Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và cải cách kinh tế
Năm 2017, những cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục cải cách nền kinh tế sẽ giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng tham vọng. Chúng tôi thấy rằng, tiến trình cải cách của Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế tích cực quan tâm và thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cùng các đối tác quốc tế khác đã tăng trưởng rất tích cực trong năm qua.
Chúng ta có thể kỳ vọng rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục khi Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc và cải cách kinh tế. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường minh bạch và đưa các tiêu chuẩn lao động của Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực quốc tế là những điều vô cùng quan trọng.
Việt Nam có cơ hội tuyệt vời trong việc thể hiện những kết quả cải cách này tại Hội nghị APEC vào tháng 11 năm nay tại Đà Nẵng. Đặc biệt, Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC sẽ là cơ hội lớn để chứng tỏ rằng, Đà Nẵng là mô hình điểm của những nỗ lực cải cách của Việt Nam, hướng tới một Chính phủ minh bạch và một môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện hơn. Tôi tin tưởng rằng, các nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách sẽ rất lưu ý đến việc đẩy mạnh hợp tác thương mại với Việt Nam.
Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam 2017
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức, kinh tế vĩ mô của Việt Nam những năm qua vẫn tiếp tục được củng cố nhờ những chính sách điều hành đúng hướng của Chính phủ. Tuy tăng trưởng kinh tế có chững lại trong năm 2016, nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng hơn cả là duy trì tăng trưởng và chú trọng đến chất lượng tăng trưởng hơn là chạy theo những con số với những rủi ro cho kinh tế vĩ mô.
Duy trì được đà tăng trưởng, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là những điều kiện rất quan trọng, tạo tiền đề để Việt Nam có thể đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Mặt khác, Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu để duy trì tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh những thách thức ngày càng gia tăng.
Với quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một Chính phủ hành động và kiến tạo, cũng như cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tiến đến mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả quản lý, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Một số thách thức trong năm 2017
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam |
Bước vào năm 2017, Việt Nam đã ở năm thứ 5 ổn định kinh tế vĩ mô, với lạm phát 1 con số, tỷ giá hối đoái ổn định và quan hệ đối ngoại được mở rộng. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu trong nước và sản xuất hướng đến xuất khẩu mạnh mẽ. Mặc dù tăng trưởng đã giảm xuống còn 6,21%, mức tăng trưởng này vẫn khá cao trong khu vực và trên toàn cầu.
Những thành tựu trên khá ấn tượng, song Việt Nam cũng đang gặp phải một số thách thức. Trước tiên, tỷ lệ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam hiện là dưới 4%, nên rất khó để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh, bền vững và đuổi kịp các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh khác như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan.
Giải pháp để ngăn chặn đà giảm tăng trưởng năng suất là tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân và tạo ra môi trường đầu tư công bằng hơn cho tất cả các thành phần kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần phải thúc đẩy cạnh tranh thực chất và thúc đẩy các mối liên kết giữa các thành phần kinh tế để xây dựng những chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả trong và ngoài nước.
Thách thức thứ hai chính là ô nhiễm môi trường. 5 năm qua, mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng nhanh nhất trong khu vực. Việc sử dụng năng lượng của Việt Nam cần được đặc biệt chú ý.
Việt Nam cần tạo ra cơ chế tốt nhằm khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí thiên nhiên - cùng với những nỗ lực cải thiện hiệu suất năng lượng nhằm đảm bảo sử dụng năng lượng bền vững và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính năm 2030 theo Bản Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam.
Thách thức thứ ba liên quan đến giảm nghèo và an sinh xã hội. Mặc dù Việt Nam đã giảm được tỷ lệ nghèo một cách đáng kể, nhưng vẫn có một số hạn chế về an sinh xã hội ở một số vùng dân tộc thiểu số. Việc giảm nghèo tại một số khu vực này vẫn còn rất hạn chế trong giai đoạn 2012-2015, đặc biệt là về vấn đề suy dinh dưỡng. Hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững có thể được thực hiện hiệu quả hơn, nếu được thiết kế và thực hiện tốt hơn.
Và cuối cùng là vấn đề Việt Nam sẽ lấy đâu ra đủ tiền cho việc phát triển đất nước trong 5 năm tới. Vào thời điểm mà hỗ trợ phát triển ưu đãi đang giảm dần, thì Việt Nam cần phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn thu trong nước. Việc đẩy mạnh huy động nguồn thu trong nước, cùng với các nỗ lực tăng cường hiệu quả chi ngân sách và năng lực quản lý nợ, đặc biệt là thị trường nợ trong nước, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng, các mục tiêu phát triển có thể đạt được mà không bị gia tăng khối lượng nợ. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cần phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn, để thu hút các nguồn lực từ khối kinh tế tư nhân.
Hướng đến một năm mới, với sự tập trung sâu sắc vào đẩy mạnh việc thực hiện các cải cách cấu trúc để đổi mới mô hình tăng trưởng - như đã được đề cập trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, thì Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng cao, tạo ra nhiều việc làm hơn và qua đó đem lại thịnh vượng lớn hơn cho mọi người dân.
Cải thiện quy trình ra quyết định
Ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam |
Tôi tin rằng, bức tranh kinh tế sẽ tươi sáng hơn trong năm tới, với một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, tôi chưa thấy động thái đáng kể nào trong quá trình giải quyết nợ xấu và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Những vấn đề này nếu không được giải quyết, thì có thể là trở ngại cho Việt Nam để trở lại quỹ đạo tăng trưởng kinh tế cao giống như giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Về đề xuất chính sách, trong những năm tới, ngoài những thuận lợi, Việt Nam cũng còn không ít thách thức cần phải vượt qua, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao cải thiện được môi trường đầu tư để tăng đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước.
Chính phủ Việt Nam cần phải thực hiện các chính sách cải thiện môi trường đầu tư bằng cách tái cơ cấu các khu vực chủ chốt, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và hậu cần, như sử dụng đầy đủ và hiệu quả hệ thống cảng bao quanh TP.HCM. Khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam chỉ có thể được tăng cường mạnh mẽ hơn khi Chính phủ tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế tài chính thuận lợi cho nông dân hoặc các doanh nghiệp nông nghiệp có kế hoạch kinh doanh cụ thể và khả thi cần được coi là một trong những biện pháp quan trọng giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp vì đây được xem là yếu tố then chốt để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Liên quan đến ODA Nhật Bản, tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam cải thiện các quy định để hỗ trợ thực hiện hiệu quả các dự án ODA. Liên quan đến các dự án vốn vay, mối quan tâm lớn nhất được đề cập chính là sự chậm trễ trong triển khai dự án. Một khi bị chậm trễ nghiêm trọng, dự án không chỉ gây tốn kém thêm chi phí, mà còn sẽ còn phải đối mặt với tổn thất to lớn về lợi ích kinh tế. Các nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ có thể kể đến chính là chậm giải phóng mặt bằng do thiếu kinh phí cho chi tiêu thường xuyên, các quy định và quy trình ra quyết định phức tạp.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của phía Việt Nam hiện nay là làm thế nào để thiết lập cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý, dựa trên các giá trị kinh tế nhằm cung cấp ngân sách cần thiết cho giải phóng mặt bằng các dự án quốc gia hoặc địa phương một cách hiệu quả theo thứ tự ưu tiên. Hơn nữa, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, trung ương và địa phương làm mất khá nhiều thời gian và làm cho các dự án bị trì hoãn thêm.
Tôi xin đưa ra một ví dụ về những tổn thất về kinh tế do việc chậm trễ trong thực hiện Dự án Metro số 2 Hà Nội đem lại. Tổng giá trị đầu tư của Dự án tuy hợp lý, nhưng vẫn còn quá cao, nên Chính phủ Việt Nam đã quyết định để Bộ Kế hoạch và Đầu tư dùng ngân sách nhà nước thuê tư vấn độc lập đánh giá chi phí dự án. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã tốn khá nhiều thời gian để đưa ra quyết định này, mà cụ thể là 1 năm rưỡi.
Hơn nữa, sau đó Nhà nước lại mất thêm 2 năm chỉ để thuê được tư vấn độc lập. Ngay cả tại thời điểm hiện tại, 5 năm đã trôi qua kể từ khi Chính phủ Việt Nam bắt đầu quá trình đánh giá chi phí dự án, thì quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Thời gian dự kiến để bắt đầu đấu thầu là giữa năm 2017, trễ mất 5 năm so với kế hoạch ban đầu và dự án được dự kiến hoàn tất vào năm 2022.
Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, chi phí xây dựng và chi phí mua thiết bị đã tăng thêm khoảng 650 tỷ đồng do đồng tiền bị trượt giá trong 5 năm chậm trễ. Nếu tính toán về kinh tế, thì tổn thất là vô cùng lớn, ngay khi chỉ xem xét đơn thuần vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay ở thành phố. Đương nhiên, cũng do sự chậm trễ này mà các công ty tư nhân đã không thể đạt được lợi nhuận như đặt ra trong chiến lược kinh doanh của họ.
Theo Đầu tư