Ông Biden vẫn khẳng định Nga tấn công Ukraine trong vài ngày tới, Nga và Mỹ đấu khẩu gay gắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga và Mỹ tiếp tục đấu khẩu gay gắt xung quanh các vấn đề Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine, bùng nổ xung đột ở miền đông Ukraine và giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Biden hôm 17/2 tuyên bố trước các nhà báo ở Nhà Trắng Nga sẽ tấn công Ukraine trong vài ngày tới (Ảnh: AP).
Ông Biden hôm 17/2 tuyên bố trước các nhà báo ở Nhà Trắng Nga sẽ tấn công Ukraine trong vài ngày tới (Ảnh: AP).

Ngày 17/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhóm họp để thảo luận về tình hình Ukraine. Tại cuộc họp, phía Nga đã chỉ trích chính phủ Ukraine không tuân thủ Thỏa thuận Minsk và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ đối với Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Nga hãy chứng minh không có ý định đưa quân vào Ukraine.

Theo tin của Đài CNN, ông Blinken đột nhiên quyết định tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York. Ông cho rằng Nga tiếp tục phát tán những thông tin sai lệch về Ukraine để tạo cơ sở pháp lý cho việc đưa quân tới Ukraine.

Ông Blinken nhắc lại rằng mục đích của chính phủ là tránh chiến tranh và kêu gọi Nga giải quyết cuộc khủng hoảng bằng phương thức ngoại giao. Ông cho biết đã mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ ông ở châu Âu vào tuần tới và đề xuất một hội nghị của Hội đồng Nga-NATO (NATO-Russia Council) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) để tạo tiền đề cho một cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo chủ chốt.

Ukraine tố cáo lực lượng ly khai thân Nga pháo kích vào ngôi làng do chính phủ kiểm soát (Ảnh: Reuters).

Ukraine tố cáo lực lượng ly khai thân Nga pháo kích vào ngôi làng do chính phủ kiểm soát (Ảnh: Reuters).

Ông cho rằng Nga có thể ngay lập tức tuyên bố với thế giới rằng họ không có ý định xâm lược Ukraine, và chứng minh điều đó thông qua các hành động sắp xếp rút quân và đưa các nhà ngoại giao trở lại bàn đàm phán, để chứng minh rằng các ước tính của Mỹ đã sai.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin đã phê phán những cáo buộc của các nước phương Tây chống lại Nga là vô ích và vô căn cứ, đồng thời chỉ ra rằng thực hiện thỏa thuận Minsk đã 7 năm và Ukraine không có ý định thực hiện thỏa thuận này. Ông nhấn mạnh rằng một bộ phận binh sĩ Nga ở gần biên giới Ukraine đang trở về doanh trại của họ.

Đại diện của Ukraine tại Liên Hợp Quốc, Sergiy Kyslytsya, nhắc lại tại cuộc họp rằng Ukraine vẫn có ý định tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua ngoại giao và mang lại hòa bình, an ninh, ổn định cho toàn châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng nếu Nga chọn leo thang tình hình, Ukraine sẽ tự bảo vệ mình, đồng thời kêu gọi Moscow hãy dựa trên các bài học của lịch sử, từ bỏ chính sách đe dọa và sử dụng vũ lực lâu nay nhằm phá hoại chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.

The Wall Street Journal đưa tin Nga đã đệ trình một báo cáo lên Liên Hợp Quốc cáo buộc rằng các lực lượng Ukraine đã phạm "tội ác" đối với các cư dân của khu vực Donbas, phía đông Ukraine.

Pháo tự hành Nga nã đạn khi tập trận tại Belarus (Ảnh: AP).

Pháo tự hành Nga nã đạn khi tập trận tại Belarus (Ảnh: AP).

Tài liệu của Nga mà The Wall Street Journal nhìn thấy đã cáo buộc "hành động diệt chủng người dân nói tiếng Nga ở Donbass". Tài liệu cho thấy Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc dự kiến ​​sẽ lên án Ukraine và phương Tây về hoàn cảnh của những người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine.

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm 17/2 nói Nga đã trục xuất ông Bart Gorman, Phó Đại sứ, nhân vật số hai của sứ quán Mỹ tại Moscow.

Động thái của Nga được đưa ra vào lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày tuyên bố “nguy cơ Nga xâm lược Ukraine là rất lớn, có khả năng xảy ra trong vài ngày tới” và Moscow vẫn chưa rút quân. Ông Biden nói: “Tất cả những dấu hiệu chúng tôi nhận được đều cho thấy họ đã sẵn sàng tiến vào Ukraine và tấn công Ukraine. Tôi có cảm giác điều này sẽ xảy ra trong vài ngày tới.”

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã xuất hiện hiếm thấy tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là một phần trong nỗ lực ngày càng tăng của Washington nhằm chống lại những thông tin sai lệch của Nga mà Mỹ coi là cái cớ để phát động cuộc chiến mới ở Ukraine.

"Chúng tôi đặc biệt lo ngại về Tổng thống Putin và các quan chức Nga khác - những người liên tục đề cập đến 'nạn diệt chủng' ở vùng Donbas", Ned Price, phát ngôn viên của ông Blinken, cảnh báo hôm thứ Tư.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO hôm 17/2 (Ảnh: AP).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO hôm 17/2 (Ảnh: AP).

Các nhà ngoại giao Mỹ đã bị trục xuất nhiều lần trước khi nhân vật số hai của Đại sứ quán ở Matxcơva, dẫn tới việc số ​​nhân sự tại đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva giảm đi còn ít hơn so với nhân viên đại sứ quán Nga ở Washington. Các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết đại sứ quán ở Moscow hiện đang thiếu nhân sự.

Người phát ngôn Price nói: "Hành động của Nga đối với phó đại sứ của chúng tôi là không hợp lý, và chúng tôi coi đây là một biện pháp leo thang và đang xem xét phản ứng của chúng tôi". Ông lưu ý rằng Phó đại sứ Bart Gorman có thị thực hợp lệ và mới ở Nga trong thời gian chưa đầy ba năm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nhiều ngày qua đã tuyên bố rằng Nga rất có thể sẽ xâm lược Ukraine. Hôm thứ Năm (17/2) ông lại bày tỏ quan điểm của mình với các phóng viên tại Nhà Trắng, nói rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine trong vài ngày tới. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày cũng tuyên bố không có ý định tấn công Ukraine.

Vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine được cấp tập chở đến Kiev (Ảnh: Sohu).

Vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine được cấp tập chở đến Kiev (Ảnh: Sohu).

Ông Biden nói với các phóng viên khi rời Nhà Trắng hôm thứ Năm: "Mọi dấu hiệu mà chúng tôi thấy là họ (Nga) đã chuẩn bị tấn công Ukraine. Cảm giác của tôi là điều này sẽ xảy ra trong vài ngày tới". Ông Biden đồng thời cho biết, ông không có kế hoạch gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng bày tỏ vẫn còn một con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề, mà Ngoại trưởng Blinken sẽ chỉ ra trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thẳng thắn chỉ trích lời lẽ của ông Biden không giúp gì cho việc làm dịu tình hình. Ông đáp lại rằng nhận xét của Biden sẽ chỉ tiếp tục làm gia tăng tình hình căng thẳng. Ông cũng chỉ ra rằng tin tức về cái gọi là sự tăng thêm quân của Nga ở khu vực biên giới Nga-Ukraine, cũng như mọi khi, là lời cáo buộc vô căn cứ. Peskov chỉ ra rằng sau cuộc tập trận, các lực lượng vũ trang Nga đang quay trở lại nơi đóng quân, nhưng điều này sẽ cần có thời gian và quân Nga không thể quay trở lại đến doanh trại chỉ sau một ngày, Bộ Quốc phòng đã có lịch trình. Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ không chấp nhận các yêu cầu của Mỹ và các nước khác liên quan đến cách Nga điều động quân đội trên đất lãnh thổ mình..

Tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 17/2 nói Nga đang tiếp tục tập kết các lực lượng hạng nặng dọc theo biên giới Ukraine và ông không thấy có dấu hiệu quân đội quay trở lại vị trí của họ như Moscow tuyên bố.

"Chúng tôi không thấy điều đó", ông Austin nói tại một cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO. "Ngược lại, chúng tôi thấy rằng họ đã triển khai hơn 150.000 quân dọc theo biên giới đó và hiện đang bổ sung thêm ... Chúng tôi thậm chí còn thấy họ tích trữ nguồn máu cung cấp”. Các quan chức Mỹ nói Nga đã đưa thêm 7.000 binh sĩ tới biên giới Ukraine trong những ngày gần đây.

Austin nói thêm: "Tất nhiên, không có lý do gì để mọi chuyện phát triển đến bước này. Cũng giống như không có lý do gì để Nga xâm lược Ukraine một lần nữa". Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Vị trí hai nước Cộng hòa tự xưng Luhansk (1) và Donetsk (2) tách từ 2 tỉnh Luhansk và Donesk của Ukraine (Ảnh: Sina).

Vị trí hai nước Cộng hòa tự xưng Luhansk (1) và Donetsk (2) tách từ 2 tỉnh Luhansk và Donesk của Ukraine (Ảnh: Sina).

Austin nói rằng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin "chọn chiến tranh" chứ không phải một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, thì "ông Putin sẽ là người chịu trách nhiệm về những đau khổ và hy sinh to lớn xảy ra sau đó".

Ông Austin nói: “Một kết quả hòa bình tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine chắc chắn là kết quả tốt nhất cho Ukraine, nhưng cũng là kết quả tốt nhất cho Nga và người dân Nga.”

Mỹ và NATO gần đây đã đề nghị đàm phán về việc triển khai tên lửa và các cuộc tập trận quân sự của họ ở châu Âu, nhưng bác bỏ yêu cầu của Nga về việc không cho Ukraine gia nhập NATO.

Tổng thống Vladimir Putin cùng ngày 17/2 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Chính phủ Nhật Bản tiết lộ rằng trong cuộc điện đàm với ông Kishida, ông Putin đã nói rõ rằng ông không có ý định tấn công Ukraine. Ông Kishida kêu gọi ông Putin giải quyết vấn đề Ukraine bằng biện pháp hòa bình và thúc giục tránh sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng.