Cụ thể, các bệnh viện này gồm Bệnh viện đa khoa 1.200 giường, vốn đầu tư hơn 3.258 tỷ đồng; Bệnh viện Lao 200 giường, vốn đầu tư hơn 329 tỷ đồng; Bệnh viện Ung bướu 400 giường, vốn đầu tư 832,5 tỷ đồng; Bệnh viện Tâm thần 100 giường, vốn đầu tư hơn 166 tỷ đồng; Bệnh viện Sản nhi 400 giường, vốn đầu tư trên 915 tỷ đồng.
Theo Sở Y tế tỉnh cho biết, sau khi các bệnh viện trên đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện hiện nay, nhất là tuyến tỉnh, với mục tiêu đến năm 2020, công suất sử dụng giường bệnh không vượt quá 95% và đạt trên 26 giường bệnh/vạn dân.
Hiện nay, Kiên Giang có 185 cơ sở khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với hơn 4.310 giường bệnh, đạt 24,4 giường bệnh/vạn dân. Trong đó, tuyến tỉnh có Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, Bệnh viện tư nhân Bình An, Bệnh viện Y học cổ truyền và 11 trung tâm, chi cục.
Trong đó, một số bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh trên 100%, nhất là bệnh viện đa khoa tỉnh có những thời điểm bệnh nhân phải nằm ghép chung giường, gây khó khăn trong việc điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành y tế tỉnh Kiên Giang còn thiếu và phân bố không đồng đều giữa các tuyến, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...
Hiện tại, tỉnh mới đạt 6,1 bác sĩ/vạn dân, thấp hơn so với bình quân chung cả nước 7,5 bác sĩ/vạn dân. Vì vậy, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nâng cao, chuyên sâu, chuyên khoa nhất là các chuyên ngành hiếm như lao, phong, tâm thần...