|
Ảnh minh họa, nguồn internet |
Tại Hội thảo Đổi mới quản lý, hoạt động taxi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe taxi vừa diễn ra, ông Thanh cho biết, mặc dù xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, nhưng Uber trốn thuế và đến năm 2016 mới bắt đầu thu được thuế của Uber (30 tỷ đồng).
Chính vì vậy, cần xem xét lại cách thu thuế đối với Uber, Grab để đảm bảo công bằng. Ông Thanh kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra việc nộp thuế của Uber, Grab trong những năm qua. Không dừng lại ở đó vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu không thực hiện chúng tôi sẽ kiến nghị với nhà nước để xử lý, thậm chí chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế”.
Theo ông Thanh, Uber, Grab là loại hình vận tải hợp đồng dưới 9 chỗ, hoạt động tương đồng như taxi. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với loại hình này đang còn lỗ hổng, chưa bắt kịp với phát triển của thực tế.
“Uber, Grab cần được cấp phù hiệu, phải có logo và phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải. Nếu không, đây là hoạt động “chui”, phải tịch thu xe khi lực lượng chức năng phát hiện” - ông Thanh cho hay.
Cũng về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội thông tin, doanh nghiệp taxi truyền thống không được gia tăng số lượng xe trong 6 năm qua nhưng số lượng xe của Uber và Grab hoạt động như taxi tăng gần 10.000 xe trong năm 2016.
Taxi truyền thống phải gánh chịu nhiều loại thuế như giá trị gia tăng 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, nhưng Uber và Grab đang được hưởng mức thuế doanh thu chỉ 3% trên 80% doanh thu.
Theo ông Bình, như vậy Uber và Grab đang được hưởng ưu đãi với mức thuế 2,4% trên doanh thu và 1,6% thuế thu nhập, điều này gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đánh giá, việc Uber, Grab không phải chịu sự quản lý nào nên đang chiếm lĩnh thị trường bằng việc sử dụng mọi hình thức giảm giá, trợ giá cho lái xe, chủ xe… Sự cạnh tranh không lành mạnh này đang đẩy doanh nghiệp taxi trong nước vào nguy cơ phá sản.
Còn ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM thông tin, từ năm 2010 tới nay, số lượng taxi bị khống chế ở mức 11.000 xe nhưng cơ quan chức năng lại cấp phù hiệu xe hợp đồng cho trên 20.000 xe từ 9 chỗ trở xuống, phần lớn những xe này sử dụng ứng dụng Uber, Grab để kinh doanh. Vì vậy, năm 2016 sản lượng, doanh thu của taxi ở TP.HCM giảm từ 10% trở lên.
Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời về Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Theo đó, Bộ Giao thông đánh giá, thời gian qua, cơ quan chức năng TP HCM và Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra và xử lý nhiều xe hợp đồng, xe ôtô cá nhân sử dụng phần mềm của Uber để kinh doanh, chở khách có thu tiền không đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Do vậy, Bộ Giao thông yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành, cho tới khi hoàn thiện các thủ tục hoạt động.