Thông tin này được đưa ra trong buổi họp báo về hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tổ chức chiều 16/8 tại Hà Nội.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, hiện hầu hết cửa khẩu quốc tế, đường bộ, biển hay hàng không đều chưa có đại diện các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa.
Do vậy, các đơn vị hiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về nội địa, làm cho thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp bị kéo dài.
Đã thế, từ năm 2015 tới nay, các cơ quan chức năng mới tổ chức được 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại một số cửa khẩu chính Hải Phòng, TP.HCM, Lạng Sơn... Nhưng chính những điểm này cũng không đủ trang thiết bị máy móc nên chủ yếu vẫn chỉ để lấy mẫu kiểm tra mà chưa giải quyết được vấn đề căn bản là phân tích và trả kết quả ngay cho doanh nghiệp.
Thực tế này đưa đến hậu quả, theo ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, thì: "nhiều chi cục phản ánh việc kiểm tra chuyên ngành nhiều mặt hàng liên quan tới an toàn thực phẩm mang tính chất đối phó."
Cụ thể, theo ông Hải, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành các lô hàng nhập khẩu từ mức 30-35% hiện tại xuống còn 15% vào cuối năm 2016. Yêu cầu này tạo áp lực rất lớn trong hoạt động Hải quan, vì ngay với danh mục hiện tại thì nhiều mặt hàng phải kiểm tra nhiều lần trong nhiều năm nhưng phát hiện sai phạm rất ít.
"Năm 2014 và năm 2015, khi làm việc với Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có mặt hàng hàng năm có khoảng 8.000 lô hàng thuộc diện kiểm tra an toàn khi qua sân bay nhưng số phát hiện chỉ 6 trường hợp. Tỷ lệ như vậy là quá ít" - ông Hải nói.
Do vậy, cần thiết phải giảm bớt số lượng mặt hàng trong danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.