Thông tin từ VNE, Thông tấn xã Việt Nam, bắt đầu từ 1/7, Nhật Bản tính phí túi nylon nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Theo đó, tất cả cửa hàng bao gồm cả cửa hàng tiện lợi trên khắp Nhật Bản quyết định mức phí đối với khách hàng sử dụng túi nylon khi mua sắm, phổ biến nhất là ba yên (hơn 600 đồng Việt Nam) cho mỗi túi.
Động thái này diễn ra sau khi các nền kinh tế chủ chốt trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí về một thỏa thuận nhằm làm giảm lượng rác thải nhựa ở các đại dương tại Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm này tổ chức hồi tháng 6 vừa qua ở Osaka, Nhật Bản.
Ngay khi áp dụng, luật mới đã mang lại tác động tích cực. Một số người tiêu dùng bắt đầu mang theo túi cá nhân có thể tái sử dụng để thay thế cho túi nylon.
Tại Nhật Bản, bao bì nhựa được sử dụng rất nhiều, ngay cả những giao dịch nhỏ nhất. Ảnh: Internet
|
Yoshimi Soeda (66 tuổi) chia sẻ với tờ AFP rằng mỗi người cần nhận thức rõ hơn về ô nhiễm môi trường và tình trạng Trái Đất bị nóng lên. Đây cũng là lý do ông mang túi mua sắm của riêng mình khi đi đến các cửa hàng. Ông hy vọng túi nylon và hộp nhựa đựng thực phẩm sẽ sớm được thay thế bằng một thứ gì đó thân thiện với môi trường hơn.
Tại Nhật Bản, bao bì nhựa được sử dụng rất nhiều, ngay cả những giao dịch nhỏ nhất. Hầu hết các cửa hàng tiện lợi tại đây đều bọc từng quả chuối bằng túi nylon. Thông tin từ Liên Hợp Quốc, quốc gia Đông Á này đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, về số lượng rác thải nhựa trên đầu người, trong đó, túi nylon chiếm 2%. Theo Cơ quan này, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã chỉ trích Nhật Bản quá chậm chạp trong giảm lượng tiêu thụ nhựa.
Trong khi đó, Nhật Bản tự hào về hệ thống quản lý rác thải, cho rằng 86% lượng rác thải nhựa của nước này đã được tái chế. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động tái chế này được thực hiện bằng phương pháp đốt đơn thuần, một quá trình tạo ra khí carbondioxide và góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Nước này cũng xuất khẩu khoảng 10% rác thải nhựa ra nước ngoài để tái chế.
Năm 2018, Nhật Bản tuyên bố sẽ giảm 9,4 triệu tấn chất thải nhựa hàng năm vào năm 2030. Chính sách thu phí túi nylon trên toàn quốc nhằm khiến người dân suy nghĩ về việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.