Nhân dịp này, PV VietTimes đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam.
PV: Qua thực tế của năm 2020, rõ ràng dịch cúm Covid-19 đã góp phần thúc đẩy giáo dục trực tuyến ở Việt Nam. Ông có thể cho biết ý kiến trước thực tế này?
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Nhân đại dịch Covid-19, vừa qua, Hiệp hội ác trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đã nhanh chóng có công văn đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục nhanh chóng ứng dụng việc dạy học từ xa thông qua Internet và truyền hình. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận theo tinh thần là học sinh, sinh viên không đến trường nhưng vẫn thực hiện được việc dạy và học.
Đặc biệt, với các trường đại học, cao đẳng, do đã có điều kiện cơ sở vật chất nên việc dạy học trực tuyến có kết quả rất tốt. Tuy nhiên, với giáo dục phổ thông thì chỉ có những nơi có điều kiện thuận lợi về Internet như Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn mới có thể làm tốt việc này. Còn với rất nhiều địa phương khác thì đành phải nhờ các đài truyền hình cùng tham gia. Nhờ vậy, năm học 2019 – 2020 mặc dù phải đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng đã kết thúc thắng lợi.
PV: Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang là thách thức lớn với giáo dục Việt Nam trong đó có giáo dục đại học. Hiệp hội và các trường đại học ,cao đẳng cần phải làm gì trước những thách thức này?
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng mới. Vì thế, việc đầu tiên là phải làm cho mọi người nhận thức được về những nội dung của nó. Cách đây 3 năm, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức một hội thảo về CMCN 4.0. Sau đó, có thể nói CMCN 4.0 đã lan toả tới các cơ quan Chính phủ, các ngành, các cấp, nhất là trong giáo dục. Chúng tôi đã mời các chuyên gia đến từ nước Đức để nói rõ thế nào là CMCN 4.0.
Tiếp sau đó, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo ở cả 3 miền để để giúp các trường có nhận thức đúng đắn về CMCN 4.0. Sau đó, chính các trường cũng tổ chức các hội thảo và sinh hoạt chuyên đề về CMCN 4.0. Điều này cho thấy, việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, cùng với đó là cần huấn luyện về kỹ thuật để những người thầy có kỹ năng áp dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục.
Nói chung, chúng ta còn phải tiếp tục làm những công việc này và thêm vào đó là hạ tầng kỹ thuật cần phải được tăng cường. Và chỉ khi sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật thì mới có khả năng để thực hiện chuyển đổi số thực sự trong giáo dục.
PV: Trong CMCN 4.0 thì thực tế có thể thấy rõ là sẽ không ai đợi ai. Vậy theo ông, mối quan hệ giữa thầy và trò trong cuộc cách mạng này phải như thế nào?
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Tất nhiên, mối quan hệ giữa thầy và trò trong CMCN 4.0 vẫn phải là "tôn sư trọng đạo" theo truyền thống. Tuy nhiên, các nhà trường phải phát triển từ nhà trường kỹ thuật số đến nhà trường thông minh.
"Trứng phải khôn hơn vịt" thì chúng ta mới có máy bay, tàu ngầm |
Rõ ràng, không chỉ trong CMCN 4.0 thì trò không nên đợi thầy và phải chủ động tiếp cận cái mới, bởi dân gian ta có câu “Con hơn cha nhà có phúc” và cần phải nói thêm là “Trò vượt thầy thì đất nước có tương lai”. Chính vì thế, người thầy trong mọi thời đại phải ý thức được việc đào tạo ra những thế hệ học trò giỏi hơn mình. Những thành tựu khoa học mà chúng ta có được ngày nay chính là nhờ các thế hệ học trò biết vượt lên qua những kiến thức mà các bậc thầy cung cấp cho họ.
Xin cám ơn ông!