Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hiệp - chuyên gia nghiên cứu về cây mỡ, cây vàng tâm thuộc Trung tâm Bảo tồn Thực vật VN - khẳng định như vậy tại hội thảo “Từ đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” chiều 23-3.
Cây chỉ phù hợp trồng... trên núi!
“Cây mỡ và cây vàng tâm cùng một nhóm. Loại cây này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng núi. Loại cây trồng ở trên phố Nguyễn Chí Thanh thường ra hoa vào các tháng 2, 3, 4 hàng năm. Khi ra hoa có mùi thơm, nhưng chỉ sau 25 ngày hoa sẽ rụng. Đáng nói khi hoa loại cây này rụng có mùi xú uế” - ông Hiệp khẳng định.
Theo ông Hiệp, loại cây mỡ, vàng tâm thường được trồng ở độ cao 300-400m so với mực nước biển.
“Loại cây này gỗ cũng không tốt, nguyên liệu thường được làm giấy. Tôi khẳng định những cây trồng thay thế trên phố Nguyễn Chí Thanh không phù hợp trồng ở Hà Nội. Tôi dự báo khả năng chết rất cao. Rất khó sống trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như ở Hà Nội” - ông Hiệp quả quyết.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Lân Dũng, chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng đừng quá quan trọng loại cây trồng ở phố Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ hay cây vàng tâm, bởi cả cây mỡ và cây vàng tâm khi trồng trên phố đều không phù hợp. Loại cây này sau 10 năm trồng cũng chưa chắc có bóng mát.
"Độ cao phù hợp trồng cây này là trên 300m so với mặt nước biển, độ cao ở Hà nội chỉ có 6m nên tôi không hiểu ai có sáng kiến trồng nhóm cây này trên phố Nguyễn Chí Thanh, không hiểu cơ sở khoa học để đề xuất trồng loại cây này trên phố là ở đâu?" - GS. Dũng băn khoăn.
Chiến dịch... tàn phá cây xanh Hà Nội!
Đề cập tới việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua, ông Phan Thanh Giang (kỹ sư cao cấp về lâm nghiệp đô thị) nói: “Cá nhân tôi không phản đối chủ trương cải tạo, thay thế cây xanh ở đô thị. Cải tạo, thay thế cây xanh là đúng, nhưng bằng phương pháp nào, cách làm nào thì phải dựa trên cơ sở khoa học.
Còn cách làm của Hà Nội vừa qua là làm cấp tập, chặt hạ hàng loạt cây xanh, chặt hết cây xanh của cả tuyến phố để trồng mới, đây là điều cực kỳ tối kỵ, mà chỉ có thể lựa chọn thay thế xen kẽ”.
Ông Giang khẳng định: “Tôi hồ nghi về tính chất khoa học của đề án cải tạo, thay thế cây xanh. Đề án có điều tra khoa học chưa? Có điều tra, đánh giá khoa học thì mới biết cây nào đáng chết thì cho chết, cây nào đáng thay thì cho thay. Tôi sợ chưa có điều tra, đánh giá khoa học nên mới có chuyện chặt rất nhiều cây như thế” - ông Giang nói thêm.
Theo GS. Phạm Ngọc Đăng, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc chặt hạ hàng loạt cây xanh như cách làm của Hà Nội khiến người dân và các chuyên gia rất bức xúc.
“Tôi có cảm giác vừa qua Hà Nội có chiến dịch ra quân tàn phá cây Hà Nội” - GS. Đăng nói.
“Đã có một số nhà tài trợ lên tiếng rằng họ không tài trợ tiền cho việc chặt cây. Cá nhân tôi cho rằng việc chặt hạ cây xanh vừa qua đúng là một chiến dịch. Chiến dịch tức là có nhiều người tham gia trong một khoảng thời gian ngắn, và chỉ trong ít ngày thì Hà Nội đã chặt hạ cây la liệt, thậm chí có ý kiến trên mạng đã ví chặt hạ cây nhanh hơn cả lâm tặc” |
GS. Nguyễn Lân Dũng |
Theo nhiều chuyên gia, lãnh đạo Hà Nội vẫn chưa đánh giá hết mức độ nghiêm trọng và hậu quả của việc hàng loạt cây xanh đã chị “chết oan”.
“Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nói chủ trương là đúng, nhưng do sự nôn nóng của các nhà tài trợ. Tôi cho rằng nói vậy là thiếu trách nhiệm, nói oan cho các nhà tài trợ, nói vậy là không thấy hết được sai lầm nghiêm trọng, chưa thấy hết hậu quả với cảnh quan, môi trường và tác động tới xã hội.
Vì vậy, tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc thanh tra toàn diện việc chặt hạ cây xanh, để thanh tra của Hà Nội làm sẽ không khách quan” - GS. Đăng kiến nghị.
Tại hội thảo, TS. Phạm Đức Bảo (giảng viên Đại học Luật Hà Nội) khẳng định việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội vừa qua là vi phạm nghiêm trọng Luật Thủ đô.
“Vi phạm này phải được xử lý thỏa đáng. Việc xử lý phải đúng với hậu quả từ chặt hạ cây xanh để lại. Nếu chỉ xử lý trách nhiệm của mấy ông ở cấp phòng của Sở Xây dựng thì không thỏa đáng, người dân không đồng tình. Phải xem xét trách nhiệm của cả lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Xây dựng".
"Tôi cũng có Facebook, khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tôi có nêu ý kiến trên Facebook đề nghị cách chức phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực này, đề xuất này có tới 7.000 like, tức là có rất nhiều người ủng hộ xem xét trách nhiệm của cả lãnh đạo thành phố” - ông Bảo kể.
Theo Tuổi trẻ