Khuynh gia bại sản vì... lợn

VietTimes-- Ông Linh- “hướng dẫn viên” cho chuyến thị sát của chúng tôi đã cố gắng liên hệ rồi thuyết phục để một chủ hộ (và cũng là một chủ cám) hiện đang nợ ngân hàng 35 tỷ đồng gặp và chia sẻ với chúng tôi, nhưng người nông dân này đã từ chối. Ông nói, ông đang hết sức cùng quẫn… 
Nhiều người đang cùng quẫn...vì lợn
Nhiều người đang cùng quẫn...vì lợn

Bỏ lợn quay lại nghề… xe ôm

Nhìn vẻ mặt thất thần, nuối tiếc của chúng tôi, ông Linh bảo, đấy chưa phải là trường hợp hiếm hoi ở cái vùng quê này. “Tôi sẽ đưa các bác đến một số hộ đang lao đao vì.. lợn”- ông Linh vỗ vai tôi. “Mà ở vùng quê này, 100 người nuôi lợn thì có đến 99 người lao đao, sống dở chết dở chứ có phải một vài ba trường hợp đâu”- ông Linh thở dài, đau đáu nhìn xuống con kênh đen màu nước thải từ các chuồng lợn.

Vừa đưa chúng tôi đi ông Linh vừa nói về cái cách người nuôi lợn nơi đây giảm thiểu rủi ro bằng sáng kiến “cắt khẩu phần ăn của lợn”. Với kinh nghiệm 12 năm trong nghề chăn nuôi và mấy chục năm lăn lộn, xoay xỏa đủ nghề, ông Linh tỏ ra trăn trở về biện pháp tình thế này. “Bao giờ giá mới lên. Tôi chờ lâu quá rồi. Chưa khi nào giá xuống thảm hại như vậy và lâu như vậy. Chưa thấy dấu hiệu gì là giá sẽ lên. Tôi thấy mạng, rồi TV nói là giá lợn đã lên từ 1 – 3 nghìn đồng/kg, nhưng tôi không hiểu lên ở đâu, chứ ở đây chưa thấy nhúc nhích gì. Hai tháng trước, giá lợn là 28 – đã thua đau. Tưởng xuống đáy rồi nó sẽ lên như mọi đợt. Mà nó giảm một mạch xuống 14, 15 như bây giờ. Chắc gì đã không giảm nữa…”.

Đó cũng là trăn trở của những người nông dân nuôi lợn, kinh doanh lợn mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện ở nơi được coi là “Thủ phủ” của lợn miền Bắc.

“Tôi vừa xuất 100 con, giá 16. Chả hy vọng gì đâu! Bán cho khuất mắt. Ra thấy lợn, vào cũng lợn. Eng éc suốt ngày”, ông Trần Duy Dương (56 tuổi), nằm cách nhà chị Ngoan mấy nhà, gặt chân chống chiếc xe máy không yếm, chép miệng khi thấy cánh nhà báo chúng tôi hỏi chuyện về lợn. Ông đon đả mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà cấp bốn đơn sơ, tềnh toàng.

Ông Trần Ngọc Dương: Chả hy vọng gì đâu
Ông Trần Ngọc Dương:Bán cho khuất mắt, ra cũng thấy lợn, vào cũng thấy lợn

Sau hơi thuốc lào, ông Dương không ngần ngại đưa ra tờ giấy nợ. “Đấy! Vừa rồi làm chuồng, ngân hàng Nông nghiệp (Agribank - NV) cho vay 200 triệu. Bán lợn xong giờ chả đủ trả tiền cám, vẫn còn nợ chủ cám 100 triệu".

Tôi tò mò: “Đến hạn ông lấy đâu ra tiền để trả ngân hàng?”. Lại rít một hơi thuốc lào, ngửa mặt lên trần nhà, phả khói nghi ngút. Đặt chiếc điếu xuống sàn nhà, vỗ đùi đến đét một cái, cười phớ lớ: “Chịu! Chỉ còn nước ngân hàng xuống thu cái nhà này rồi mở chi nhánh ở đó mà trừ nợ dần thôi’. Giấu sau cái nụ cười to, làn khói thuốc nghi ngút ấy là bộ mặt nhăn nhó, hằn sâu những nét khoắc khổ, tuyệt vọng.

“Trước tôi làm xe ôm trên Bến xe Giáp Bát. Từ năm 1999, 15 năm cơ, Hà Nội không đâu là tôi không biết. Vừa rồi con nó học xong cao đẳng, rồi lấy chồng, nó bảo bố về đi thôi chứ trên này vất vả quá. Thôi thì về, nhưng vừa đầu tư nuôi lợn thì đã gặp cái chập này. Chắc tới đây, nhà cửa yên ổn, tôi lại lên Hà nội chạy xe ôm. Nhưng nợ 300 triệu thì bao nhiêu cuốc xe cho nó lại”, ông Dương châm tiếp một nõ thuốc lào khác.

Món nợ ngân hàng vẫn còn đó
Món nợ ngân hàng vẫn còn đó

Tuy nhiên, theo ông Dương, người chăn nuôi không phải là người chịu thiệt hại duy nhất và chưa hẳn đã là người khổ nhất. Ông muốn nói về những đại lý cám.

Người nông dân từng có thâm niên 15 năm “cày cuốc” ở thủ đô này dẫn chúng tôi đến một đại lý cám cách nhà ông khoảng 500 mét. Chủ đại lý là vợ chồng ông bà Trần Ngọc Dung – Trần Thị Tuyết.

Nỗi đau của “Chủ cám”

Vợ chồng ông bà Dung – Tuyết không chỉ là đơn thuần làm kinh doanh. Họ vừa buôn bán cũng vừa là nông dân nuôi lợn. Chính xác thì từ người nông dân, từ trải nghiệm, từ tích lũy và từ các mối quan hệ, từ chăn nuôi, họ trở thành “Chủ cám”.

“Tôi chăn nuôi và kết hợp làm đại lý cám từ năm 2007. Giờ tôi là đại lý cấp một cho Công ty JAPFA, cũng có cung cấp cả cám của CP, Dabaco. Tôi cấp cám cho bà con nuôi lợn, bà con chỉ cần trả 2% lúc đầu, còn chúng tôi cho nợ đến 98%, khi nào bán lợn mới cần trả nốt”- bà Tuyết cho hay.

Theo người phụ nữ này, chính cách trợ vốn trên đang làm vợ chồng bà “sống dở chết dở”. “Nhưng thời giá này thì ai có tiền mà trả. Người dân khổ, tôi còn khổ hơn. Tổng tiền cám tôi cấp cho dân hiện giờ là 8 tỷ đồng, mà vốn tự có chúng tôi chỉ có 2 tỷ. Còn lại là vay ngân hàng, vay vỏ ngược xuôi, trong ngoài. 6 tỷ vay ngoài, riêng tiền lãi một tháng đã mất gần 60 triệu đồng”- giọng bà Tuyết chùng hẳn xuống. Bà ngước đôi mắt thất thần nhìn chúng tôi, rồi thở dài.

“Vay thì toàn phải mượn sổ đỏ của anh chị em để thế chấp. Bây giờ thì thế này… Nói thật, tôi chẳng mong lãi, chỉ cần bà con trả đủ gốc. Trả 90%, 95% cũng được”- hai giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt phờ phạc vì thiếu ngủ của người phụ nữ nhà quê chất phác.

Đáng nói, không chỉ câu chuyện cám, bản thân vợ chồng ông bà Dung – Tuyết cũng đang còn 1.000 con lợn trong chuồng. Và đây thực sự là một gánh nặng khác.

Vẻ mặt thất thần, bà Tuyết nói: “Tôi năm nay 43 tuổi. Từ khi biết làm người đến nay, chưa bao giờ tôi gặp phải sóng gió nào khủng khiếp như cái đận này”.

Bà Tuyết:
Bà Tuyết: "Chưa bao giờ tôi tôi gặp sóng gió nào khủng khiếp như đận này!"

Còn theo tính toán của chồng bà: “200 lợn thương phẩm, đến tuổi xuất chuồng lâu rồi nhưng vẫn giữ để chờ giá. Mỗi con bình thường ăn hết 50 nghìn đồng tiền cám mỗi ngày, nhưng giờ ghìm lại, chỉ cho ăn khoảng 30 nghìn đồng. Vị chi, 200 con một ngày đã “mất trắng” 6 triệu, mà lẽ ra đã phải bán lâu rồi. Chưa kể, 800 lợn bé còn lại, đổ đồng 15.000 đồng tiền cám/con/ngày. Ngày mất thêm 12 triệu nữa. Rồi thêm cả tiền lãi ngân hàng…”.

Ông Dung bổng dưng ngồi thừ ra, đôi mắt như vô hồn, nhìn ra xa xăm…

“Chính phủ không hành động nhanh lên thì chúng tôi thua hết”

Chương trình vô tuyến vô tình đang phát một bản tin về lợn. Có vẻ như nó khiến những người nông dân có mặt ở nhà bà Tuyết hôm ấy cảm thấy khó chịu hơn là quan tâm.

“Đấy, ti vi cứ nói rằng, các công ty cám hạ giá 5 – 10% để hỗ trợ nông dân. Nhưng nhà tôi, làm đại lý cấp 1 đây, nào tôi đã thấy hạ được giá nào. Chính phủ chỉ đạo cả nước hỗ trợ người nuôi lợn nhưng nói thật là tôi chưa thấy điều gì khác, chưa cảm nhận thấy sự hỗ trợ nào, chưa thấy công an, quân đội nào về mua lợn. Chính phủ kêu gọi, chỉ đạo thế, chúng tôi rất mừng. Nhưng Chính phủ không hành động nhanh lên thì chúng tôi thua hết, chết hết”

Ông Dung tiếp lời: “Từ hôm ti vi thông báo, tôi chưa thấy ai đến hỏi han gì. Chỉ có hôm qua, thấy công an xã đưa một anh công an huyện đến nhà. Nhưng cũng chẳng phải hỏi về lợn. Chỉ thấy hỏi về nợ nần. Nghe đâu, mấy nơi đã xảy ra xô xát khi chủ cám đi đòi nợ dân, thuê cả xã hội đen. Nên họ đề phòng”.

“Họ nói là thống kê tổng đàn lợn cả nước lên tới 30,7 triệu con nhưng tôi chưa rõ họ lấy số liệu ở đâu. Tôi nuôi lợn từ năm 2006, nhưng chưa một năm nào thấy ai đến hỏi hay khảo sát rằng tôi nuôi bao nhiêu con”- ông Linh, “hướng dẫn viên”của chúng tôi cũng hướng mắt theo màn hình vô tuyến và bình luận về các con số thống kê vừa cập nhật.

Một tiếng chuông điện thoại vang lên. Bà Tuyết nghe rồi sau đó kể rất thật với mọi người, về nội dung cuộc điện thoại. “Cháu nó học ngoài Hà Nội, gọi điện về xin tiền. Ôi, một tạ lợn giờ chả đủ 2 tuần sinh hoạt phí cho con ở thủ đô”.

Tuy mỗi người một quan điểm, tuy không tin vào con số thống kê “tổng đàn 30,7 triệu lợn cả nước” nhưng tất cả những người chăn nuôi đang ngồi trước vô tuyến đều đồng tình rằng câu chuyện rớt giá của lợn có phần nguyên nhân không nhỏ đến từ hoạt động chăn nuôi tự phát, ồ ạt mở rộng quy mô từ chính những người nông dân.

“Mấy năm vừa rồi nuôi lợn được quá. Dân đua nhau nuôi, mà vay tiền ngân hàng cũng dễ. Ngân hàng tìm đến tận nhà chào vay. Vay dưới một tỷ hầu như rất đơn giản. 6 tháng bán lợn đảo nợ một lần”- ông Dung nói trong tiếng thở dài.

Theo khảo sát với người chăn nuôi tại “thủ phủ lợn”, đâu đó xung quanh khu vực bắt đầu là xuất hiện những dấu hiệu bất ổn xã hội từ thảm cảnh giá lợn. Và theo họ, trường hợp chủ cám “sống dở chết dở” như vợ chồng ông bà Dung – Tuyết không phải là hiếm.

Họ kể về một chủ cám tại Ngọc Lũ, người đã cấp cám cho dân với quy mô lên tới 35 tỷ đồng. Ông Linh, với sự nhiệt tình trong suốt cuộc đi, cũng như mối quen biết sẵn có với vợ chồng chủ cám này, cũng đã chủ động liên hệ giùm chúng tôi.

“Họ không muốn gặp và không muốn nói về chuyện này nữa, các bác ạ. Họ mệt mỏi quá rồi. Nghe đâu vì lợn gà mà vợ chồng họ đang xích mích”- ông Linh nói đầy ái ngại.

Đón đọc bài 3: “Đầu ra cho lợn: vẫn là bài toán nan giải”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa ký văn bản số 3609/BNN-CN về việc chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.

Theo đó, nhằm kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn vượt qua khó khăn ổn định sản xuất, vấn đề quan trọng trước mắt là: hỗ trợ tín dụng; giảm giá nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và gia tăng sức mua sản phẩm từ thịt lợn cho người chăn nuôi trong nước.

Thông tin gửi về Cục Chăn nuôi, số 16, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội hoặc thư điện tử:cn@mard.gov.vn; ĐT 0437345447.