Để đối phó với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine, chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về hàng loạt vấn đề, bao gồm các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga nếu họ “xâm lược” Ukraine, cùng với nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.
Nhưng việc đưa ra quyết định khó khăn về trừng phạt Moscow mới chỉ là một trong số nhiều thách thức khác mà cuộc khủng hoảng này mang tới cho Nhật Bản. Tokyo cũng cần phải chuẩn bị trước cho nhiều viễn cảnh địa-chính trị có thể diễn ra ở châu Á, do quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
Tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Nga rất có thể sẽ tăng lên ở những khu vực xung quanh vùng Viễn Đông của Nga. Các lực lượng của Nga vốn đã mở rộng các hoạt động ở Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, cùng các tướng lĩnh chóp bu đang theo dõi sát sao tình hình căng thẳng hiện nay.
Ví dụ, vào tháng 12/2021, Nga tuyên bố sẽ khởi động các tàu ngầm mới chạy bằng năng lượng nguyên tử ở Viễn Đông và lần đầu tiên triển khai nhiều tên lửa chống hạm trên đảo Matua, một đảo núi lửa không người ở nằm ở trung tâm chuỗi đảo Kuril.
Từ tháng 1 cho đến tháng 2/2022, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã thực hiện nhiều cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk, với sự tham gia của khoảng 20 chiến hạm, tàu thuyền.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga trong một cuộc tập trận ở Siberia (Ảnh: AP) |
Ngày 12/2, Moscow nói rằng một tàu ngầm Mỹ đã xâm phạm vùng biển của họ ở Thái Bình Dương, sát với nơi cuộc tập trận đang diễn ra. Mỹ bác bỏ thông tin trên. Đây cũng là một tín hiệu khác cho thấy căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Nga trong khu vực sẽ tăng lên.
Những vụ việc trên đã phản ánh một khả năng rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ gây ra tác động tới tình hình an ninh ở Đông Á, do chiến lược quân sự của Moscow.
Nga đang vận hành một hạm đội tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân ở Biển Okhotsk. Đây là những thứ vũ khí mà Nga sẽ chỉ đem ra sử dụng như một biện pháp cuối cùng để tấn công lãnh thổ Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Nga tin rằng sự tồn vong của họ phụ thuộc vào những chiếc tàu ngầm này.
Quân đội Nga đang tăng cường sức mạnh của mình trên Biển Okhotsk và các khu vực bao quanh để bảo vệ hạm đội tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân mang tính chất sống còn này. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng căng thẳng giữa lực lượng của Nga và Mỹ ở những khu vực xung quanh Nhật Bản và cả căng thẳng giữa lực lượng Nga và Nhật.
Moscow coi Vùng lãnh thổ phương Bắc – một nhóm đảo gần Hokkaido mà Nga đang kiểm soát, nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền – như một phần trong “hàng rào phòng thủ” nhằm bảo vệ Biển Okhotsk, theo một chuyên gia về quân đội Nga. Moscow có khả năng sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở những đảo mang tầm quan trọng ngày càng cao này.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng có thể khiến cho chiến lược phòng thủ của Nhật Bản và Mỹ để đối phó với Trung Quốc thêm phần phức tạp.
Điều này đã được nhận thức rõ khi mới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra câu trả lời bằng văn bản trước đề xuất an ninh mà Nga gửi vào ngày 26/1. Mặc dù bác bỏ đề xuất cấm Ukraine gia nhập NATO và ngừng sự mở rộng của NATO về phía Đông, nhưng ông Biden vì muốn giảm quan ngại của cả hai phía mà đã đưa ra những đề xuất sau:
- Washington sẽ nhất trí đàm phán với Moscow về hạn chế triển khai các loại tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung.
- Mỹ và Nga sẽ đảm bảo sự minh bạch nhiều hơn về các cuộc tập trận ở châu Âu.
- Mỹ sẽ công khai thông tin về các căn cứ phòng thủ tên lửa của họ ở Romania và Ba Lan, đổi lấy việc Nga công khai 2 căn cứ tên lửa của họ.
Những đề xuất này, ngay cả khi thực sự giúp giảm thang căng thẳng giữa hai nước, có thể làm tăng rủi ro an ninh ở châu Á bởi chúng có thể có lợi cho quân đội Trung Quốc.
Đáng lo ngại nhất là đề xuất tổ chức các vòng đàm phán song phương về các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Theo Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987, Mỹ và Nga bị cấm sở hữu các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km. Trong suốt những năm kể từ sau đó, Trung Quốc – vốn không bị trói buộc bởi hiệp ước này – đã sản xuất nhiều tên lửa bị cấm theo INF và giờ được tin là đã triển khai hơn 1.000 tên lửa như vậy.
Các chiến hạm của Nga và Trung Quốc tuần tra chung ở Tây Thái Bình Dương vào tháng 10/2020 (Ảnh: Xinhua) |
Sức mạnh hải quân và không quân của Trung Quốc ở châu Á vốn đã vượt qua Mỹ. Sự ưu việt trong sức mạnh tên lửa của họ sẽ khiến cán cân quân sự nghiêng về phía có lợi cho họ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định của eo biển Đài Loan cũng như Biển Đông và biển Hoa Đông.
Viễn cảnh đáng báo động từng khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi INF, và khiến nó hết hạn vào năm 2019. Nếu chính quyền Biden một lần nữa đưa ra những hạn chế đối với triển khai tên lửa, an ninh của châu Á sẽ chịu tác động nghiêm trọng, trừ khi Trung Quốc cũng tham gia vào hiệp ước mới đó.
Đề xuất tăng sự minh bạch về các cuộc tập trận quân sự và căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ chỉ bao phủ khu vực châu Âu. Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể yêu cầu thêm cả khu vực châu Á vào khung làm việc kiểm soát vũ trang Nga-Mỹ, theo các nguồn tin ngoại giao. Mục đích của ông Putin sẽ là hạn chế các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các đồng minh, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi được tiếp cận thông tin về các hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mặc dù Mỹ khó có thể nhất trí với những đề xuất như vậy của Nga, nhưng Moscow gần như chắc chắn sẽ làm việc chặt chẽ với Bắc Kinh để làm suy yếu khối đồng minh giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
Trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 4/2, Trung Quốc và Nga đã chỉ trích thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia, đồng thời phản đối việc triển khai các loại tên lửa tầm trung ở châu Á.
Chính phủ Nhật Bản cũng nêu quan điểm và quan ngại của họ về những diễn biến an ninh mới ở châu Á một cách không chính thức với chính quyền Biden. Tuy nhiên, do đang quá bận rộn với cuộc khủng hoảng Ukraine và nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chính quyền Biden có thể không có đủ sự quan tâm cần thiết đến viễn cảnh an ninh ở châu Á.
Điều này buộc các thế lực trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ phải hợp tác chặt chẽ với Mỹ để đảm bảo rằng chính quyền biden không bỏ qua những nguy cơ an ninh mới ở châu Á.
Theo Nikkei Asia