Báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết quy định của Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn chưa liệt kê hành vi “sử dụng tia laser gây mất an toàn hàng không dân dụng” để xử lý hình sự các vụ chiếu tia laser vào máy bay.
Trong khi đó, hành vi này có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay.
Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung hành vi có tính chất nguy hiểm như chiếu tia laser vào máy bay trong thông tư liên tịch thay thế thông tư liên tịch số 09/2013 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông.
Cục Hàng không cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi các chế tài xử phạt hành chính liên quan đến hành vi “sử dụng tia laser gây mất an toàn hàng không dân dụng” vào nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo Cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2016 có 6 vụ chiếu tia laser vào máy bay. Trong đó từ ngày 28-5 đến 14-6 xảy ra 1 vụ ở Tân Sơn Nhất, 4 vụ ở Nội Bài; ngày 15-2 xảy ra 1 vụ ở sân bay Pleiku (Gia Lai). Cục Hàng không cho biết theo tài liệu hướng dẫn về “Báo cáo việc chiếu tia laser vào máy bay” của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) cho thấy việc tiếp xúc của tổ bay với tia laser có thể gây ra hậu quả nguy hiểm như gây mất tập trung, chói, lóa, có thể gây mù lòa hoặc suy giảm thị lực vĩnh viễn với phi công. Qua đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều khiển máy bay, gây mất an toàn của chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn hạ cánh. Do mức độ nguy hiểm của hành vi chiếu tia laser đến hoạt động bay dân dụng, nên ngày 14-2-2012 Hoa Kỳ đã bổ sung hành vi chiếu tia laser vào máy bay là tội phạm liên bang.
Theo Tuổi trẻ