GS TS Trần Hữu Nghị : Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  GS TS Trần Hữu Nghị - Chủ tịch Hội đồng trường của Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng là một người điển hình có quan điểm sòng phẳng trong giáo dục. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, PV VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với ông.

GS TS Trần Hữu Nghị - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng
GS TS Trần Hữu Nghị - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng

PV:Theo chúng tôi được biết, Giáo sư là người có quan điểm rất rõ ràng về giáo dục trong cơ chế thị trường, khi mà người học phải chi trả học phí. Xin Giáo sư có thể nói rõ về quan điểm này.

GS TS Trần Hữu Nghị: Thực tế hiện nay, sinh viên các trường công lập và tư thục đều phải đóng học phí. Thậm chí, có những trường công lập sinh viên phải đóng học phí ở mức cao hơn trường tư thục. Nói cách khác thì cơ chế thị trường không chỉ tác động đến các trường tư thục mà còn tác động đến trường công lập khác.

Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (trước đây là Trường Đại học Dân lập Hải Phòng) không hưởng nguồn ngân sách của Nhà nước, chỉ có nguồn thu từ học phí của sinh viên. Thực hiện lời Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập nhà trường đã thực hiện mục tiêu phấn đấu của mình “Chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường”.

"Từ chối đào tạo" chứ không phải là "đuổi học"

Chia sẻ quan điểm với nhiều đồng nghiệp, GS TS Trần Hữu Nghị cho biết, với các sinh viên vi phạm kỷ luật ở trường, ông không dùng thuật ngữ "đuổi học" mà là "từ chối đào tạo". Việc sử dụng thuật ngữ này có lý do vì nhà trường thu học phí của sinh viên.

Ở Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng còn có một điểm khác biệt nữa là thay vì thuê một đội ngũ quản lý ký túc xá và bếp ăn tập thể thì công việc này được giao cho sinh viên để tự quản.

Bởi vì cơ chế thị trường coi giáo dục là dịch vụ và chỉ khi có chất lượng, chỉ khi đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì nhà trường mới có thể tồn tại. Với phương châm hành động “Học thật, thi thật để ra đời làm thật”, trong suốt 23 năm tồn tại và phát triển của mình, trường đã nỗ lực phấn đấu đạt được thành tích đáng tự hào là 1 trong 25 trường đại học của Việt Nam sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao đạt 93,46% (theo công bố khảo sát của Dự án Mekong).

PV: Đào tạo đại học là đào tạo những người chủ của tương lai cho đất nước. Vậy ngoài việc đào tạo những kiến thức chuyên môn cho sinh viên, cá nhân Giáo sư và Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã và sẽ làm gì cho mục tiêu này?

GS TS Trần Hữu Nghị: Từ những năm đầu, các chương trình đào tạo của nhà trường đều gắn với thực hành, thực tế; quan điểm và định hướng của trường là đào tạo đội ngũ đủ mạnh về lý thuyết và kỹ năng. Chúng tôi triển khai quá trình đào tạo với phương châm học là phải làm được. Sinh viên của trường, ngoài thời lượng đáng kể cho quá trình thực hành tại doanh nghiệp, chúng tôi thường xuyên kết hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức cho các em đi thực tế tại những thời điểm thích hợp trong suốt quá trình đào tạo. Chính vì vậy, sinh viên có khả năng thích ứng với môi trường công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Những cử nhân tương lai trong khuôn viên Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng

Những cử nhân tương lai trong khuôn viên Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng

Các chương trình đào tạo của Nhà trường định hướng ứng dụng. Ngoài kiến thức chuyên môn, Nhà trường còn tập trung giúp sinh viên phát triển kỹ năng, rèn luyện phẩm chất nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Kỹ năng mềm đã được giảng dạy ở trường nhiều năm nay. Sinh viên được tham gia, trải nghiệm các hoạt động thực hành, thực tế, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện, nhân đạo, từ thiện nên có nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng và phát triển nhân cách, phẩm chất. Các hoạt động Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên góp phần không nhỏ giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm, thích ứng với môi trường làm việc khác nhau.

Ngoại ngữ và tin học, 2 chìa khóa giúp các em mở ra cánh cửa tri thức và hội nhập tốt trong thời đại ngày nay. Là một trong những trường đi đầu trong việc đào tạo tin học cho sinh viên, 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chứng chỉ tin học quốc tế ICDL.

Tư tưởng giáo dục của trường không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn con người, mà nội dung giáo dục phải có có tính bao quát, sâu xa, nhằm tạo ra đội ngũ trí thức trẻ phát triển một cách toàn diện, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khỏe và thẩm mỹ đúng với sứ mạng của trường“Coi trọng sự năng động và sáng tạo, kiến thức và trí tuệ, tính nhân văn và trách nhiệm với xã hội. Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng luôn nỗ lực không ngừng nhằm cung cấp cơ hội học tập có chất lượng tốt nhất giúp sinh viên phát triển toàn diện trí lực, thể lực và nhân cách. Sinh viên tốt nghiệp của trường là người hiểu rõ bản thân, làm chủ và sử dụng sáng tạo kiến thức phục vụ cộng đồng và xã hội”.

Tôi tin rằng với sự trang bị đầy đủ từ kiến thức, đến kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên của trường đã tự tin hơn, cạnh tranh tốt hơn trong thị trường lao động và làm việc hiệu quả hơn sau khi ra trường.

PV:Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang là một thách thức rất lớn với giáo dục đại học. Xin Giáo sư cho biết, các trường đại học của chúng ta trong đó có Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng sẽ phải làm gì trước thách thức trong một cuộc cách mạng mà không ai đợi ai này?

GS TS Trần Hữu Nghị: Thực tế, trong tất cả các cuộc cách mạng từ xưa đến nay đều là không ai đợi ai cả. Những người có khả năng đi tiên phong trong các cuộc cách mạng đều được các nhà nước và xã hội hỗ trợ tối đa để họ đi nhanh hơn, vượt lên trước nhằm tạo lợi ích tối đa cho cộng đồng.

Rõ ràng là bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội hiện tại đều đang có những chuyển biến rất mạnh, nhiều cơ hội việc làm nhưng cạnh tranh cũng rất khắc nghiệt không phải chỉ có sinh viên ta với nhau mà còn với cả người nước ngoài ở chính đất nước của chúng ta. Sự phân hóa mạnh mẽ giữa người có kiến thức, kỹ năng, năng lực tốt, đáp ứng được nhu cầu của xã hội với những người “bình thường” về mọi mặt ngày càng lớn.

Về phía nhà trường, sau khi chuyển đổi xong loại hình từ dân lập sang tư thục, hiện nay đang tập trung xây dựng lại chương trình đào tạo với định hướng là sẽ gắn kết chặt chẽ hơn nữa với yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Định hướng chương trình đào tạo ứng dụng đòi hỏi Nhà trường phải tăng cường thời lượng và chất lượng thực hành thực tế cho sinh viên tại các doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ cần phải giải quyết thật tốt trong thời gian tới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội nếu chúng ta có thể nắm bắt.

Đất nước đang trên đà đổi mới và hội nhập quốc tế, để đáp ứng với nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm tới đây, trường trang bị cho sinh viên 3 ngôn ngữ chính đó là ngôn ngữ tiếng Việt, ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ lập trình. Bên cạnh đó nhà trường thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo, nghiên cứu mở thêm các ngành đào tạo mới phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như:

- Hệ thống nhúng và robot;

- Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu…

Nhìn từ góc độ của một nhà quản lý giáo dục, tôi có thể nhận thấy rõ ràng những khác biệt mà cuộc cách mạng này sẽ mang lại cho giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Thứ nhất, là người học có thể học mọi lúc, mọi nơi. Sinh viên có cơ hội tham dự các chương trình mà họ mong muốn không hạn chế về thời gian và khoảng cách địa lý. Các công cụ học trực tuyến sẽ giúp đẩy mạnh những cơ hội học tập cho sinh viên ở vùng sâu, vùng xa. Người học có cơ hội tiếp cận giáo dục từ bất kỳ nơi nào miễn là họ được trang bị kỹ năng tiếp cận kiến thức ở thời đại mới.

Thứ 2, công nghệ giúp đề cao tính cá nhân hóa trong học tập. Người học sẽ chủ động hơn trong sử dụng các công cụ học tập, phù hợp với năng lực từng người. Điều này giúp người học có những trải nghiệp học tập tích cực hơn, bên cạnh đó giáo viên sẽ hiểu rõ những đặc điểm cần phải hỗ trợ người học của mình

Thứ 3 là tính linh hoạt. Rõ ràng tất cả các môn học/khóa học đều nhắm tới 1 mục đích nhất định, tuy nhiên con đường đi đến cái đích của mỗi người có thể khác nhau. Vấn đề này sẽ dễ dàng được giải quyết trong thời đại công nghệ 4.0 với việc kết hợp các lớp học truyền thống và hình thức giảng dạy trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành quy định về việc này.

Thứ 4, chương trình đào tạo và thi cử cũng có thể thay đổi. Học viên có thể tham gia các khóa học theo hình thức tín chỉ hoặc thực hiện các dự án. Lớp học sẽ được điều chỉnh. Kiến thức lý thuyết có thể được học ngoài phạm vi lớp học truyền thống trong khi đó các chương trình thực hành sẽ được dành thêm nhiều thời lượng trong chương trình.

Rõ ràng để nắm bắt cơ hội này, các trường đại học nói chung và chúng tôi nói riêng trước hết cần chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực giúp thực hiện tốt quá trình chuyển đổi số.

Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và người lao động giúp họ thích ứng và tiên phong trong quá trình tổ chức đào tạo theo hình thức mới, từ điều chỉnh chương trình đào tạo tới thay đổi phương pháp giảng dạy và đánh giá. Chính họ là người giúp cho công cuộc đổi mới này thành công.

PV: Xin cám ơn giáo sư!