Kinh tế Trung Quốc đã thực sự lâm vào tình thế khó khăn do chiến tranh thương mại?

VietTimes -- Con số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giám dần từng quý mà cơ quan thống kê của Trung Quốc công bố không nói lên thực chất tình trạng khó khăn của kinh tế Trung Quốc hiện nay. Trang web Hoa ngữ Creader ngày 3/11 đã đăng bài dẫn ý kiến các chuyên gia, học giả Trung Quốc phân tích, đánh giá về thực trạng khó khăn, nhất là trong lĩnh vực tài chính.
Hội nghị thường niên lần thứ 7 năm 2019 của Diễn đàn 50 người về quản lý tài sản Trung Quốc họp ngày 2/11 tại Bắc Kinh.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc tiết lộ một số lượng lớn các vụ lừa đảo trên thị trường vốn trong nước

Kể từ khi nghỉ hưu, cựu Bộ trưởng Tài chính của Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei), nổi tiếng về những phát biểu thẳng thừng. Ngày 2 tháng 11 khi phát biểu công khai, ông đã cho rằng trong thị trường vốn Trung Quốc hiện nay có một số lượng lớn các vụ lừa đảo Ponzi tài chính, Ponzi đầu tư, v.v. Trước đó, ông đã nhiều lần nói rằng rủi ro tài chính của Trung Quốc đã rất cao.

Vào ngày 2 tháng 11, Hội nghị thường niên lần thứ 7 năm 2019 của Diễn đàn 50 người về quản lý tài sản Trung Quốc đã được tổ chức tại Nhà khách Điếu Ngư Đài (Diaoyutai) Bắc Kinh. Theo trang web chính thức của diễn đàn thì Diễn đàn này được thành lập vào ngày 16 tháng 9 năm 2012. Đây là một tổ chức học thuật nghiên cứu không thuộc chính phủ, phi doanh lợi. Tại cuộc họp, cựu Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ đã chỉ ra rằng thị trường vốn của Trung Quốc có một loạt vấn đề như: thị trường sơ cấp Ponzi hóa, thị trường thứ cấp phân tán và thao túng định giá kế toán. (Ponzi là hình thức vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những người đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay).

Ông Lâu Kế Vĩ, cựu Bộ trưởng Tài chính: thị trường vốn Trung Quốc hiện nay có một số lượng lớn các vụ lừa đảo Ponzi tài chính, Ponzi đầu tư...

Cụ thể biểu hiện trong mấy khía cạnh sau:

Đầu tiên, có một số lượng lớn hiện tượng Ponzi tài chính và hiện tượng Ponzi đầu tư trên thị trường sơ cấp. Biểu hiện nổi bật là một đối tác chung quản lý nhiều quỹ đầu tư tư nhân cùng loại và có khả năng đảo ngược dự án giữa các quỹ khác nhau, thao túng hiệu suất và thực hiện các dự án chất lượng kém trong quỹ cũ thông qua các quỹ mới; từ đó dùng Ponzi đầu tư hỗ trợ Ponzi tài chính.

Thứ hai, tỷ lệ nắm giữ tài khoản quỹ đầu tư của các nhà đầu tư thị trường thứ cấp quá thấp, thường là khoảng 60%, kém xa mức chuẩn được chỉ định, nhưng cũng đi chệch khỏi yêu cầu cấu hình.

Thứ ba, nhà đầu tư khéo sử dụng các lỗ hổng chính sách để phân loại và định giá tài sản tài theo cách có lợi cho chính họ, thực hiện khái toán, thao túng thu nhập và che giấu rủi ro.

Ông Lâu Kế Vĩ cho rằng hiện tượng trên được sinh ra do sự kết hợp của nhiều vấn đề như: phong cách thị trường tồi tệ, quy tắc không đầy đủ, giám sát không đến nơi chốn và nhận thức rủi ro thấp của toàn xã hội.

Ông cũng đã đề cập đến rủi ro tài chính nhiều lần trong năm ngoái. Đối với đầu tư của Trung Quốc và rủi ro tài chính, khi phát biểu tại Diễn đàn 50 người thường niên 2018 về nền kinh tế Trung Quốc tổ chức ngày 25 tháng 2 năm 2018, Lâu Kế Vĩ nói thẳng: “Vấn đề lớn hiện nay là rủi ro tài chính. Vấn đề lớn nhất là toàn xã hội thiếu nhận thức về rủi ro”, “Tôi hiện đang quay trở lại giới đầu tư, nhìn thấy toàn là rủi ro. Tôi cũng có các cuộc đối thoại với các tổ chức tài chính nước ngoài. Chúng ta đang mở cửa ngành tài chính. Họ có thể nắm giữ cổ phiếu, cũng có thể vào, có thể nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu rất cao tới 50%, thậm chí 100%, mà người ta không muốn vào. Người ta nhìn thấy toàn là rủi ro, còn người Trung Quốc lại nhìn thấy toàn cơ hội”.

Ngoài ra, ông Vĩ cũng nhấn mạnh rằng “rủi ro chính sách là khó lường nhất, chúng ta thường thấy rủi ro chính sách, giám sát từ đầu đến cuối, các phương pháp điều tiết liên tục không thể lường trước được”.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Ngoại thương Pháp: Trung Quốc đang bị chảy máu vốn nghiêm trọng .

Chảy máu vốn, dự trữ ngoại tệ chạm đáy, nợ nước ngoài của Trung Quốc lên tới 3,5 nghìn tỷ USD

Bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống đến mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua, cùng với một lượng lớn vốn chạy ra nước ngoài, dự trữ ngoại hối tiếp tục giảm. Có viện nghiên cứu nói rằng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc gần như âm và nợ nước ngoài ít nhất là 3 ngàn đến 3,5 ngàn tỷ USD, nhiều hơn 1 ngàn tỷ USD so với số liệu do chính phủ công bố.

Tờ South China Morning Post mới đây đã trích dẫn ý kiến của bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Ngoại thương Pháp, cho rằng tổng số vốn của Trung Quốc đại lục chảy ra nước ngoài trong tháng 9 lên tới 89 tỷ Nhân dân tệ. Mặc dù Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra giám sát các công ty bảo hiểm và thương mại, nhưng vẫn không thể ngăn chặn dòng tiền ra. Thật trùng hợp, ông Ngụy Kiệt (Wei Jie) nhà kinh tế và Giáo sư của Học viện Quản lý Kinh tế của Đại học Thanh Hoa gần đây đã có bài phát biểu về tình hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc cùng các vấn đề và biện pháp đối phó. Ngụy Kiệt nói rằng nợ của Trung Quốc quá cao do “tháo cống” từ năm 2014 đến 2016. Do đó, từ 2018 đến 2020 là thời gian trả nợ cao điểm của Trung Quốc; cần phải đảm bảo nguồn cung vốn bình thường, nếu không, một cuộc khủng hoảng nợ lớn sẽ xảy ra, dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Ông Ngụy Kiệt, nhà kinh tế và Giáo sư của Học viện Quản lý Kinh tế của Đại học Thanh Hoa cảnh báo về nguuy cơ khủng hoảng nợ dẫn đến khủng hoảng tài chính

Ông Ngụy Kiệt nói, một nguồn cung cấp ngoại hối là tiền tự mình kiếm được; nguồn nữa là tiền vay và thứ ba là tiền vốn nước ngoài mang vào Trung Quốc. Trong ba loại tiền đó, số tiền thực sự có thể sử dụng được chỉ khoảng vài trăm tỷ USD. Một khi nguồn cung ngoại hối biến động, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đồng nội tệ và ảnh hưởng đến nguồn cung vốn trong nước.

Theo một bài báo được đăng tải trên Financial Times  trước đây, theo số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc công bố, năm 2018 Trung Quốc nợ nước ngoài gần 2 ngàn tỷ USD, chiếm khoảng 15% GDP. Con số này không quá cao, nhưng nó ẩn chứa rủi ro: thứ nhất, tốc độ tăng trưởng nợ nước ngoài của Trung Quốc rất nhanh, với mức tăng 20% trong năm 2017 và 12% trong năm 2018; thứ hai, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng số liệu được công bố chính thức có thể đã đánh giá thấp mức nợ nước ngoài. Nếu tính hết các khoản nợ USD này, tổng số nợ nước ngoài có thể nằm trong khoảng từ 3 ngàn tỷ đến 3,5 ngàn tỷ USD, cao hơn dữ liệu chính phủ công bố chính thức hơn 1 ngàn tỷ đô la.

Tiến sỹ Trình Hiểu Nông cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng  của Trung Quốc

Gần đây, Tiến sĩ xã hội học Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong), ở Đại học  Princeton, nguyên Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu tổng hợp Viện cải cách thể chế Trung Quốc, nói: Trung Quốc cần phải trả nợ nước ngoài, cộng thêm việc cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã khiến nhiều công ty nước ngoài bắt đầu thoái vốn. Ngoại hối cần cho việc họ thoái vốn và chuyển lợi nhuận ra ngoài cũng là một khoản chi tiêu rất lớn. Sau khi trừ hai khoản chi tiêu cứng này, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ còn lại vài trăm tỷ USD có thể sử dụng. Trong khi đó khoản lợi nhuận ròng dài hạn kiếm được từ Mỹ mấy trăm tỷ đô la mỗi năm để bổ sung vào dự trữ ngoại tệ đã bị gián đoạn. Từ nay về sau, hàng năm nhập khẩu dầu mỏ, lương thực và các thứ linh, phụ kiện cần cho ngành chế tạo đều cần chi tiêu ngoại hối... sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt mấy trăm tỷ USD còn lại. Vì vậy, tình trạng giật gấu vá vai về ngoại tệ của Trung Quốc đã bày ra trước mắt.

Theo Creader