|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hiện nay, theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, nhu cầu tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm.
Với giá than dao động từ 65 tới 70 USD như hiện nay, các nhà máy nhiệt điện đang mất khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho chi phí nhiên liệu đầu vào. Số tiền này sẽ được cộng dồn vào chi phí bán điện.
Với việc hiệp thương giá than với TKV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ hi vọng giảm được chi phí đầu vào, từ đó sẽ có kịch bản điều chỉnh giá điện với xu hướng giảm, đây là điều mà người dân mong đợi.
Với lợi ích đó, từ cuối năm 2016, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có ý kiến yêu cầu TKV, đơn vị được quyền phân phối than do nhà nước chỉ định, phải hiệp thương giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện.
Tuy nhiên, đến nay việc hiệp thương giữa TKV và các nhà máy nhiệt điện vẫn chưa ngã ngũ.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo đặc biệt yêu cầu báo cáo về việc hiệp thương giá than cho điện và phân bón vào ngày 30/3.
Được biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 25/3 là ngày mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải báo cáo về phương án điều chỉnh giá điện 2017. Tuy nhiên, với việc hiệp thương giá điện với TKV chưa ngã ngũ, Tập đoàn này vẫn chưa thể trình kịch bản cho Thủ tướng.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, phân tích kỹ các yếu tố chi phí đầu vào sản xuất, tiêu thụ than để xác định giá hiệp thương giữa TKV và các nhà sản xuất phân bón, báo cáo Thủ tướng trước 30/3 này.