|
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (bên phải) và ông Kidong Park, đại diện của WHO tại Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo |
Đó là thông tin được bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ với VietTimes bên lề hội thảo xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia tổ chức tại Hà Nội sáng 22/4.
Tháng 5/2019, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia lần thứ 2. Chính sách này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt tác hại của rượu, bia đối với cộng đồng hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mục tiêu của Luật phòng chống tác hại rượu bia nhằm hướng đến việc giảm tiếp cận rượu bia cho tất cả các đối tượng, bằng cách hạn chế về thời điểm, không gian bán, khuyến nghị chính sách tăng thuế rượu, bia, tránh khả năng tiếp cận, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ có thai. Luật cũng xây dựng những cơ chế chính sách giúp góp phần giảm bớt tác hại của rượu, bia với người sử dụng.
Song, khi dự thảo Luật được đưa ra đã có một số ý kiến cho rằng chỉ nên thắt chặt quảng cáo với rượu và không nên hạn chế quảng cáo với bia. Một số ý kiến khác cũng cho rằng bia không có tác hại giống như rượu, vì vậy cần nới lỏng kiểm soát.
|
Bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trao đổi với phóng viên
|
Không đồng tình với những ý kiến trên, bà Trần Thị Trang dẫn chứng, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt tăng lên chóng mặt. “Trong khi năm 2016 chúng ta tiêu thu 3,8 tỷ lít bia, thì năm 2017 đã tiêu thụ 4,05 tỷ lít và năm 2018 là 4,67 tỷ lít. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, từ 2017 – 2018, chúng ta tiêu thụ tăng 600 triệu lít bia”.
Trong khi đó, khi quy về nồng độ cồn nguyên chất, bia có tác hại và tác động giống hệt như uống rượu. “Ví dụ một người lái xe uống 1 lon bia sẽ có nồng độ cồn nguyên chất tương đương với 1 ly rượu vang 30ml hoặc 1 chén rượu mạnh 15ml, có nguy cơ gây ra các tác hại giao thông và bị xử phạt tương đương với uống rượu”.
Bên cạnh đó, bà Trang cũng chỉ ra, quan niệm cho rằng bia không gây hại nhiều có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai. “Khi đó, chúng ta sẽ định hướng cho người tiêu dùng rằng cứ tiêu thụ bia là tốt, sản phẩm này an toàn hơn, cứ dùng đi không sao đâu. Đồng thời, trẻ em, thanh thiếu niên – các đối tượng có sự hiểu biết chưa hoàn thiện sẽ không được cảnh báo về tác hại của bia” – Bà Trang nói.
Với tốc độ tiêu thụ bia lớn và tính chất, nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe giống hệt như rượu, bà Trang cho rằng không có lý do gì để “phân biệt đối xử” giữa bia và rượu. “Vì bia và rượu có tác hại như nhau, nên việc xem nhẹ việc quản lý tiêu thụ, quảng cáo bia, về mặt khoa học là bất hợp lý và thiếu bình đẳng pháp lý, đồng thời chưa đúng với Luật cạnh tranh khi hai sản phẩm này có cùng tính chất. Do đó, dù là bia hay rượu thì phải kiểm soát chặt chẽ” - Bà Trang cho biết.
Đồng thời, việc tăng cường kiểm soát các sản phẩm bia giống như tăng cường kiểm soát rượu sẽ bảo đảm tính cảnh báo nguy cơ đối với người dân, đặc biệt là với giới trẻ, nhằm hạn chế sự hiểu nhầm hay truyền thông không phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, nhân dân vv... và sẽ điều chỉnh dự luật cho phù hợp, không hoàn toàn cấm bán rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn đảm bảo hạn chế nhóm người dưới 18 tuổi không tiếp cận với quảng cáo về chất có cồn ở trên mạng, hoặc trong không gian khác. Thứ trưởng mong muốn các nhà sản xuất, cơ quan bộ, ngành và toàn thể nhân dân hiểu rõ thông điệp của Bộ Y tế. "Nếu ta tiết kiệm được 1 đồng từ quảng cáo hạn chế cấm bán rượu bia, thì chúng ta sẽ được lợi ích rất nhiều từ sức khỏe của chính bản thân mình. Theo thống kê của các nước, 1 dollar mà chúng ta tiết kiệm được thì sẽ hưởng 9 dollar từ sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng thuận của xã hội và toàn thể nhân dân để cùng nhau xây dựng bộ Luật này thiết thực, hiệu quả và thực sự mạnh để hạn chế tác hại của rượu bia đối với mọi người" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ. |