Ngày 14/6, sau Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội khoá 14.
Trước khi lên ghế nóng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 14/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi tới các đại biểu báo cáo về nhiều nội dung. Trong đó, sự cố 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hoà Bình không được báo cáo nhắc tới. Chỉ một câu ngắn gọn về vấn đề tai biến y khoa được đề cập.
Giá thuốc Việt Nam không cao hơn mặt bằng chung
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phượng về giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, giá thuốc Việt Nam không cao hơn mặt bằng chung trong khu vực. Bộ trưởng Tiến so sánh từng nhóm thuốc với các nước trong khu vực, dẫn đánh giá của một số tổ chức độc lập và nhấn mạnh "giá thuốc Việt Nam không cao hơn mặt bằng chung".
Về quản lý giá thuốc tại các bệnh viện, Bộ trưởng cho biết, vừa qua có trường hợp một số bệnh viện mua thuốc từ nguồn khác, cao hơn giá đấu thầu, để chấn chỉnh tình trạng này Bộ đang chuẩn bị ban hành thông tư quy định các bệnh viện phải mua thuốc theo đúng giá đấu thầu...
Còn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”
Về giải pháp nâng cao chất lượng y đức, văn hóa ứng xử, phục vụ người bệnh của y bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhân vẫn còn tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Bộ trưởng Tiến cho biết, ngành y tế đã ban hành chương trình hành động với những giải pháp toàn diện để nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ y tế gắn với học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, áp dụng nhiều biện pháp như đường dây nóng, lắp đặt camera…, chế tài nghiêm khắc với các sai phạm. “Hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật thời gian qua” – Bộ trưởng Tiến thông tin.
Không đồng thuận với kết luận kiểm toán
Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Kiểm toán nhà nước phát hiện nhiều thiết bị y tế chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được, mới dùng đã hỏng, cùng 1 loại vật tư hóa chất có sự chênh lệch , có loại chênh nhau 7 lần. Bộ Y tế có biện pháp nào quản lý việc này?
Trả lời chất vấn của đại biểu đoàn Hà Nội, Bộ trưởng Tiến cho rằng “kiểm toán có quyền kết luận, tuy nhiên các sơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này”. Theo người đứng đầu Bộ Y tế, trang thiết bị vật tư rất đa dạng, ví dụ, “ kim cánh bướm là kim nhỏ để luồn trong mao mạch nhỏ, thông thường Bệnh viện Việt Đức mua thì giá 6-7 nghìn đồng mỗi chiếc, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy mua gấp 10 lần. Vấn đề ở chỗ cũng là kim cánh bướm, nhưng cái bệnh viện Chợ Rẫy mua là kim có khóa, có van, đầu vát để tránh đau cho bệnh nhân…, vì vậy giá chênh lệch nhau” – Bộ trưởng Tiến lý giải.
Yếu kém trong quản lý dược sĩ kê đơn như bác sĩ?
Liên quan câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) về vấn đề kê đơn thuốc không cần bác sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận ý kiến của ĐB là rất xác đáng. “Mặc dù đã có các Thông tư về kê đơn, quản lý các chuỗi quầy thuốc đạt chuẩn GDP nhưng họ không tuân theo… Đây là cái yếu kém trong quản lý của ngành” – Người đứng đầu Bộ Y tế thẳng thắn nhận trách nhiệm và cho biết đội ngũ thanh tra vấn đề này còn yếu, cả nước chưa đến 300 người.
"Vấn đề này cũng khó như vấn đề an toàn thực phẩm" – Bộ trưởng Tiến phân trần.
Về vấn đề lạm dụng thuốc khác sinh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt chiến lược phòng chống kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, “chúng tôi cũng xung phong là một trong những nước thí điểm của WHO về hoạt động này” – bà Tiến nói.
Bộ trưởng khẳng định trong tương lai ngành y tế tiếp tục cố gắng quản lý việc sử dụng thuốc không hợp lý, kiểm soát vấn đề này theo lộ trình…
BHYT mất đi ý nghĩa “vị nhân sinh”
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phản ảnh nhiều vấn đề bất cập làm bảo hiểm y tế (BHYT) trở nên méo mó khiến BHYT mất đi ý nghĩa “vị nhân sinh”.
Các bên liên quan đều không hài lòng, người dân chỉ có một sản phẩm BHYT duy nhất phải mua áp theo mức phần trăm tiền lương, không có lựa chọn, mua rồi khi hưởng lại gặp nhiều khó khăn, cào bằng và hạn chế, từ thủ tục đến không được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Muốn tới chỗ chất lượng cao hơn thì phải trả thêm tiền … ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh được thụ hưởng từ BHYT, thiệt thòi cho người bệnh, đi lệch tôn chỉ của ngành y tế là tính mạng của người bệnh là cao nhất.
Bên cạnh đó, BHYT lo trục lợi bảo hiểm, vỡ quỹ bảo hiểm, các bệnh viện , bác sĩ cũng tâm tư vì bị áp quỹ, áp trần, siết chi nên bỏ số lớn biệt dược khỏi danh mục sử dụng thuốc, sử dụng vật tư y tế giá thấp, áp trần các kỹ thuật cao… mà không quan tâm đến xuất xứ, chất lượng, phẩm cấp thiết bị đầu tư nhân lực….
Để đảm bảo mức chi cho người sử dụng BHYT, đại biểu Thường đặt 3 câu hỏi gửi tới người đứng đầu Bộ Y tế.
Thứ nhất, đề nghị Bộ trưởng cho biết để tình trạng như vậy, trách nhiệm Bộ Y tế ở đâu, quan điểm , giải pháp xử lý?
Thứ 2, đề nghị Bộ Y tế rút ngắn thời gian thông tuyến tỉnh từ 1/1/2021 xuống 1/1/2019 để người dân được hưởng lợi từ chính sách BHYT và cũng là khuyến khích người dân tham gia BHYT, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm xử lý với nguyện vọng này của cử tri? Thứ 3, bao giờ Bộ Y tế triển khai hệ thống y tế điện tử để số hóa tình trạng bệnh tật, chăm sóc y tế của mỗi người dân trong bệnh án điện tử, giảm trục lợi bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của người bệnh? Tuổi thọ của người dân tăng lên, vấn đề chăm sóc sức khỏe người già đang trở thành một vấn đề của xã hội. Bộ trưởng cho biết quan điểm chính sách và kế hoạch phát triển hệ thống nhà dưỡng lão?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Tiến cho hay, ngành y tế vừa tổ chức đoàn đi giám sát thấy có tình trạng lạm dụng từ 2 phía cơ quan y tế và người dân.
Theo Bộ trưởng, do giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng bảo hiểm y tế rộng hơn, và với chủ trương thông tuyến nhiều người đã lạm dụng. Có người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn, sáng đi khám, chiều lại từ bệnh viện này sang bệnh viện khác…
Về phía các cơ sở y tế, Bộ trưởng Tiến đánh giá các cơ sở này bên cạnh mặt tích cực cũng có hạn chế như lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế cao, kéo dài thời gian nằm viện … để tăng nguồn thu.
“Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; y tế các cơ sở công nhận kết quả xét nghiệm của nhau” – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gồm: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.