Samsung có thể dừng các hoạt động đầu tư vì Phó chủ tịch bị tạm giam

VietTimes -- Các quan chức Samsung Electronics lưu ý công ty sẽ không còn sự lựa chọn nào khác mà đành phải tạm ngừng các kế hoạch đầu tư lớn bởi những kế hoạch này cần sự quyết định của không ai khác ngoài Phó Chủ tịch Lee Jae-yong vừa bị bắt tạm giam.
Phó Chủ tịch Samsung vừa bị bắt giữ do liên quan đến vụ bê bối tham nhũng lớn của đất nước
Phó Chủ tịch Samsung vừa bị bắt giữ do liên quan đến vụ bê bối tham nhũng lớn của đất nước

Phó Chủ tịch Lee Jae-yong của Samsung bị bắt giữ có thể sẽ khiến nền kinh tế Hàn Quốc và các tổ chức kinh doanh ở Seoul phải gánh chịu nhiều khó khăn. Điều này càng thúc đẩy Hàn Quốc phải nhanh chóng chấm dứt vụ bê bối tham nhũng dẫn đến Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội.

Lee, Phó chủ tịch công ty lớn nhất Hàn quốc, đã bị bắt tạm giam vì những tội danh hối lộ trong vụ tham nhũng liên quan đến người bạn Choi Soon-sil lâu năm của Tổng thống

Liên đoàn các lãnh đạo Hàn Quốc (KEF) cho biết họ rất sốc khi biết ông Lee bị bắt và rất lo lắng cho nền kinh tế đất nước.

“Samsung Electronics là một công ty hàng đầu của Hàn Quốc, chiếm 11,7% tổng doanh thu và 30% lợi nhuận trong mảng sản xuất”, KEF nói.

“Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo tại Samsung sẽ có thể khiến những bất ổn kéo dài, từ đó dẫn đến sự sụt giảm giá trị kinh tế đất nước và là gánh nặng cho nền kinh tế địa phương”, KEF nói thêm.

Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cũng phản đối việc bắt giữ ông Lee. “Có rất nhiều mối lo ngại về tác động tiêu cực của việc bắt giữ này lên nền kinh tế Hàn Quốc”, KITA cho biết.

Trong khi đó, các quan chức của Samsung Electronics cũng đã lưu ý công ty sẽ không còn sự lựa chọn nào khác mà đành phải tạm ngừng các kế hoạch đầu tư lớn. Những kế hoạch này cần sự quyết định của không ai khác ngoài ông Lee.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin các nhà quan sát thị trường cho rằng Samsung Group, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, dự kiến sẽ phải dừng hầu hết các kế hoạch đầu tư và kinh doanh mới, ít nhất là tạm thời, sau khi người thừa kế Lee Jae-yong bị bắt tạm giam. Họ nói rằng các thương vụ thâu tóm và sáp nhập của Samsung cũng có thể phải bị hoãn lại tạm thời.

Kể từ khi ông Lee bắt đầu kế thừa công việc điều hành Samsung từ người cha Lee Kun-hee năm 2014, Samsung đã tiến hành thâu tóm 15 công ty nước ngoài, trong đó có nhà sản xuất audio và linh kiện xe hơi Mỹ Harman International. Những vụ thâu tóm này được cho là nhằm mở rộng mô hình kinh doanh mới của Samsung dưới thời lãnh đạo của ông Lee.

Các quan chức Samsung nói họ có thể sẽ đối mặt với một số hạn chế vì vụ bắt giữ ông Lee. “Một CEO được trả lương sẽ có những hạn chế nhất định, đặc biệt khi công ty đang theo đuổi khoản đầu tư lớn thường cần đến quyết định của chính người chủ tịch”.

Ông Lee hiện là phó chủ tịch của Samsung Electronics.

Chỉ riêng trong năm 2016, Samsung Electronics đã đầu tư 27 nghìn tỉ won (23,6 tỷ USD), khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử của hãng.

Theo Yonhap