Kiến nghị giảm tiền sử dụng đất cho người dân

Ngày 17.1, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM... một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản.
Kiến nghị giảm tiền sử dụng đất cho người dân

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay tiền sử dụng đất vẫn là một gánh nặng đối với hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp; tiền sử dụng đất vẫn là một “ẩn số, không minh bạch” đối với doanh nghiệp mà doanh nghiệp không thể lượng định được, trước khi quyết định đầu tư dự án có sử dụng đất, và cũng tạo ra cơ chế "xin - cho".

Về tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, luật Đất đai 2014 và Nghị định 104 của Chính phủ quy định về khung giá đất, với mức tăng bình quân khoảng 2 lần, UBND TP.HCM cũng đã có quyết định số 51 ban hành bảng giá đất có mức tăng bình quân khoảng 1,9 lần áp dụng cho năm 2015 (hiện nay đang điều chỉnh để áp dụng cho năm 2016).

Nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân khi làm thủ tục xin hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn các trường hợp tương tự, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ năm 2014 trở về trước, mà nguyên nhân là theo quy định của pháp luật đất đai, mức giá đất thấp nhất của địa phương không được thấp hơn mức giá đất tối thiểu theo khung giá của Chính phủ ban hành.

Theo HoREA, điều này cần được thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi theo hướng giảm nhẹ cho hợp lý hơn. Với mức nộp tiền sử dụng đất cao hơn trước, có thể nhiều hộ gia đình, cá nhân không có đủ khả năng tài chính và như vậy, có thể dẫn đến các giao dịch bằng giấy tay, phát sinh thị trường ngầm, làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản, có thể phát sinh những tranh chấp trong xã hội và làm giảm nguồn thu ngân sách.

Về tiền sử dụng đất của tổ chức, doanh nghiệp, chế định thu tiền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế theo quy định của luật Đất đai 2014 thì tiền sử dụng đất sẽ tiếp tục là “một gánh nặng” về tài chính của doanh nghiệp; và tiền sử dụng đất vẫn là “một ẩn số, không minh bạch” mà doanh nghiệp không thể tiên lượng được, trước khi ra quyết định đầu tư hay không nên đầu tư dự án có sử dụng đất, vì không thể tính toán trước được hiệu quả, làm phát sinh cơ chế "xin - cho", cuối cùng chi phí tiền sử dụng đất cũng sẽ được tính vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua sản phẩm bất động sản.

Hiện nay, trình tự, thủ tục thẩm định, xét duyệt để ra quyết định số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp còn rất nhiêu khê và tốn rất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của địa phương và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, cần phải được cải cách triệt để.

Do đó, theo HoREA, về dài hạn, nên sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất theo đề xuất của UBND TP.HCM theo hướng bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.

Theo Thanh Niên