Kiến nghị đưa Biển Đông và Formosa vào chương trình Quốc hội

Kiến nghị trên của ông Trương Trọng Nghĩa - người vừa trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đồng thời đang là ĐBQH khóa XIII.
Ông Trương Trọng Nghĩa
Ông Trương Trọng Nghĩa

Chiều 11-7 bên lề cuộc họp mặt Đoàn ĐBQH TP.HCM khóa XIII và khóa XIV, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết ông đã nhận được chương trình dự kiến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV để các đại biểu góp ý.

Trong đó, ông chưa thấy nội dung bàn về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Còn với vấn đề ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra thì Chính phủ sẽ có báo cáo nhưng chưa thấy Quốc hội dành thời gian để đại biểu thảo luận.

“Tôi đề nghị ít nhất phải có buổi thảo luận tổ để các đại biểu phản ánh nguyện vọng của cử tri, nhất là các đại biểu Quốc hội ở miền Trung, về hai vấn đề này. Từ đó, thu thập lại để đến tháng 10-2016,  tại kỳ họp cuối năm sẽ có đối sách phù hợp” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

* Ông có thể nói rõ hơn lý do kiến nghị này?

- Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 7, nghĩa là có nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm cần tập trung giải quyết.

Theo chương trình thì chủ yếu tập trung cho công tác nhân sự, nhưng tôi cho rằng chủ quyền Biển Đông một lần nữa không thể là vấn đề bị bỏ qua tại kỳ họp.

Việc chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông bị đe dọa ngày càng phức tạp hơn, nóng hơn, nhất là chuẩn bị có phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Và khi chưa có phán quyết thì Trung Quốc đã “động thủ” trước khi cho tàuđâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, lần nay họ không giấu giếm nữa mà ra mặt hẳn hoi.

Như vậy tình hình đã phức tạp thêm, ngư dân chúng ta đánh bắt hợp pháp, lương thiện nhưng bị tàu Trung Quốc tấn công, đe dọa tài sản, tính mạng.

Không thể bàn về kinh tế - xã hội mà lại không bàn những khó khăn về thách thức chủ quyền. Nếu chúng ta bỏ qua thì giải pháp sẽ không đầy đủ, không hiệu quả.

Thứ hai, vấn đề ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra đã có kết luận, đã buộc họ phải bồi thường nhưng còn nhiều việc phải làm rõ. Vì khi nói đến Fomorsa thì không chỉ nói đến chuyện đánh giá thiệt hại, bồi thường, ổn định đời sống.

Đó còn là việc phải xem lại chính sách đầu tư, xem lại luật pháp bảo vệ môi trường, xem lại bộ máy, xem lại cán bộ của chúng ta… Từ đó rút ra bài học gì, có đối sách gì để cho những Formosa đang tiềm ẩn được ngăn chặn và trong tương lai không xuất hiện những Formosa như vậy nữa.

Rồi Formosa đã cam kết và chúng ta cần phải giám sát như thế nào?

Quốc hội đại diện cho quyền lợi cao nhất của nhân dân thì không thể bỏ qua vấn đề mà nhân dân đang bức xúc. 

* Thưa ông, hiện nay những người được bầu vào Quốc hội khóa XIV vẫn chưa có tư cách đại biểu, trước kỳ họp thứ nhất không diễn ra tiếp xúc cử tri. Như vậy, liệu các ĐBQH khóa XIV tại kỳ họp có chuyển tải được hết bức xúc của cử tri về các vấn đề ông nói?

- Quốc hội khóa XIII vẫn chưa chấm dứt nhiệm vụ, các đại biểu vẫn chưa hết trách nhiệm. Còn những đại biểu Quốc hội khóa XIV, họ là ai? Họ ứng cử với tư cách những người được dân bầu thì không nhất thiết phải đến kỳ họp mới nắm được thông tin.

Không nhất thiết phải đi tiếp xúc cử tri thì mới nghe được điều cử tri nói. Bởi vì ĐBQH có nhiều cách tiếp xúc: ngoài xã hội, qua báo chí, truyền thông. Đó đều là những ý kiến xác thực, đau đáu của cư tri, là những việc đụng chạm tới quyền lợi lớn lao nhất của cử tri.

Nếu đại biểu thật sự quan tâm đến tình hình đất nước, lợi ích của nhân dân thì phải góp phần trí tuệ sáng kiến và nắm vững nguyện vọng nhân dân và đưa đến kỳ họp để giải quyết.

Theo Tuổi trẻ