PV: Mặc dù giáo dục đại học ngày nay là theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, có một số ngành Nhà nước vẫn phải đầu tư. Ông nghĩ gì về thực tế này?
PGS TS Lê Phước Minh: Trước hết, phải nhận thức rõ giáo dục đại học là dịch vụ công. Sản phẩm đầu ra của các trường đại học là phục vụ nhu cầu của cả nhà nước và thị trường. Trong một trường đại học cụ thể, có những ngành đào tạo mà đầu ra chủ yếu nhằm phục vụ khu vực dịch vụ công của Nhà nước, thì các trường đại học có đào tạo các ngành đó có tính công lập cao. Còn với các ngành học mà có thể làm việc cả cho Nhà nước, tư nhân hay nước ngoài thì thiên hơn về thị trường.
Do vậy, trong giáo dục đại học cũng chia ra những trường, những ngành học có tính công cao hơn, hay ngược có tính tư nhân hơn. Việt Nam chủ trương phát triển giáo dục đại học theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết có thể ví dụ như với hệ thống các trường đại học sư phạm hay trường đại học có ngành đào tạo sư phạm, nơi mà sinh viên ra trường phần lớn làm việc cho khu vực giáo dục công lập. Tất nhiên, cũng có những sinh viên đi dạy cho trường tư nhưng kể cả như thế thì vẫn nghiêng về lĩnh vực phục vụ cho cộng đồng.
Không chỉ đối với đào tạo giáo viên phổ thông, còn rất nhiều ngành mà Nhà nước có nhu cầu, Cụ thể như khí tượng thuỷ văn, bảo vệ rừng, môi trường, quy hoạch đô thị, thuỷ lợi, an toàn thực phẩm… Đó là những ngành mà Nhà nước nên đào tạo sinh viên thành công chức và nuôi họ để sau này trở thành công bộc của sự nghiệp bảo vệ quyền lợi người dân. Sinh viên theo học những ngành này cần được cấp học bổng và tuyển dụng rất khắt khe với khu vực Nhà nước. Còn đương nhiên, nếu học ra mà không phục vụ cho sự nghiệp Nhà nước thì phải hoàn trả toàn bộ học phí và chi phí liên quan khác.
Mặt khác, những ngành như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, xây dựng, kinh tế - thương mại, quản trị kinh doanh, … thì mang tính thị trường cao hơn. Do vậy, Dự án Giáo dục Đại học ngay từ đầu đã phân tách những ngành học mang tính công và mang tính tư. Dự án đã đề xuất nên áp dụng học phí phân biệt, phải có những mức học phí khác biệt giữa các ngành học khác nhau. Với hệ thống sư phạm, sinh viên không những được miễn học phí mà còn được cấp học bổng để yên tâm học tập và rèn luyện. Còn với các ngành học mang tính thị trường như đã nói thì đương nhiên phải đóng học phí 100%, thậm chí mức học phí là rất cao. Với cơ chế này, chúng ta có thể phân luồng để sinh viên theo cơ chế thị trường, để sinh viên được quyền chọn lựa ngành học một cách linh hoạt hơn và phù hợp hơn về nhu cầu và khả năng đáp ứng.
PV: Ông nghĩ gì về các đại học do nước ngoài đầu tư ở Việt Nam?
PGS TS Lê Phước Minh: Trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, không phải quốc gia nào cũng mở cửa thực sự với đầu tư nước ngoài trong giáo dục. Theo tôi được biết RMIT là trường được thành lập theo Luật Đầu tư Nước ngoài, sau này các trường ra đời sau phải thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học, hoạt động theo điều lệ trường đại học. Hợp tác quốc tế trong giáo dục có rất đa dạng, nhiều mô hình, tuy nhiên hầu hết các quốc gia đều rất cẩn trọng với các mô hình đầu tư 100% vốn từ nước ngoài. Thị trường giáo dục không nên là thị trường đóng nhưng phải có sự giám sát của nhà nước cao hơn so với các lĩnh vực đầu tư nước ngoài khác, bởi vì nó liên quan đến con người. Mô hình liên doanh, liên kết, như các mô hình trường đại học như Việt – Pháp, Việt – Nhật, Việt – Đức được ưu tiên, khuyến khích.
Theo tôi, mô hình hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học là rất cần vì chúng ta cần mô hình quản trị và chất lượng giáo dục đại học của các nước tiên tiến. Nhưng chúng ta không thể nhường hẳn sân chơi này cho phía nước ngoài. Vì các trường đại học có yếu tố nước ngoài được quyền thu học phí theo mức riêng của họ. Trong khi các trường của chúng ta chưa có cơ chế cho phép tiếp cận mức học phí cao với chất lượng cao để xã hội chấp nhận được. Nếu để có quá nhiều đại học do nước ngoài đầu tư sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng.
PV: Ông nghĩ gì về thực tế ở Mỹ khi những người không có bằng cấp như Thomas Edison và Bill Gates vẫn được các trường đại học trân trọng mời đến thuyết trình?
PGS TS Lê Phước Minh: Chúng ta đều thừa nhận trong xã hội có những người là thiên tài. Và khi đã là thiên tài thì thậm chí họ không cần đào tạo qua trường lớp, không lấy một bằng cấp cụ thể nào cả, nhưng các thiên tài có khả năng đặc biệt nên trí tuệ của họ có được là do có sự tự học hỏi với khả năng bẩm sinh đặc biệt, thậm chí hơn hẳn những gì mà các chương trình dạy học có thể đem lại. Cho nên, vấn đề với họ không còn là bằng cấp nữa. Như vậy, việc các trường đại học và xã hội phải thừa nhận họ cũng là thực tế. Khi giá trị của các thành quả do họ đem lại đã được xã hội công nhận thì vấn đề bằng cấp trở thành rất mờ nhạt.
Nhà tỷ phú công nghệ thành đạt Bill Gates nói chuyện tại ĐH Bách khoa Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006. Ảnh: VnExpress. |
Ngoài những nhà khoa học không bằng cấp như Bill Gates và Thomas Edison, phải kể đến những người thành đạt trong kinh doanh mặc dù không có bằng cấp. Rất nhiều người tự gây dựng cơ nghiệp chứ không phải là thừa hưởng gia tài. Các trường đại học đương nhiên mong muốn sinh viên của họ cơ cơ hội tiếp xúc với những người thành đạt. Tuy nhiên, những người này có thể thuyết trình cho sinh viên nhưng không phải về khoa học mà là để hun đúc tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, kinh nghiệm kinh doanh… mà không phải là giảng dạy một phần hay một học phần trong chương trình đào tạo chính khoá.
Theo tôi, ngay cả Việt Nam nên chăng cũng cần như vậy. Chúng ta nên tạo nhiều hơn cơ hội cho những người thành đạt đến chia sẻ kiến thức cho sinh viên. Thậm chí, một bác nông dân dám chế tạo máy bay trực thăng, tàu ngầm hay đơn giản hơn là máy nông nghiệp… cũng hoàn toàn có thể chia sẻ với sinh viên.
Song cần phải nhớ rằng điều này không có nghĩa là thay thế cho một giảng viên của một học phần nào đó. Vì đại học luôn có nguyên tắc và khuôn phép, thậm chí ít nhiều mang tính bảo thủ nhất định, trong đó giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ, ít nhất là thạc sĩ, phải có chứng chỉ nghiệp vụ như là giấy phép hành nghề giảng dạy, kèm thoe nhiều điều kiện về nghiên cứu khoa học và bài viết khác. Nhưng diễn thuyết cho sinh viên về tinh thần, ý chí dám nghĩ, dám làm, tinh thần khởi nghiệp… thì với những người không có bằng cấp là hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng những hoạt động ngoại khoá đó không thể thay thế cho một học phần nào và những người như vậy không thể làm thầy chính thức được.
PV: Qua tìm hiểu thực tế với không ít du học sinh Việt Nam, điều dễ nhận thấy là nhiều người được phía nước ngoài tạo điều kiện về nước lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp. Ông nghĩ gì về thực tế đó?
PGS TS Lê Phước Minh: Cá nhân tôi chưa có đủ thông tin để đánh giá về thực tế này. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá hội nhập thì có rất nhiều vấn đề chúng ta nên công khai, tạo cơ hội tiếp cận, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Ngoại trừ những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, bí quyết công nghệ… thì chúng ta cần phải giữ theo luật và các quy định khác. Còn lại các số liệu về các lĩnh vực khác, với mức độ chi tiết, công khai theo quy định, thì các du học sinh khi về nước hoàn toàn có thể khai thác theo căn cứ của Luật Tiếp cận Thông tin.
Khi đã hội nhập quốc tế, nếu chúng ta muốn tìm hiểu, học hỏi nước ngoài thì cũng phải để nước ngoài biết về chúng ta. Vì thế, không nên quá quan ngại thực tế này mà nên tranh thủ để có lợi cho đất nước với những nghiên cứu đó của các du học sinh. Đương nhiên, chúng ta phải tin vào tinh thần trách nhiệm của các du học sinh với đất nước. Còn những ai cố tình tiếp cận các nguồn thông tin mật hoặc không được phép thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật định.
PV: Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang là thách thức rất lớn với giáo dục đại học Việt Nam. Ông nghĩ gì về điều này?
PGS TS Lê Phước Minh: Trước khi nói về giáo dục đại học, tôi muốn nói rộng ra tới giáo dục phổ thông. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép học sinh trung học được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học. Và giáo viên đương nhiên cũng được dùng để tra mạng trong quá trình giảng dạy. Như thế, học sinh hoàn toàn có thể tra cứu để kiểm chứng các kiến các kiến thức được học ngay trong giờ lên lớp. Rõ ràng, đây là thực tế không đơn giản cho giáo viên hiện nay và đúng là thách thức khiến họ phải đào sâu các kiến thức không chỉ có trong sách giáo khoa.
Với giáo dục đại học, sinh viên có thể vào Internet để tự học với các học liệu mở của các đại học danh tiếng trên thế giới và tiếp cận các nguồn kiến thức vô hạn. Đó là thách thức cho chính các giảng viên đại học và các chương trình đào tạo ở các trường đại học. Nếu như các bậc thầy không quyết tâm học hỏi liên tục và suốt đời, mà chỉ giảng dạy các kiến thức không cập nhật thì sinh viên nếu lịch sự sẽ không nghe nữa. Mà không lịch sự thì thậm chí có thể nói thẳng rằng đó là những kiến thức đã lạc hậu. Trong điều kiện của thời đại Cách mạng 4.0, nếu sinh viên có ý chí tự học thì có thể tự đi xa lắm, ra ngoài khuôn khổ của chính trường đại học cấp bằng cho họ. Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội đặc biệt với mọi sinh viên.
PGS TS Lê Phước Minh: "Trong điều kiện của thời đại Cách mạng 4.0, nếu sinh viên có ý chí tự học thì có thể tự đi xa lắm" |
Do vậy, sẽ có một số trường đại học mới thành lập, nhưng sẽ có cơ hội cất cánh nếu chủ động với tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng 4.0. Trong khi đó, sẽ có một số trường đại học tên tuổi và có bề dày sẽ dần vị thế, khó tuyển sinh nếu bỏ lỡ thời cơ của cuộc Cách mạng 4.0.
PV: Cuối cùng, với tư cách là người đứng đầu Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam, xin ông cho biết Hội đã và sẽ làm gì để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học?
PGS TS Lê Phước Minh: Trong những năm gần đây, chúng tôi đã nỗ lực tiếp cận với các đại học, viện nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Mục tiêu đặt ra là làm sao nâng cao suy nghĩ, tầm nhìn và khích lệ thế hệ trẻ Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức những hoạt động để các chuyên gia có uy tín trong nước, quốc tế chia sẻ những kiến thức mới để khơi dậy khát vọng học tập, nghiên cứu cho trí thức trẻ và sinh viên. Vấn đề là làm sao trí thức trẻ và sinh viên phải thay đổi suy nghĩ để thấy rõ được thời cơ và thách thức, nếu không có ý chí vươn lên thì rất có thể trong tương lai sẽ không làm chủ được vận mệnh của chính bản thân mình.
PV: Xin cám ơn ông!