Không cần “thái tử” Lee Jae-yong, Samsung vẫn sống tốt

Trong khi Samsung Electronics trở thành công ty công nghệ có lợi nhuận lớn nhất thế giới vào cuối tháng qua, thì Lee Jae-yong, người nắm mọi quyền hành của Samsung đã bị bắt giam do bê bối hối lộ và tham nhũng.
Một cửa hàng của Samsung tại Seoul, Hàn Quốc. Với lãi ròng 10 tỷ USD trong quý vừa qua, Samsung Electronics đã vượt mặt Apple để trở thành công ty công nghệ có lợi nhuận lớn nhất thế giới. (Ảnh: Assiociated Press)
Một cửa hàng của Samsung tại Seoul, Hàn Quốc. Với lãi ròng 10 tỷ USD trong quý vừa qua, Samsung Electronics đã vượt mặt Apple để trở thành công ty công nghệ có lợi nhuận lớn nhất thế giới. (Ảnh: Assiociated Press)

Theo The New York Times, Lee Jae-yong, Phó chủ tịch và là người thừa kế của tập đoàn Samsung đang phải đối mặt với những cáo buộc rằng ông đã hối lộ các quan chức chính phủ Hàn Quốc để gia tăng quyền lực trong tập đoàn Samsung. Vào ngày 7/8 vừa qua, các công tố viên đã đưa ra mức án đề nghị cho ông Lee là 12 năm tù giam.

Ngược lại, Samsung dường như vẫn "sống tốt" mà không cần ông chủ của mình. Tập đoàn công nghệ này đã thu về lợi nhuận 10 tỷ USD trong quý qua, do nhu cầu mua các con chip xử lý của hãng từ các công ty khác là rất lớn. Samsung cũng đã vượt qua được quãng thời gian khó khăn khi chiếc Galaxy Note 7, một smartphone cao cấp cạnh tranh trực tiếp với iPhone của Apple đã mắc lỗi thiết kế dẫn đến cháy nổ, trở thành một trong những thất bại "ngoạn mục" nhất của thế giới công nghệ.

Câu hỏi được đặt ra là Samsung có thể đi được cả hai con đường này trong bao lâu.

Theo các chuyên gia, dù ông Lee có phải vào tù, hay danh tiếng của ông bị hủy hoại, vẫn chưa thể biết rõ liệu đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp, những người báo cáo trực tiếp cho gia đình ông Lee, có thể đưa ra những quyết định chiến lược cần thiết để giữ Samsung ở đà tăng trưởng hay không.

Kim Woochan, giáo sư tài chính tại Trường Quản trị Kinh doanh Hàn Quốc tại Seoul nhận định: "Những gì mà Samsung thể hiện trong thời gian gần đây gần như không liên quan đến sự điều hành của các cấp lãnh đạo. Họ chỉ đang bám víu vào ngành công nghiệp chất bán dẫn mà thôi".

Phiên tòa xét xử ông Lee, còn được biết đến ở phương Tây với cái tên Jay Y.Lee đã kết thúc vào ngày 7/8, và các công tố viên cũng đang hướng đến mức án 10 năm tù giam cho một nhóm các giám đốc điều hành khác của Samsung. Một phán quyết của vụ án có liên quan đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.

Ông Lee khẳng định rằng mình vô tội, nhưng là một nhân vật cấp cao của Samsung, ông cảm thấy mình "có trách nhiệm" trong vụ bê bối này: "Tôi đã tự cam kết với bản thân rằng khi tôi nắm toàn quyền, tôi sẽ làm những điều đúng đắn, tuân thủ pháp luật và trở thành một doanh nhân được xã hội và người dân tôn trọng. Trong tôi tràn đầy những cảm xúc lẫn lộn khi thấy bản thân phải đứng trước vành móng ngựa trong khi chưa thể thực hiện những lời hứa của mình".

Samsung đã phải đối mặt với những vấn đề pháp lý của gia đình ông Lee, bên cạnh một trong những thất bại lớn nhất về an toàn sản phẩm trong thời gian qua. Samsung Electronics đã phải ngừng sản xuất điện thoại Galaxy Note 7, thu hồi hàng triệu thiết bị với thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD. Các sân bay thông báo cấm mang Note 7 lên máy bay vì viên pin lithium ion đã trở thành biểu tượng của công ty đang chìm trong khủng hoảng. Vào tháng 10 năm ngoái, Samsung cho biết chi phí thu hồi và ngưng kinh doanh Note 7 đã quét sạch 95% lợi nhuận của mảng kinh doanh điện thoại của họ.

Nhưng không có bất kì điều gì trong số chúng có thể cản được bước tiến của Samsung.

Yoo-Kyung Park. chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tại APG Asset Management, một công ty hoạt động bằng quỹ hưu trí của Hà Lan có nắm giữ cổ phần của Samsung Electronics cho biết: "Samsung đã học hỏi khá nhanh việc kiểm soát khủng hoảng".

Bà Park công nhận những công lao của các nhà quản lý của Samsung Electronics trong việc nhanh chóng khắc phục những vết thương do Galaxy Note 7 để lại. Theo bà, nhiều công ty Hàn Quốc khác sẽ chỉ chấp nhận thất bại một cách miễn cưỡng – một cách tiếp cận mà đặc trưng là "trì hoãn, phủ nhận, phủ nhận và phủ nhận" – nhưng Samsung đã nhanh chóng loại bỏ sản phẩm của mình, hứng chịu những tổn hại và tiếp tục tiến về phía trước.

Những người tiêu dùng cũng vậy: Chiếc Galaxy S8, sản phẩm lớn tiếp theo của công ty sau Note 7 có doanh số rất tốt, góp phần vào sự hồi phục của Samsung.

Lee Jae-yong trong phiên tòa tại Seoul vào ngày 7/8 vừa qua. (Ảnh: Ahn Young-Joon)

Samsung Electronics là phần có giá trị nhất trong nhóm các công ty của Samsung, bao gồm các doanh nghiệp đa dạng như công trường xây dựng hay công viên giải trí. Doanh thu của Samsung Electronics đã tăng 20% trong quý vừa qua, làm tăng lãi ròng lên gần 90%. Giá cổ phiếu của công ty cũng tăng lên các mức kỉ lục.

Ngược lại, Apple chỉ thu về 8,7 tỷ USD trong cùng kì, nhưng các nhà phân tích đều dự đoán lợi nhuận cả năm của Apple sẽ lớn hơn Samsung, nguyên nhân là do iPhone 8 vẫn chưa ra mắt.

Các nhà phân tích cũng cho rằng Samsung đang được hưởng lợi từ những khoản đầu tư trong quá khứ. Một thập kỉ trước, họ đã rót tiền đầu tư vào các sản phẩm bán dẫn và màn hình kĩ thuật số, những thành phần quan trọng của điện thoại thông minh và những thiết bị hiện đại khác, và ngày nay Samsung đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới của cả hai lĩnh vực này, với mức doanh thu tương xứng.

Những khoản đầu tư này đã được chính ông Lee Kun-hee, Chủ tịch của Samsung và là bố của ông Lee Jae-yong, người có công rất lớn trong việc biến công ty trở thành siêu cường thế giới đích thân ra lệnh. Ông đã không còn khả năng điều hành công ty sau một cơn đau tim vào năm 2014, và Lee Jae-yong trở thành người nắm mọi quyền lãnh đạo ở Samsung Electronics.

Câu hỏi lớn cho tương lai của Samsung là liệu gia đình ông Lee có thể duy trì được tầm kiểm soát của họ - và điều đó có tốt cho kinh doanh hay không. Ngay cả khi ông Lee không bị kết tội, Tổng thống mới của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in đã hứa sẽ thực hiện các biện pháp nhằm làm suy yếu sự thống trị của các tập đoàn, hay còn gọi là "chaebol", tới nền kinh tế Hàn Quốc.

Ông Lee Jae-yong bị buộc tội hối lộ bà Park, cựu Tổng thống, để có thể sát nhập hai chi nhánh của Samsung vào năm 2015, đồng thời giúp ông giữ vững vị trí chủ tịch của mình. Các công tố viên cho biết ông Lee và một nhóm giám đốc điều hành khác của Samsung đã tặng 38 triệu USD cho bà Park và một người bạn thân tín của bà là Choi Soon-sil. Tuy nhiên, ông vẫn "giả nai" và khẳng định rằng mình là nạn nhân của một vụ tống tiền.

Các thủ tục tố tụng xét xử của tòa án, thứ mà các công tố viên đã gọi là "phiên xử của thế kỷ" đã kéo dài 4 tháng và được các phương tiện truyền thông cũng như công chúng đặc biệt quan tâm. Trong số 53 buổi của phiên tòa, có một số buổi kết thúc vào lúc nửa đêm. 59 nhân chứng đã xuất hiện, bao gồm ông Lee, các giám đốc của Samsung và cựu thành viên của nội các. Bà Park đã từ chối làm chứng.

Các công tố viên vào ngày 7/8 đã cáo buộc ông Lee cố tình đổ lỗi cho cấp dưới. Trước đó, Choi Gee-sung, cựu Giám đốc Văn phòng Chiến lược Tương lai của Samsung, đã xác nhận rằng ông đã kí kết các khoản đóng góp cho các cơ sở thuộc quyền kiểm soát của bà Choi mà không thông báo cho ông Lee.

Giáo sư Kim Woochan cho rằng phiên tòa và những bê bối xung quanh đã cho thấy ông Lee không phù hợp để điều hành Samsung. Tuy nhiên, ông dự đoán, dựa trên lịch sử của Samsung và các tập đoàn mà người sáng lập bị vướng vào vòng lao lý, ông Lee sẽ cố gắng "lật kèo" bằng bất cứ giá nào.

"Nếu như giá cổ phiếu của công ty giảm, họ có thể đưa ra lập luận rằng "ông Lee có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của Samsung", ông nói. "Nhưng đây không phải là vấn đề chính".

Các nhà lãnh đạo của những tập đoàn lớn hiếm khi phải dành thời gian trong tù, bất chấp bị kết án ra sao. Lee Kun-hee đã từng bị kết án về tội vi phạm sự tín nhiệm liên quan đến giao dịch kinh doanh trong những năm 90, cho phép Lee Jae-yong tích lũy cổ phần của mình trong các công ty của Samsung, nhưng sau này ông cũng đã được ân xá.

Ông Kim nhận xét, với việc sự giám sát chính trị và xã hội tới các "chaebol" ngày càng mạnh mẽ, ông Lee Jae-yong có thể sẽ phải đối mặt với một chặng đường gian nan hiểm trở hơn.

"Cả đất nước Hàn Quốc đang dõi theo vụ việc này", ông nói.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư
http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2242424/khong-can-thai-tu-lee-jae-yong-samsung-van-song-tot-va-khong-ngung-tang-truong