Mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đặt ra trong năm 2014-2015 là cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, tuy nhiên đến hết tháng 3/2015 vẫn còn 262 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, tương đương hơn 60% doanh nghiệp.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước khó cán đích là chưa có Luật, Nghị quyết chuyên đề về cổ phần hóa của Quốc hội, chỉ đạo về cổ phần hóa chỉ "đan xen nhẹ nhàng" trong Nghị quyết chung của cả năm.
Theo ông Mão Chính phủ hiện đang có 3 Nghị định liên quan đến cổ phần hóa tuy nhiên vẫn kiến nghị việc phải coi cổ phần hóa 2015 và những năm tiếp theo là trọng điểm và có biện pháp giải quyết bằng được.
Ông Mão dự báo, đến hết năm 2015 khó hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra về việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong 2 năm do đó cần chiến lược dài hạn, cụ thể hóa trong Luật nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, tiến trình thực hiện, thủ tục thực hiện...
Trường hợp không có Luật cổ phần hóa, ông Mão nêu kiến nghị "nhỏ bé" hơn là cần Nghị định mang tầm vóc Luật quy định về nội dung trên.
Ngoài ra, cũng theo ông Vũ Mão, việc xác định quy mô doanh nghiệp, số tài chính, kinh phí ngân sách của Nhà nước phải được coi như công trình trọng điểm quốc gia mà Quốc hội thông qua.
"Quốc hội có Nghị quyết chương trình trọng điểm quốc gia có 5 tiêu chí thông qua trong đó tiêu chí hàng đầu là kinh phí, ngân sách. Trước đây 1 tỷ USD giờ là 1,5 tỷ USD trong khi những Tập đoàn của chúng ta có Tập đoàn 2- tỷ USD, tại sao Quốc hội không cho chủ trương? Ra Nghị quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tập đoàn nếu không thất thoát ghê gớm", ông Mão nói.
Thậm chí để ủng hộ quan điểm về việc cần Luật cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới còn đưa ra phân tích về việc hiện nay cổ phần hóa đang có “đặc thù” là các nhóm lợi ích vẫn hoạt động quá mạnh.
“Các nhóm lợi ích hoạt động quá mạnh, lăm le chiếm đoạt nguồn lợi nên tôi đồng ý với ý kiến của ông Vũ Mão cần Luật cổ phần hóa nhà nước”, ông Lược nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, cần có Luật cổ phần hóa vì tài sản của doanh nghiệp Nhà nước là tài sản của toàn dân.
"Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất phải giám sát xem khối tài sản khổng lồ của toàn dân được cổ phần hóa được sử dụng như thế nào, tài sản công không thể không có sự giám sát của Quốc hội được. Thước đo cuối cùng là để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn", bà Lan nói.
Theo Bizlive