|
TP Rạch Giá (Kiên Giang) đang đứng trước đợt "khủng hoảng nước ngọt" nghiêm trọng |
Loay hoay chưa có giải pháp tạm thời
Giám đốc Kiwaco, ông Nguyễn Hữu Hoài Phương cho biết tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh Kiên Giang chiều 27/4, hơn 10 ngày qua, hồ thu nước mặt Tà Tây ở phường Vĩnh Thông, TP Rạch Giá (Kiên Giang) không thu được giọt nước nào, vì nước mặn lấn sâu vượt cửa thu nước từ 6 - 8 km về hướng thượng lưu kênh Rạch Giá - Long Xuyên (kênh Sáng Tân Hội). Ngày 27/4, 2 hồ chứa của Công ty chỉ còn 80.000m3 và chạy tiết giảm tối đa thì chỉ trong 3 ngày tới là trơ đáy hồ. Trong khi đó, nhu cầu của 300.000 dân TP Rạch Giá là khoảng 53.000m3/ngày.
Để bù đắp nguồn thu bị thiếu hụt, những ngày qua, Kiwaco cho hoạt động hết công suất 11 giếng khoan cũ và mới trên địa bàn TP Rạch Giá, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 19.000m3/ngày, đáp ứng 40% công suất tiêu thụ. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm của các giếng này không phải là vô hạn. Nhiều hộ dân cho biết, khu vực những phường sử dụng nước giếng của Công ty cung cấp mấy ngày qua đã giảm dần công suất hàng ngày, không còn liên tục 24/24h.
"Theo thông báo khẩn cấp của Viện khoa học thủy lợi miền Nam phát đi ngày 13/4, tại khu vực biển Tây (trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển) nước mặn có thể tăng dần đến tháng 5. Vừa qua, Kiwaco cũng đã liên hệ thuê đơn vị bơm hút cát để dẫn ống nước từ thượng lưu về hồ chứa Tà Tây. Nhưng đơn vị này không đủ ống phi 500 dài 10 km và mất 20 ngày mới lắp đặt xong. Coi như phương án này bất thành. Với việc hơn 10 ngày qua không thu được nước ngọt vào hồ chứa, nguy cơ khủng hoảng nước ngọt chắc chắn sẽ xảy ra trong vài ngày tới", ông Phương nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nêu vấn đề, việc cung cấp nước sạch cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là trách nhiệm của chính quyền, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Kiwaco cùng với các ngành liên quan sớm tìm ra giải pháp tạm thời hữu hiệu, dù phải tốn không ít chi phí.
"Nếu không có ống dẫn lớn để đủ công suất bơm nước từ thượng lưu về hồ chứa Tà Tây, thì cũng nên sử dụng ống nhỏ hơn để dễ lắp đặt nhanh trong vài ngày là xong. Dù lượng nước bơm về qua ống dẫn này nhỏ, những có vẫn còn hơn không làm gì hết. Ngoài ra, cần tiếp tục thăm dò nơi nào có nguồn nước ngần tốt thì tranh thủ khoan thêm giếng mới. Tình hình hạn mặn sẽ còn diễn ra suốt tháng 5 tới, không thể chấp nhận người dân thiếu nước sinh hoạt, chúng ta tiếp tục tìm mọi cách", ông Phạm Vũ Hồng nói.
Thiên tai hay "nhân tai"?
Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Đầu Online - Baodautu.vn, được biết cách đây 2 tháng, tỉnh Kiên Giang cho đắp đập ngăn mặn ở gần cửa Sông Kiên và kênh Ông Hiển, nơi nút chặn chính của dòng chảy kênh Rạch Giá - Long Xuyên (nơi lấy nước hồ Tà Tây) thoát nước ra biển qua 2 cửa sông chính là Kinh nhánh và sông Kiên. Dòng chảy thủy triều nước (lớn - ròng) tự nhiên này bị chặn lại, trong khi những cửa sông lân cận như ở huyện Hòn Đất và TP Rạch Giá... cách đó từ 7 - 10 km vẫn dẫn nước biển mặn vào sâu nội đồng hàng chục km. Và việc đấp đập ngăn dòng chảy thuỷ triều chính của tuyến kênh này đã góp phần hạn chế nước mặn rút ra biển. Vì vậy nước mặn vào được nhưng lại khó thoát ra cửa biển theo qui luật tự nhiên của thuỷ triều hàng chục năm qua.
Công nhân Kiwaco (vừa nghỉ hưu) sống và làm việc nhiều năm tại cửa thu nước hồ Tà Tây ở phường Vĩnh Thông, ông Trần Văn Bảnh cho biết, việc xâm nhập mặn ở đoạn kênh này là bình thường diễn ra hàng chục năm qua. Vào mùa này, mỗi ngày có từ 1-2 con nước thuỷ triều đưa nước mặn lên và rút nước mặn xuống đưa nước ngọt về đến cửa thu nước hồ chứa Tà Tây. Chỉ cao lắm sau 1- 2 ngày không thu được nhiều nước thì ngày thứ 3 cũng lấy đủ nước cho hồ chứa, cao điểm nhà máy chỉ thiếu nước cùng lắm là vài ngày.
"Từ ngày đắp đập Sông Kiên này, nước mặn nằm lâu trên thượng lưu mà không chịu rút ra biển. Hiện tượng lạ nhất là mực nước thuỷ triều không còn lên xuống, dao động trên dưới 1m như lúc chưa có đập. Hiện thuỷ triều chỉ dao động lên xuống có 20cm. Mực nước mặn cứ nằm trên thượng nguồn cách hồ Tà Tây 6-8 km không chịu rút xống. Đây có thể là nguyên nhân xảy ra tình trạng 10 ngày liên tục không thu được nước vào hồ Tà Tây và đồng ruộng xung quanh bị nhiễm mặn nghiêm trọng từ trước tới nay", ông Bảnh nói.
Sáng nay, ngày 28/4, Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn có mặt tại đập ngăn mặn Sông Kiên, chứng kiến mực nước phía trong thượng lưu cao hơn mực nước phía ngoài thoát ra biển hơn 0,5 m. Ông nguyễn Phước Hiệp - cùng nhiều người dân sống tại khu vực đê ngăn mặn cho biết, từ ngày đắp đê này (gần 2 tháng nay), mực nước phía thoát ra biển luôn từ bằng đến thấp hơn phía trong đến 0,6 m. Thêm vào đó, do đoạn sông này nước không lưu thông nên rác rưởi dày đặc, bốc mùi hôi gây ô nhiễm môi trường.
Việc xây đập ngăn mặn ở những sông chính là chủ trương đúng, nhưng khi làm phải đồng bộ với các cửa sông khác nằm chung trong hệ thống kênh dẫn liên thông. Và đập cửa Sông Kiên này là tác nhân quan trọng cho việc giữ lâu nước mặn nằm sâu trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên, với mực nước mặn vượt xa nơi thu vào hồ chứa Tà Tây của Nhà máy nước TP Rạch Giá, có thể là nguyên nhân làm cho tình hình thiếu nước ngọt thêm căng thẳng.
Theo Đầu tư