Ngoài khoản 34% cổ phần tại nhà máy nước Sông Đuống, Tập đoàn WHA còn đầu tư gì tại Việt Nam?

VietTimes -- Đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, một số công ty thành viên của Tập đoàn WHA (Thái Lan) đã rót vốn đầu tư vào các dự án có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời, cũng sẵn sàng thực hiện M&A để mở rộng kinh doanh ngay khi có cơ hội. Việc bỏ ra hơn 2.073,19 tỷ đồng để thâu tóm 34% cổ phần tại nhà máy nước mặt sông Đuống chỉ là một trong số những thương vụ đó.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Sự phát triển của Tập đoàn WHA gắn liền với nữ Chủ tịch Jareeporn Jarukornsakul (sinh năm 1967) - đứng thứ 37 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2018 với khối tài sản ròng khoảng 820 triệu USD.

Được biết, nữ doanh nhân Jareeporn Jarukornsakul sáng lập nên Tập đoàn WHA vào năm 2003 khi nhận thấy cơ hội từ nhu cầu của nhiều công ty Thái Lan cần tìm các đơn vị tiên phong áp dụng khái niệm built- to-suit để giảm chi phí lưu trữ, vận hành và logistics.

Sau 12 năm phát triển, đến năm 2015, Tập đoàn WHA đã trở thành công ty hàng đầu về bất động sản công nghiệp và cung cấp dịch vụ logistics theo hình thức built-to-suit tại Thái Lan.

Hiện tập đoàn này đang mở rộng kinh doanh trên nhiều lĩnh vực với “hệ sinh thái” là 4 công ty thành viên lớn, bao gồm: WHA Logistics; WHA Industrial Development; WHA Utilities & Power (WHAUP) và WHA Digital Platform. Không chỉ khẳng định vị thế tại Thái Lan, Tập đoàn WHA còn đẩy mạnh đầu tư ra thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Mới đây, ngày 25/10/2019, WHAUP đã công bố thông tin về việc hoàn tất thương vụ chi ra khoảng 2.073,19 tỷ đồng để mua lại hơn 33,98 triệu cổ phần (tương ứng với 34% vốn điều lệ) của CTCP Nước mặt sông Đuống từ ông Đặng Tất Thắng. Thương vụ được WHAUP thực hiện thông qua công ty con là WHAUP (SG) 2DR Pte. Ltd (WUPSD).

Theo quan sát của VietTimes, nhiều dấu hiệu cho thấy ông Đặng Tất Thắng chỉ đóng vai trò trung gian trong thương vụ kể trên. Số cổ phần mà ông Thắng bán lại cho WUPSD có khả năng được “gộp” từ 2 cổ đông sáng lập CTCP Nước mặt sông Đuống là CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (27%) và CTCP Nước Aqua One (7%).

Sau thương vụ này, WUPSD trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại CTCP Nước mặt sông Đuống chỉ sau CTCP Nước Aqua One, do nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là “shark” Liên) làm người đại diện, với tỷ lệ sở hữu (theo một tài liệu được WHAUP công bố) là 41%.

Cơ cấu sở hữu của CTCP Nước mặt sông Đuống trước và sau giao dịch của WHAUP
Cơ cấu sở hữu của CTCP Nước mặt sông Đuống trước và sau giao dịch của WHAUP

Số tiền mà WHAUP chi ra phần nào phản ánh tiềm năng của khối tài sản mà CTCP Nước mặt sông Đuống đang sở hữu.

Được biết, CTCP Nước mặt sông Đuống là đơn vị sở hữu nhà máy nước mặt sông Đuống - một trong số 3 nhà máy lớn khai thác nguồn nước mặt để cung cấp nước sạch cho Hà Nội (thành phố có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung đông dân cư và có nền kinh tế phát triển bậc nhất Việt Nam) nhằm thay thế nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt và nguy cơ bị ô nhiễm.

Giai đoạn 1 của nhà máy (khánh thành hôm 5/9) có tổng mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng, với công suất là 300.000 m3/ngày đêm. Mục tiêu đảm bảo năng lực cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân tại 168 xã, phường của 8 quận, huyện khu vực Đông Bắc và phía Nam của Hà Nội) cùng các khu đô thị, khu công nghiệp tại một số địa phương lân cận.

Ngoài khoản đầu tư vào nhà máy nước mặt sông Đuống, nguồn tin của tờ Bangkok Post (Bưu điện Bangkok) còn cho thấy WHAUP có một khoản đầu tư khá kín tiếng vào CTCP Cấp nước Cửa Lò (CL Wasco).

Trung tuần tháng 1/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức bán đấu giá hơn 2,7 triệu cổ phần CL Wasco, tương ứng 56,33% vốn điều lệ, với mức giá khởi điểm chỉ 10.100 đồng/cổ phần. Kết quả đấu giá được HNX công bố sau đó cho thấy có 2 nhà đầu tư trúng giá, với giá đấu bình quân là 10.275 đồng/cổ phần. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài trúng đấu giá hơn 2,28 triệu cổ phần.

CL Wasco là công ty đã có hơn 20 năm khai thác và quản lý hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và sử dụng sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) và một số vùng lân cận. Bên cạnh đó, CL Wasco còn là chủ đầu tư dự án Cải tạo, mở rộng nhà máy nước Cửa Lò với nguồn vốn được tài trợ một phần từ khoản vay ODA từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Cũng tại tỉnh Nghệ An, WHA Industrial Development - thành viên của Tập đoàn WHA - đang phát triển dự án khu công nghiệp WHA industrial Zone 1 với tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), có quy mô rộng 3.200 ha tại địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu.

Hà Nội sẽ phải bù lỗ hàng tỷ đồng/ngày cho Nhà máy nước sạch sông Đuống?

Truyền thông trong nước cho hay, từ tháng 7/2017, UBND Tp. Hà Nội tạm tính giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT) với lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm. Mức giá này cao hơn nhiều so với mức giá nước sạch mua của Nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco).

Tuy nhiên, với giá buôn cao hơn cả giá bán lẻ nước sinh hoạt, Nhà máy nước sông Đuống vận hành đang tạo áp lực về tài chính cho thành phố vì phải bù giá. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây thâm hụt ngân sách của thành phố Hà Nội.

Đến tháng 6/2019, lãnh đạo thành phố đã có buổi họp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và CTCP Viwaco (các công ty này mua buôn nước rồi phân phối, bán lẻ cho người dân Hà Nội) để xem xét điều kiện bù giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

“Nhà máy nước sạch sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỷ đồng. Nếu vận hành 50% công suất, thì Hà Nội bù lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng/ngày” - tờ VNEconomy đặt vấn đề.

Đến cuối tháng 10/2019, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn. Việc điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt cũng cần phải đảm bảo lợi ích hài hòa của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp./.