”.
Về thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Hiếu – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định thể chế chính là một trong những khó khăn lớn khiến để thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài./.