|
Bí ẩn khu lăng mộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Dân trí |
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898), nhà văn, nhà khoa học xã hội của Việt Nam trong thế kỷ 19 khi về già đã đích thân thiết kế và trông coi xây dựng khu lăng mộ của mình. Theo tờ Dân trí, khu lăng mộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký nằm trong khuôn viên rộng 2.000m2 ở góc đường Trần Hưng Đạo- Trần Bình Trọng (quận 5, TPHCM).
Cổng chính khu lăng mộ nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Nhà bác học theo đạo Thiên chúa giáo nhưng ông thiết kế cổng theo kiến trúc kiểu tam quan của các ngôi chùa Phật giáo với 1 cửa chính lớn và 2 cửa phụ nhỏ ở 2 bên, bên trên có 3 tầng mái, lợp ngói ống.
|
Lăng mộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Dân trí
|
Trên cửa nhà mồ hướng ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi). Trên cửa nhà mồ hướng ra đường Trần Bình Trọng là dòng chữ "Fons Vitae Eruditio Possidentis" (tạm dịch: Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó).
|
Cổng chính nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: Dân trí |
Phía sau cổng tam quan là căn nhà xây dựng theo hình bát giác với diện tích khoảng 50m2. Căn nhà được xây dựng theo kiểu Pháp với họa tiết kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Phần mái nhà được chia thành 8 cạnh, các cạnh được nối với nhau bằng đường viền trang trí đắp nổi hình rồng theo kiểu long hồi, đuôi rồng hướng lên nóc mái, thân rồng uốn theo đường viền và đầu rồng bên dưới ngước lên. Đỉnh mái được đặt cây thánh giá. Toàn bộ ngói được lợp theo phong cách vảy cá.
|
Bên trong nhà mồ là 3 mộ phần được lát bằng phẳng trên nền nhà với 3 tấm đá khác màu. Ảnh: Dân trí
|
Bên trong nhà mồ là 3 mộ phần được lát bằng phẳng trên nền nhà với 3 tấm đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài 2m. Mộ chính giữa là của cụ Trương Vĩnh Ký, 2 ngôi mộ nằm bên cạnh là của vợ và con ông. Bia mộ của ông được trang trí khá giản dị khắc tên J.B.Petrus Trương Vĩnh Ký cùng năm mất và vài dòng thân thế.