Fed đã quá tay trong cuộc chiến chống lạm phát (?): Những kịch bản khó lường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Fed cho thấy quyết tâm giảm lạm phát, nhưng không ai thực sự biết họ sẽ phải tăng lãi suất lên cao đến mức nào và phải giữ lãi suất đó trong bao lâu để đạt được mục tiêu của mình.
Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Internet)
Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Internet)

Dù lạm phát đã bắt đầu giảm, các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là vẫn chưa hài lòng với tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại và sẵn sàng tăng mạnh lãi suất trong năm 2023.

Tuy vậy, giới chức Fed cũng cần phải duy trì sự nhạy cảm sâu sắc với các dữ liệu vĩ mô để chèo lái nền kinh tế Mỹ trước những kịch bản khó lường.

VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả quan điểm của ông Raghuram G. Rajan - cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, Giáo sư chuyên ngành tài chính tại Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago – trên Project Syndicate – về nội dung này.

Fed rõ ràng quyết tâm giảm lạm phát. Nhưng không ai thực sự biết họ sẽ phải tăng lãi suất lên cao đến mức nào - và họ sẽ phải giữ lãi suất đó trong bao lâu - để đạt được mục tiêu của mình. Do đó, nhiều người đang tự hỏi liệu Fed có gây ra suy thoái hay không.

Lạm phát đang hạ nhiệt, một phần vì những khó khăn trong chuỗi cung ứng đã được giải quyết, nhưng cũng vì nhu cầu đang yếu đi. Lãi suất cao hơn đã kiềm chế việc mua nhà, qua đó làm chậm quá trình xây dựng nhà ở. Hàng hóa và dịch vụ giá cao hơn đã tiêu tốn đáng kể ngân sách của hộ gia đình và cản trở chi tiêu của người tiêu dùng. Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc cũng làm giảm giá hàng hóa trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Fed không hài lòng với tình hình hiện tại. Họ lo ngại rằng cho đến khi thị trường lao động đang phát triển nóng của Mỹ xuất hiện một số tình trạng trì trệ, tiền lương vẫn có thể bắt kịp lạm phát và đẩy nó lên mức cao hơn.

Điều cuối cùng mà Fed muốn là tạm dừng nâng lãi suất và sau đó chứng kiến ​​lạm phát trỗi dậy khi thị trường tài chính sôi động trở lại và kích thích tổng cầu. Điều đó sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải tăng lãi suất cao hơn và lâu hơn. “Một lần là xong” sẽ tốt hơn nhiều cả cho nền kinh tế và danh tiếng của Fed.

Hơn nữa, Fed không nhất thiết phải tin rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng khi thị trường lao động suy yếu. Lý tưởng nhất là tỷ lệ cơ hội việc làm cho người lao động thất nghiệp sẽ giảm xuống và cơ hội việc làm giảm đáng kể.

Nhưng ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ, Fed sẽ không nản lòng. Họ cho rằng luôn có thể kích thích nền kinh tế suy yếu tăng trưởng trở lại thông qua việc hạ lãi suất.

Ông Raghuram G. Rajan - cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (Ảnh: Đại học Chicago)

Ông Raghuram G. Rajan - cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (Ảnh: Đại học Chicago)

Do đó, mọi người đều nhất trí rằng Fed sẽ mắc sai lầm nếu nâng lãi suất quá mức. Thật vậy, phản ứng của thị trường cho thấy Fed sẽ quay lại cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023.

Những kịch bản khó lường

Có những biến số trong quan điểm của thị trường. Hãy xem xét 2 kịch bản thay thế.

Đầu tiên, Fed có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng lạm phát vẫn có thể trên mức mục tiêu 2%.

Tình trạng lạm phát trì trệ như vậy - giống như những năm 1970, khi kỳ vọng lạm phát trở nên cố định ở mức cao hơn - sẽ buộc Fed phải tăng lãi suất hơn nữa vào cùng thời điểm nền kinh tế suy thoái. Khi kịch bản này xảy ra, sự kiên định trong mục tiêu chống lạm phát và khả năng chịu áp lực chính trị của Fed sẽ thực sự được thử thách.

Ở kịch bản thứ 2, lạm phát sẽ giảm với tốc độ nhanh đến bất ngờ. Hãy xem xét thị trường lao động hiện tại. Các công ty vừa và nhỏ không chỉ gặp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, mà cho đến nay, họ vẫn giữ được nhân viên ngay cả khi các công ty lớn tuyên bố sa thải. Bởi lẽ, họ biết việc tuyển dụng đã trở nên khó khăn như thế nào.

Trên thực tế, một số công ty vẫn đang tuyển dụng. Họ kỳ vọng sẽ tuyển dụng nhiều công nhân chất lượng cao hơn khi các công ty lớn đã đóng cửa.

Nhưng khi thị trường lao động chậm lại, các công ty nhỏ hơn này có thể trở nên tin tưởng hơn rằng sẽ vẫn có sẵn lao động chất lượng cao trong tương lai. Trong trường hợp đó, họ cũng có thể tạm dừng tuyển dụng hoặc thậm chí sa thải một số công nhân mà họ đã thuê khi thị trường lao động khan hiếm. Nói cách khác, làn sóng sa thải mà chúng ta đang thấy có thể trở thành một cơn lũ.

Điều đó sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác. Ví dụ, doanh số bán nhà ở Mỹ đã chậm lại đáng kể, nhưng giá nhà nhìn chung vẫn giữ nguyên, có thể là do không có nhiều nguồn cung gia nhập thị trường.

Với lãi suất thế chấp đã tăng lên rất nhiều trong năm qua, một chủ nhà có khoản thế chấp 30 năm ở mức 4% sẽ phải trả nhiều tiền hơn trong khoản thanh toán hàng tháng nếu cô ấy nâng cấp lên một ngôi nhà tốt hơn một chút với khoản thế chấp mới ở mức 7%. Do không đủ tiền mua mới nên cô ấy sẽ không bán đi ngôi nhà cũ. Do động lực này đang hạn chế nguồn cung nhà trên thị trường, nên có rất ít áp lực giảm giá.

Tuy nhiên, nếu tình trạng sa thải gia tăng, nhiều chủ sở hữu nhà sẽ không thể thanh toán sẽ buộc phải bán nhà trong tình trạng túng quẫn.

Nguồn cung sẽ đột ngột tăng lên, giá nhà sẽ giảm mạnh và sự kết hợp giữa tình trạng không chắc chắn về việc làm và mức độ giàu có về nhà ở thấp hơn có thể phá vỡ niềm tin của người tiêu dùng, làm giảm tốc độ tăng trưởng hơn nữa.

Bây giờ, hãy xem xét một kịch bản khác. Chúng ta vừa trải qua 3 năm mà các vụ phá sản của công ty đã giảm, ít nhất là nhờ hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch.

Trong những tháng đầu của đại dịch, nhiều công ty đã tận dụng các điều kiện tín dụng dễ dàng để đảo nợ, kéo dài khoản nợ của họ. Những công ty dễ bị tổn thương nhất chỉ có thể đảo nợ vào thời điểm đó, và chẳng mấy chốc khối lượng nợ đến hạn sẽ tăng lên.

Trong môi trường kinh tế ngày càng ảm đạm, việc đảo nợ sẽ trở nên khó khăn hơn và có thể đánh cược công bằng rằng nhiều người sẽ không thể tái cấp vốn và các vụ phá sản của công ty sẽ tăng lên đáng kể.

Lĩnh vực tài chính chính thống có thể đủ thông minh để tránh xa sự sụp đổ của tiền mã hóa, nhưng nó không tránh khỏi tình trạng khó khăn của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Lịch sử cho thấy, những tổn thất trong lĩnh vực tài chính có thể nhanh chóng dẫn đến những kịch bản thảm khốc.

Trong các kịch bản này, ít nhất Fed cũng biết họ sẽ phải làm gì trong kịch bản đầu tiên: tăng lãi suất để chống lạm phát cao.

Nhưng nếu sự phát triển trở nên phi tuyến tính, thì thật khó để biết Fed có thể sử dụng biển chỉ dẫn nào để điều hướng giữa việc nâng lãi suất quá ít và phải lặp lại cuộc chiến chống lạm phát nhiều lần. Nhưng nếu nâng lãi suất quá tay, Fed có thể phải chứng kiến một cuộc suy thoái khó kiểm soát.

Có lẽ điều tốt nhất Fed có thể làm là đề phòng sự tự mãn về khả năng chịu đựng của nền kinh tế, đồng thời duy trì sự nhạy cảm sâu sắc với dữ liệu đến khi chúng ta bước vào thời kỳ nguy hiểm nhất./.

Theo Project Syndicate