GS.VS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cho biết: Các công trình đăng ký xét tặng Giải thưởng năm nay đủ 9 lĩnh vực, có cả các tác giả ở ngoài nước. Với tiêu chí công trình có tính khoa học xuất sắc và tính ứng dụng rộng rãi, Hội đồng Giải thưởng đã thống nhất lựa chọn 4 công trình xuất sắc đã có nhiều công bố quốc tế, có bằng sở hữu trí tuệ và đã ứng dụng rộng, để trao giải. Các tác giả đều là nhà khoa học có quá trình cống hiến lâu dài và hiện nay đang tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp nông nghiệp đặc thù miền nhiệt đới Việt Nam cũng như trong lĩnh vực đảm bảo môi trường, an ninh – quốc phòng của đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ trao giải
|
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng các nhà khoa học đã mang tinh thần Trần Đại Nghĩa vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả trong nghiên cứu khoa học: Chúng ta đã có nhiều nhà khoa học giỏi có kinh nghiệm, có uy tín và có nhiều đóng góp lớn cho cộng đồng. Số công trình khoa học tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Mặc dù chúng ta chưa hài lòng nhưng có rất nhiều chỉ số quốc tế đánh giá mức độ sáng tạo chúng ta đứng thứ 45.
Phó Thủ tướng khẳng định: Để đất nước phát triển và tranh thủ những vận hội mới, không thể không tăng cường tiềm lực KHCN. Cũng chỉ KHCN mới là con đường duy nhất để chúng ta có thể phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, trong chỉ số đổi mới sáng tạo, có 2/4 nhóm trực tiếp liên quan đến giới khoa học, hai chỉ số còn lại có liên quan đến thể chế của nền kinh tế nói chung. Do đó, đầu tư cho khoa học không chỉ là đầu tư cho máy móc, cơ chế nghiên cứu..., mà phải là đầu tư vào chính con người với những cơ chế đột phá thực sự.
GS.VS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát biểu
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ những kiến nghị của cộng đồng khoa học, Chính phủ đang bàn để đưa một trong các giải pháp đột phá trong 10 năm tới tiếp tục phát triển KT-XH gắn với giải pháp đột phá là khoa học. Tới đây sẽ có ít nhất 1 buổi mời các nhà khoa học trao đổi, không chỉ vì sự cần thiết phải đưa KHCN trở thành một trong các giải pháp đột phá trong 10 năm tới, mà quan trọng là có một bức tranh, đã là đột phá thì phải có cơ chế đột phá.
Để có trình độ khoa học phát triển, phải tháo gỡ dần dần những vướng mắc cho các nhà khoa học. Không chỉ nói đến khía cạnh khoa học mà trước hết phải nói đến khía cạnh kinh tế. Đổi mới sáng tạo quốc gia phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, xoay quanh đó là viện nghiên cứu, trường đại học, nhưng để doanh nghiệp làm trung tâm thì phải có cơ chế kinh tế.
Lễ trao giải
|
Cơ chế kinh tế ở đây là từ chính sách thuế, chính sách phân bổ nguồn lực, vốn, chính sách mua sắm, đấu thầu,… để doanh nghiệp không cần phải đi kêu gọi sự nhiệt tình, phải đi kêu gọi lòng yêu nước,… mà tất cả chúng ta vẫn làm…Hay là những cơ chế về mua sắm, làm sao nếu đúng thật, ví dụ công trình được giải thưởng hôm nay là xử lý rác thải y tế, tốt như thế, rẻ như thế thì tại sao ở nước ta vẫn có bao nhiêu lò đốt rác không hiệu quả?
“Không thể để tình trạng đầu tư cho KHCN trong GDP của mình chỉ bằng ¼ các nước khác. Không thể nói KHCN là quốc sách hàng đầu mà các nhà khoa học cứ phải trăn trở, vật lộn để “sáng tác” số liệu, hợp thức hóa các khoản chi. Phải trao đổi cởi mở để đi đến cùng. Nếu không làm được đột phá thì đất nước không vượt lên được. Cơ chế ở đây chính là tháo gỡ những khó khăn để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, sáng tạo”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
4 công trình được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa gồm: Công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” của tập thể các giả: GS.TS. Lê Trần Bình, PGS.TS. Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, TS. Trần Xuân Hạnh, Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương. Công trình “Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm” của tập thể tác giả: TS. Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; TS. Lê Văn Thụ, Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công an. Công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của tập thể tác giả: PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên, KSC. Mai Trọng Chính, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; NCVCC.TS. Nguyễn Thế Đồng, Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT; Công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả: GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long. |