|
Không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu trong tháng 1/2023 |
Dẫn số liệu tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 31/1/2023, chưa có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu trong năm 2023.
Theo đó, các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2013 hầu hết đều được thực hiện vào tháng 12/2022. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm đa số với 3.269,5 tỉ đồng phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10.637,8 tỉ đồng phát hành ra công chúng.
Ba đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty chứng khoán và bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3% .
Trong tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. VBMA cho biết, trong năm 2023 sẽ có khoảng 285.178 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.
|
Về kế hoạch phát hành sắp tới, CTCP Tập đoàn Masan đã công bố phương án chào bán ra công chúng 1.500 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 60 tháng với mức lãi suất cố định 9.5% trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên.
Ngoài ra, cũng trong tháng 1 và tháng 2/2023, ngân hàng TMCP Bắc Á có kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 hơn 2.564 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 và 8 năm.
Trong báo cáo “Nhìn lại 2022 và triển vọng thị trường vốn 2023”, FiinRatings ước tính trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ sẽ có điểm rơi đáo hạn vào các năm 2023 và 2024.
Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.
Dẫu vậy, FiinRatings vẫn kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua./.