Chiều 20/4, trao đổi với VietTimes, TS. Lê Việt Khánh – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết Bệnh viện đã tiếp nhận và cấp cứu cho một bé trai bị chó nhà cắn thương tâm.
Bé trai quê ở Thái Nguyên, năm nay mới 7 tuổi, nhập viện cấp cứu tối 19/4. Khi đến bệnh viện, em bé đã hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn, đa vết thương vùng đầu, mặt, cổ, ngực, vết thương cánh tay 2 bên, vết thương tầng sinh môn nhiều. Trước đó, em đã được cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, khâu vết thương, cầm máu và truyền máu rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
TS. Lê Việt Khánh đau xót chia sẻ, ngay khi tới bệnh viện, tình trạng của em bé đã quá nguy kịch. Mặc dù các bác sĩ của kíp trực đã cố gắng hết sức để cấp cứu và hồi sức tích cực cho em, nhưng bé vẫn không qua khỏi.
Theo gia đình của bé trai, “thủ phạm” gây ra cái chết thương tâm của bé là con chó pitbull do gia đình nuôi đã 2 năm nay.
Điều đáng lưu ý là việc cháu bé bị chó cắn tử vong không phải hy hữu. Vài tháng gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phải cấp cứu nhiều trường hợp chó nhà cắn trọng thương rất nguy kịch, thậm chí, tử vong. Điển hình là trường hợp cháu Vũ Đức Duy (9 tuổi, ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bị bại não từ nhỏ, nằm liệt một chỗ, bị 4 con chó nhà nuôi xông vào cắn xé, khiến bé mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, gần như cụt dương vật.
TS. Lê Việt Khánh – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
|
“Từ đầu năm đến nay, đã có quá nhiều trường hợp chó nhà cắn chết trẻ!” – TS. Lê Việt Khánh chia sẻ. Còn vào năm ngoái, TS Khánh phải bất lực không thể cứu sống một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội do những vết thương quá nặng vì bị chó ngao tây tạng do gia đình nuôi cắn.
TS. Lê Việt Khánh cho biết, các chấn thương do vật nuôi cắn trẻ em rất nghiêm trọng, đã có nhiều trường hợp chó cắn trẻ ở các trung tâm thần kinh, cơ quan sinh dục,… Đây đều là những bộ phận quan trọng của cơ thể người và sẽ để lại di chứng sau khi bị tổn thương.
Vì thế, người lớn không để cho trẻ nhỏ tiếp xúc với chó mèo, tuyệt đối không được để trẻ nhỏ ở một mình với vật nuôi trong nhà. Nếu gia đình nuôi chó thì cần giữ khoảng cách với trẻ ở mức độ an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra ngoài đường nhất định phải được rọ mõm, tiêm vaccine phòng bệnh dại định kỳ.
Bên cạnh đó, các gia đình phải rất cảnh giác với các vết thương do chó gây ra – kể cả đó là chó do gia đình nuôi. Nếu trẻ bị chó cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, cầm máu rồi nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.