Sẽ thế nào nếu chú cún hay chú miu cưng của bạn có thể nói chuyện thay vì chỉ biết sủa hoặc kêu meo meo? Chắc chắn lúc đó bạn sẽ biết được chúng yêu bạn đến mức nào – và có thể cả thái độ đầy hối lỗi khi chúng lật tung cả tấm thảm nhà bạn.
Tất cả chúng ta đều biết rằng chuyện đó chưa thể xảy ra. Nhưng những tiến bộ gần đây về công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) và công nghệ máy học đang mở ra khả năng biến giấc mơ có thể giao tiếp với động vật – tuy vẫn theo một cách hạn chế - trở thành hiện thực.
Với sự hỗ trợ của AI, các nhà khoa học đang nghiên cứu làm thế nào để dịch những âm thanh và biểu cảm trên khuôn mặt những chú thú cưng thành những ngôn ngữ mà con người có thể hiểu được. Những bước đột phá công nghệ gần đây trong đó có hệ thống AI đã giúp chúng ta nghe được hàng chục âm thanh mà những con khỉ đuôi sóc sử dụng để giao tiếp với nhau và một hệ thống AI giúp ta đọc biểu cảm trên khuôn mặt của những con cừu để xác định xem chúng có đang bị ốm hay không.
Bác sỹ Con Slobodchikoff, giáo sư danh dự về sinh vật học tại đại học Bắc Arizona và là tác giả của cuốn sách “Chasing Doctor Do little: Learning the Language of Animals”, là tác phẩm tiên phong trên lĩnh vực giao tiếp của động vật. Hơn 30 năm nghiên cứu về giống chó thảo nguyên, ông đã thấy rằng những chú chó Bắc Mỹ này có một dạng giao tiếp bằng âm thanh phức tạp, đó là ngôn ngữ của chúng.
Những chú chó thảo nguyên này có những tiếng sủa âm cao để cảnh báo cả đàn khi xuất hiện những con thú lớn. Giáo sư Slobodchikoff phát hiện ra rằng những tiếng sủa của chúng có âm lượng khác nhau tùy thuộc vào loại dã thú nào và kích thước của loài đó ra sao. Những chú chó này có thể kết hợp các tiếng sủa của chúng theo nhiều cách khác nhau và thậm chí có thể sử dụng những tiếng sủa đó để nói về màu sắc quần áo con người gần chúng.
Nhưng ông Slobodchikoff chưa hài lòng với việc chỉ mới hiểu được những con chó thảo nguyên này. Với sự giúp đỡ của một nhà khoa học về máy tính, ông đã phát triển một thuật toán giúp biến những âm thanh mà những chú chó này phát ra thành tiếng Anh. Và năm ngoái, ông đã thành lập một công ty có tên là Zoolingua với mục tiêu phát triển một công cụ tương tự giúp dịch tiếng các loại động vật, các biểu cảm khuôn mặt và chuyển động cơ thể của chúng.
“Tôi cho rằng nếu chúng ta có thể làm điều này với những chú chó thảo nguyên, thì chắc chắn chúng ta cũng có thể dịch được ngôn ngữ, biểu cảm gương mặt và chuyển động cơ thể của những giống chó và mèo khác”, ông nói.
Mọi việc vẫn chỉ mới ở giai đoạn đầu. Ông Slobodchikoff đang tích lũy hàng ngàn video về tiếng sủa và chuyển động cơ thể của các giống chó khác nhau. Ông sẽ sử dụng các video này để dạy một thuật toán AI về các tín hiệu giao tiếp của động vật. Thuật toán này cần phải giải thích rõ mỗi tiếng sủa hay cái vẫy đuôi của chó có ý nghĩa gì, và về điểm này con người phải đưa ra cách dịch của riêng họ. Nhưng ông Slobodchikoff hướng đến mục tiêu sử dụng nghiên cứu hiện nay bằng các thí nghiệm khoa học hơn là chỉ có suy đoán để giải mã ý nghĩa thực sự từ những biểu hiện của chó.
Mục đích cuối cùng của giáo sư Slobodchinoff là tạo ra được một thiết bị có thể dùng để dịch các tiếng sủa của chó thành từ tiếng Anh – ví dụ như câu “tôi muốn ăn, hay tôi muốn đi dạo”, ông Slobodchiknoff nói.
Giao tiếp của động vật có ý nghĩa gì với con người?
Có thể giao tiếp với động vật không chỉ có ý nghĩa giúp con người thắt chặt mối quan hệ tình cảm gần gũi hơn chúng, mà điều này còn giúp ta tránh phải suy đoán trong việc chăm sóc động vật và thậm chí còn cứu mạng chúng.
Chỉ riêng ở Mỹ, có khoảng 3 triệu chú chó và mèo bị giết chết mỗi năm – trong rất nhiều trường hợp là vì những hiện mà ta không hiểu được chúng. Nhưng một chú chó biểu hiện sự giận dữ có thể đơn giản bởi nó sợ - và nếu có công nghệ để hiểu được nỗi sợ hãi của nó, thì chúng ta có thể tìm được cách để cứu mạng chú. “Bạn có thể sử dụng thông tin đó thay vì dồn chú vào một góc tường, thì hãy cho chú nhiều không gian hơn”, ông Slobodchikoff nói.
Tương tự như vậy, công nghệ AI có thể biến nhiều thứ dễ dàng hơn cho những người nông dân và chủ trại chăn nuôi – ví dụ như giúp họ nhanh chóng xác định những con vật nuôi nào đang bị ốm bằng cách phát hiện những dấu hiệu đau đớn trên gương mặt chúng.
“Người nông dân cảm thấy khó khăn trong việc xác định bệnh tật trên những con cừu của họ”, tiến sỹ Krista McLennan, giảng viên về hành vi động vật tại đại học Chester, Anh. Bà đã phát triển một thước đo để dự đoán về mức độ đau đớn dựa trên các biểu cảm gương mặt của động vật – môi rụt, tai cụp...
Nhưng khi dạy người khác sử dụng thước đo này lại gặp khó khăn, tiến sỹ Peter Robinson, giáo sư đại học Cambridge, người đã phát triển các hệ thống máy tính để đọc các biểu cảm gương mặt con người, đã biến thước đo của tiến sỹ McLennan thành một thuật toán AI. Thuật toán chạy trên máy tính này được hiển thị bởi hàng trăm bức ảnh cừu – một số khỏe mạnh và một số thì không – thuật toán này sẽ học để cho con người biết những con vật nào đang bị ốm.
Mặc dù hiện nay chỉ mới hạn chế trong phòng thí nghiệm, nhưng công nghệ này một ngày nào đó có thể được thương mại hóa – có lẽ ở dạng một chiếc camera tự động chụp ảnh những con cừu khi chúng đi qua một chiếc cổng, ông Robinson nói. Nếu một con vật biểu hiện bị ốm, thì người chăn nuôi sẽ nhận được một thông báo tự động.
Một hệ thống như vậy sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc con người khám để biết những con vật nào đang bị ốm – và đáng tin cậy hơn nữa. “Lý do mà tôi khá lạc quan là trong nghiên cứu của mình với gương mặt của con người, thì hệ thống tự động này hoạt động cho ra kết quả chính xác hơn 10% so với con người đánh giá”, ông Robinson nói.
Ông Robinson và McLenna muốn mở rộng hoạt động của họ sang nhiều loài động vật khác – và có lẽ là cả nhiều dấu hiệu chỉ thị nữa chứ không chỉ có dấu hiệu về ốm đau. “Chúng tôi đang nghiên cứu về các dấu hiệu ốm đau bởi đây là yếu tố quan trọng nhất về chăm sóc động vật. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về các biểu hiện khác nữa. Một con cừu đang vui vẻ sẽ trông như thế nào và khi chúng buồn thì ra sao? Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm”, bà McLenna nói.
Chúng ta có thể thực sự hiểu được động vật?
Thậm chí nếu một chiếc máy dịch AI trở thành thực tế, thì điều này cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể giao tiếp thẳng thắn với thú cưng của mình. Có những khác biệt rất lớn giữa nhận thức của con người và của con vật, và chúng ta vẫn còn phải khá lâu nữa mới hiểu được chúng.
Một công nghệ có thể cho phép con người bước vào đời sống cảm xúc bí mật của những chú chó là chụp ảnh bộ não. Ở con người, công nghệ chụp cộng hưởng từ (fMRI) có thể được sử dụng để phát hiện các trạng thái thần kinh nhất định bằng cách chụp hoạt động của não.
“Tôi thấy rất có khả năng áp dụng công nghệ này với những chú chó, tiến sỹ Gregory Berns, nhà thần kinh học tại đại học Emory và là tác giả của cuốn sách “What It’s Like to be a Dog: And Other Adventures in Animal Neuroscience” nói. Ông Berns đã dạy những chú chó nằm xuống cho đến khi những máy quét não bên trong là chiếc máy đọc được hoạt động não của chúng. Những thí nghiệm của ông cũng mở ra cơ hội để nghiên cứu về khả năng con người biết được những chú chó đang nghĩ hay cảm thấy như thế nào – ví dụ, ông đã thấy rằng những chú chó xem chúng ta là bạn, và không chỉ khi chúng ta đưa tay mang thức ăn cho chúng.
“Hệ thống nhận biết sự biết ơn trong não những chú chó được kích thích nhờ sự tán dương của con người cũng như nhờ thức ăn mà ta cho chúng. Điều này càng củng cố thêm quan điểm rằng những chú chó cũng yêu thích mối quan hệ xã hội với con người”, ông Berns nói.
Rất có thể một ngày nào đó, công nghệ có thể giúp chúng ta làm được những điều như tiến sỹ Sbodchikoff hiện làm, từ đó con người có thể thắt chặt mối quan hệ ràng buộc tuyệt vời của mình với những chú thú cưng của mình.