Kiểm toán Nhà nước xin giảm 446 biên chế so với dự kiến

VietTimes -- Chiến lược phát triển ngành dự kiến giao 3.500 biên chế nhưng Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBTVQH chỉ “xin” 3.054 người, giảm 446 người so với số được phân bổ.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Ngày 21/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình này trước UBTVQH về hai Đề án về tổ chức, biên chế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và vị trí việc làm của Kiểm toán Nhà nước.

Tổng Kiểm toán cho biết, theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước gồm 40 đơn vị cấp vụ và tương đương (thành lập thêm 8 đơn vị cấp vụ). Song, Kiểm toán Nhà nước đề xuất chỉ thành lập hai đơn vị mới là Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành thực hiện kiểm toán chuyên ngành VIII về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và tài nguyên khác và Vụ Tài chính.

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 dự kiến giao cho cơ quan này 3.500 biên chế. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đề xuất giãn lộ trình triển khai, dàn đều trong 10 năm (từ 2016 đến 2025), với tổng số đội ngũ công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước đến năm 2025 là 3.054 người (giảm so với chiến lược là 446 người).

Về nội dung Tờ trình số 1666/TTr-KTNN ngày 16/12/2016 của Kiểm toán nhà nước về việc phê duyệt “Đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của Kiểm toán nhà nước”, Kiểm toán nhà nước xác định danh mục gồm 60 vị trí việc làm đối với công chức. Cụ thể, nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành: 24 vị trí. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghiệp vụ: 31 vị trí. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ: 05 vị trí.

Đối với danh mục vị trí việc làm đối với viên chức, xác định danh mục gồm 29 vị trí việc làm đối với viên chức. Cụ thể, nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành: 10 vị trí. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghiệp vụ: 13 vị trí. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ: 06 vị trí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên thảo luận (ảnh: quochoi.vn)

Cho ý kiến về nội dung hai Đề án của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao sự chuẩn bị của Kiểm toán Nhà nước, tán thành với nhiều nội dung của đề án và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đồng thời nhấn mạnh với quyền hạn của mình Ủy ban thường vụ Quốc hội cần tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp và pháp luật quy định, đáp ứng tốt mục tiêu kỳ vọng đề ra.

Nhất trí với đề nghị của Kiểm toán Nhà nước như trong Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong khi một số cơ quan khác đang “vật vã” muốn tăng biên chế thì Kiểm toán Nhà nước đã gương mẫu trong việc đưa ra đề xuất và tổ chức hệ thống bộ máy các đơn vị và xác định biên chế khi không đề xuất tăng thêm biên chế, tăng tổ chức bộ máy mà giảm so với Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 đã được phê duyệt.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đề xuất nói trên thể hiện sự cố gắng lớn của toàn ngành, trong khi nhiệm vụ của kiểm toán ngày càng tăng lên.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chất lượng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng đề án của Kiểm toán Nhà nước. Nội dung đề án đã bám sát vào Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng đề án.

Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản nhất trí về nội dung tổ chức bộ máy Kiểm toán Nhà nước có 34 đơn vị cấp Vụ và tương đương, xác định biên chế đến năm 2020 là 2.629 người và đến năm 2025 là 3.054 người. Về đề án vị trí việc làm, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung đề án, đồng thời lưu ý vị trí việc làm được xác định cho giai đoạn hiện nay và hàng năm có rà soát để bố trí, sắp xếp cho phù hợp.