Cụ thể, theo nguồn tin của Dân trí, một đoàn thanh tra vừa kết thúc thanh tra và ra kết luận tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Cuộc thanh tra trên làm rõ nhiều nội dung về hoạt động kinh doanh, đầu tư của tập đoàn này. Đáng chú ý, các kết quả thanh tra tại Tổ hợp dự án Bauxit -Nhôm Lâm Đồng và dự án Alumin Nhân Cơ cho thấy, trong thời gian đầu, các dự án này hoạt động chưa hiệu quả, vốn đầu tư tăng quá cao so với dự kiến ban đầu.
Tại dự án Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng, theo quyết định ban đầu (ban hành năm 2006) của Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, tổng mức đầu tư cho dự án này là 7.787,5 tỷ đồng (khoảng 493,5 triệu USD) với công suất 600 ngàn tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009.
Tuy nhiên, qua 4 lần điều chình, đến lần điều chỉnh cuối (tháng 10/2013), tổng mức đầu tư cho dự án này đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỷ đồng (tương đương 805 triệu USD), gần gấp 2 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu. Thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.
Theo cơ quan thanh tra, nguyên nhân việc đội vốn này do việc điều chỉnh tăng công suất thêm 50 ngàn tấn thành 650 ngàn tấn/năm, do thay đổi công nghệ sản xuất Alumin, nhà nước thay đổi chính sách thuế, tiền lương, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng...
"Nhưng cũng có nguyên nhân do trượt giá, do kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu hạn chế", nguồn tin của Dân trí dẫn thông tin từ kết luận thanh tra cho biết.
Đáng chú ý, cũng theo nguồn tin trên, Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ 10/2013 đến hết tháng 9/2016 đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Con số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá)
Việc thời gian dự án bị kéo dài được cho là một nguyên nhân gây lỗ do thời gian triển khai chậm làm phát sinh chi phí đầu tư. Một loạt các nguyên nhân khác: Giá Alumin-nhôm thế giới bất ngờ sụt giảm, thuế tài nguyên, phí môi trường tăng, phát sinh thêm thuế xuất khẩu Alumin...đã làm gia tăng số lỗ của dự án.
Tuy nhiên, đoàn thanh tra cũng cho rằng, tính đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017, dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất đã giảm, giá Alumin, nhôm trên thế giới đã hồi phục.
"Dự kiến năm 2017, dự án sẽ hết lỗ theo đúng như tính toán của dự án (với thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm)", kết luận thanh tra đánh giá.
Còn tại dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, vốn đầu tư cho dự án này cũng tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu. Cụ thể, theo quyết định đầu tư ban đầu (năm 2007), vốn đầu tư cho dự án này chỉ là 3.285 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2014, tổng vốn đầu tư cho dự án đã tăng lên đến 16.821 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu.
Nguyên nhân chính là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300 ngàn tấn/năm lên đến 650.000 tấn/năm. Dự án cũng phải dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả, do thay đổi tỷ giá, do một số thay đổi về chính sách tiền lương, giải phóng mặt bằng làm tăng chi phí nhân công và có cả yếu tố trượt giá.
Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2016, dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ đã cơ bản hoàn thành, chạy thử có tải và ra sản phẩm hydrat, Alumin. Dự án này vào chậm 6 năm so với quyết định ban đầu.
Trong quá trình đầu tư các dự án này, đã xảy ra một số sự cố, trong đó đáng nói nhất là sự cố vỡ đường ống dẫn sút Nhà máy Alumin Nhân Cơ vào ngày 23/7/2016 tại Đăk Nông gây ra một số hậu quả nhất định với môi trường.
Theo Dân trí