|
Fed đã nâng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ thập kỷ 80 (Ảnh: WSJ) |
Kịch bản kinh tế Mỹ 'không hạ cánh'
Nhiều nhà kinh tế học đang tranh luận xem những đợt nâng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến kinh tế Mỹ sẽ 'hạ cánh mềm' hay 'hạ cánh cứng' – tức giảm lạm phát thông qua một cuộc suy thoái hay chỉ là một đợt giảm đà tăng trưởng nhẹ nhàng.
Đà phục hồi đáng bất ngờ trong hoạt động tuyển dụng lao động và chi tiêu trong tháng 1/2023 - cùng với những tín hiệu cho thấy nhu cầu xe hơi và nhà ở đang ổn định dần sau một đợt suy giảm - khiến một số nhà kinh tế học đưa ra viễn cảnh thứ ba. Ở đó, các kịch bản 'hạ cánh cứng' và 'hạ cánh mềm' vừa nêu sẽ không xảy ra mà đơn giản là tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ vẫn được duy trì trong năm 2023.
“Viễn cảnh “không có cú hạ cánh nào” giờ là thực tế hiện nay”. Neil Dutta, nhà kinh tế học đến từ công ty nghiên cứu Renaissance Macro, nhận định.
Trong khi nhiều quan chức Fed khẳng định rằng họ kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm trong năm nay, ông Dutta cho hay ông nhận thấy “phần đông mọi người không dám thừa nhận điều hiển nhiên là nền kinh tế đang tăng tốc trở lại".
|
Khả năng nền kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái trong vòng 12 tháng tới (Ảnh: WSJ) |
Fed đã nâng lãi suất cơ bản thêm 4,5% kể từ tháng 3/2022, và sau đợt nâng mới đây nhất, lãi suất cơ bản đang ở trong khoảng 4,5-4,75%. Đây là nhịp độ nâng lãi suất nhanh nhất kể từ đầu thập kỷ 80, và là diễn biến mà nhiều nhà kinh tế học cho là sẽ làm chậm hoạt động tuyển dụng lao động và đầu tư.
Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng lao động tại Mỹ đã tăng trở lại trong ít tháng gần đây.
Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ mới công bố cho thấy, chủ các doanh nghiệp đã tuyển dụng mới 517.000 việc làm trong tháng 1/2023 và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,4%. Công việc mới cần tuyển dụng lao động cũng tăng.
Những dữ liệu này đã khiến nhiều chuyên gia dự báo bất ngờ, bởi dữ liệu công bố trước đó cho thấy lãi suất cao bắt đầu làm giảm hoạt động tuyển dụng, theo Marc Giannoni, trưởng kinh tế gia tại Barclays. Dữ liệu mới nhất cho thấy chính sách của Fed “không tác động nhiều tới nhu cầu lao động như chúng tôi kỳ vọng,” ông nói.
Đối với Fed, họ quan ngại rằng các doanh nghiệp sẽ chuyển phần chi phí đội lên sang phía người tiêu dùng, khi thu nhập hộ gia đình tăng. Trong khi đó, khi chi tiêu chuyển từ hàng hóa sang các dịch vụ cần nhiều lao động, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng cao.
Mặc dù đà tăng lương đã chậm lại trong tháng 1/2023, nhưng số giờ làm việc trung bình trong tuần lại tăng, điều này khiến khoản tiền chi cho lương hàng tuần tăng thêm 1,5% trong tháng trước, và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giờ làm việc trong tuần trong ngành sản xuất tăng 1,2% trong tháng 1, cho thấy các hoạt động sản xuất đã tăng trở lại trong tháng trước.
|
Diễn biến lãi suất ở Mỹ (Ảnh: Fed) |
Nguy cơ suy thoái
Các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs tuần trước đưa ra dự báo rằng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 25%, giảm so với mức 35% trước đó. Ngân hàng này kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống còn 3% trong năm nay, với tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 4% và nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ khoảng 2%.
“Nếu chúng tôi nhận thấy có đà tăng tốc trở lại, đạt tới đà tăng trưởng cao hơn so với xu hướng hiện tại – mà tôi tin rằng hiện nay chưa xuất hiện – vậy thì lạm phát khó có thể giảm xuống sát mức 2%, khó có được một cú 'hạ cánh mềm'”, Jan Hatzius, trưởng kinh tế gia của Goldman Sachs, nhận định.
Đà tăng trưởng nền kinh tế tăng lên có thể khiến Fed nâng lãi suất cao hơn so với dự định để làm giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% trong vòng vài năm tới. “Theo quan điểm của chúng tôi, viễn cảnh “không hạ cánh” chỉ là giai đoạn chờ đợi một cú 'hạ cánh mềm' hoặc 'hạ cánh cứng' xảy ra,” Ellen Zentner, trưởng kinh tế gia tại Morgan Stanley, nhận định.
Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America, cho hay ông hết sức hoài nghi về việc lạm phát sẽ giảm nếu như đà tăng trưởng tăng lên nhanh chóng.
“Miễn là chiếc máy bay vẫn ở độ cao 30.000 ft, rủi ro hết nhiên liệu càng lớn,” ông nói. “Một viễn cảnh hợp lý là Fed cần có thêm thời gian và tiếp tục thắt chặt chính sách để làm hạ nhiệt thị trường lao động".
Nhưng để chắc chắc, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn dự báo về một cuộc suy thoái. Một số cho rằng Fed hành động quá nhanh trong việc nâng lãi suất khiến cho nền kinh tế không có đủ thời gian để cho ra kết quả. Lần gần đây nhất mà họ nâng lãi suất lên mức tương đương ở hiện tại, đầu năm 2006, phải mất khoảng 1 năm rưỡi để các thị trường lao động phản ứng.
Ông Giannoni dự báo rằng một cuộc suy thoái có thể diễn ra vào mùa Thu năm nay chứ không phải mùa Hè. Ông kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1/4 điểm trong 3 vòng họp tới – tháng 3, 5 và 6 – nâng lãi suất cơ bản lên mức gần 5,5%, như từng thấy trong năm 2001.
|
Nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái vào nửa sau năm nay vẫn cao (Ảnh: Shutterstock) |
Kỳ vọng về lãi suất và lạm phát
Các nhà đầu tư cho rằng có đến 90% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất lên trên 5% trong tháng 6, từ mức dự báo 4,5% cách đây 1 tháng, theo CME Group. Họ cho rằng có 45% khả năng lãi suất sẽ duy trì ở trên mức này cho đến đến năm nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm khi các hộ gia đình bắt đầu sử dụng hết khoản tiền tiết kiệm mà họ tích lũy được trong giai đoạn đại dịch. Nhưng điều đó có thể không xảy ra nếu như lạm phát giảm làm tăng lương thực tế, theo ông Dutta.
Tuần trước, Mastercard ước tính rằng doanh số bán lẻ ở Mỹ - ngoại trừ xe hơi – tăng 8,8% trong tháng 1, so với cùng kỳ năm ngoái. Bank of America cho hay chi tiêu bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng của mỗi hộ gia đình đã tăng 1,7% trong tháng 1, trong khi từng giảm 1,4% trong tháng 12 năm ngoái. Mức lương trung bình cao hơn của các bang và những sự điều chỉnh trong chi phí sinh hoạt của người về hưu có thể đã đóng góp cho mức tăng này.
Chi tiêu tiêu dùng đang cho thấy tín hiệu ổn định đáng ngạc nhiên, theo Vasant Prabhu, Giám đốc tài chính của Visa, cho hay. Trong khi chi tiêu hàng hóa giảm, thì chi tiêu cho dịch vụ thực sự tăng, ông nói.
Trong khi đó, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang lấy lại nhịp độ. Châu Âu dường như đã thoát khỏi viễn cảnh tồi tệ nhất do giá năng lượng tăng đột biến trong mùa Đông. Trung Quốc đã từ bỏ chính sách zero-COVID và mở cửa lại nền kinh tế, làm tăng nhu cầu hàng hóa.
Một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của nền kinh tế Mỹ đang có tín hiệu phục hồi. Lãi suất vay nợ trong tháng trước đã giảm xuống chỉ còn hơn 6%, tức giảm gần 1 điểm phần trăm kể từ tháng 11 năm ngoái. Các công ty xây dựng nhà ở cũng giảm giá và hỗ trợ vay nợ đối với khách hàng mới.
“Câu hỏi hiển nhiên hiện nay là, liệu đà tăng cầu có tiếp tục hay không,” Ryan Marshall, giám đốc điều hành tại công ty xây dựng PulteGroup, nói. "Các công ty xây dựng nhà ở về bản chất là luôn lạc quan, và tôi muốn tin rằng Fed có thể có cú hạ cánh mềm, nhưng nguy cơ suy thoái vẫn còn đó".
Do lạm phát ở mức cao trong năm ngoái và nhiều hợp đồng lao động, cung ứng đã được đàm phán lại trong tháng 1, các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs kỳ vọng sức ép giá sẽ thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm vào lạm phát lõi của tháng 1, ngoại trừ giá thực phẩm và năng lượng.
Trong những tuần gần đây, nhiều tập đoàn lớn báo cáo doanh thu tăng bất chấp doanh số bán giảm hoặc đi ngang. Unilever PLC tuần trước cho hay doanh số bán của họ tăng 9% trong quý 4 năm ngoái, so với cùng kỳ năm trước đó, mặc dù doanh số bán giảm 3,6%, nhưng giá tăng 11%. PepsiCo Inc. báo cáo doanh số tăng 11%, trong khi giá trung bình tăng 15%.
Nguy cơ xảy ra suy thoái vào cuối năm nay có thể khiến nhiều công ty tăng giá sản phẩm trong những tháng tới./.
Giảm tốc nâng lãi suất, Fed vẫn giữ quan điểm 'diều hâu' về thắt chặt tiền tệ
Fed đã quá tay trong cuộc chiến chống lạm phát (?): Những kịch bản khó lường
'Nhiệm vụ bất khả thi' của Fed
Theo Wall Street Journal