|
Ông Nguyễn Mạnh Dũng. |
PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện kiêm Giám đốc đầu tư Quỹ CyberAgent Ventures (CAV) tại Việt Nam và Thái Lan, đơn vị đã gắn bó với cộng đồng này từ năm 2008.
PV: Trung bình một công ty khởi nghiệp cần khoảng ba năm đầu để ổn định và bước sang giai đoạn phát triển mới. Lấy khoảng thời gian năm năm gần đây để nhìn lại, ông đánh giá thế nào về cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam?
- Ông Nguyễn Mạnh Dũng: Nhìn chung là những bước phát triển từ từ, chưa có những cột mốc hoặc ngã rẽ quan trọng. Việt Nam chưa nhận được sự chú ý của các quỹ đầu tư lớn của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, mặc dù chúng ta có xuất phát điểm trước Thái Lan cũng như Indonesia. Chúng ta chưa có bao nhiêu công ty khởi nghiệp có mức đầu tư chục triệu đô la Mỹ trở lên.
Đã từng có sự kiện đình đám của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird hồi đầu năm 2014. Ông nhìn nhận thế nào về trường hợp này?
- Mặc dù câu chuyện Flappy Bird gây được sự chú ý của các phương tiện truyền thông nhưng tôi không nghĩ đó là bước ngoặt quan trọng có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng khởi nghiệp. Flappy Bird không phải là sản phẩm bền vững và cũng không có tầm ảnh hưởng về mặt giá trị đến cộng đồng người dùng về lâu dài. Dưới góc nhìn của quỹ đầu tư, chúng tôi sẽ không quan tâm đến những sản phẩm khởi nghiệp mang tính thời vụ như vậy.
Theo ông, đâu là những điểm còn thiếu và còn yếu của các công ty khởi nghiệp Việt Nam?
- Tôi thấy họ còn thiếu rất nhiều thứ, chỉ được cái liều, nhưng đó lại là điều quan trọng cho bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp nào.
Sau tám năm ở Việt Nam, CAV đã đầu tư vào gần 20 công ty và gặp gỡ hơn 1.000 nhà khởi nghiệp. Chúng tôi nhận thấy những cái thiếu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu tầm nhìn, mức độ sẵn sàng chia sẻ, khả năng quản lý và sự minh bạch (trong tài chính/thông tin). Nhưng tất cả những điều đó đều có thể thay đổi được, nếu nhà khởi nghiệp có tầm nhìn.
Theo ông, đâu là những điểm sáng trong dòng chuyển biến hiện nay?
- Có bốn điểm sáng đáng chú ý trong thời gia gần đây.
Đầu tiên, dù còn ít nhưng các quỹ đầu tư lớn đã bắt đầu quan tâm đến các dự án khởi nghiệp Việt Nam. Hồi tháng 2-2015, tập đoàn Hubert Burda Media của Đức đầu tư 14 triệu đô la Mỹ vào Cốc Cốc, hay hồi tháng 7, Tiger Global Investment đã đầu tư vào vòng gọi vốn C của Foody... Nhiều quỹ chuyên đầu tư vào giai đoạn hạt giống và giai đoạn sớm của các dự án như Golden Gate Ventures, Pix Vine Capital, SparkLabs, 500 startups, Captii, Unitus Impact... cũng đã bắt đầu dành sự quan tâm.
Ở trong nước, năm 2014 có Seedcom, Inspire Ventures, FPT Ventures và nhiều nhà đầu tư thiên thần (angel investors) rất tích cực đầu tư vào các dự án khởi nghiệp. Tôi biết có một anh, chỉ trong vòng một năm đã đầu tư sáu, bảy dự án quy mô từ 50.000-150.000 đô la Mỹ.
Có thể nói hiện không thiếu các khoảng đầu tư trong khoảng 20.000-200.000 đô la. Điều này khuyến khích các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp hơn.
Thứ hai, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang ở dưới mức giá trị thực, có thể nói là rẻ hơn các nước trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư vào giai đoạn đầu, vì dù với số tiền nhỏ, họ vẫn có cơ hội lựa chọn đầu tư và những dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Điểm sáng thứ ba là ngày càng có nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp lớn. Điều này phản ánh tiềm năng của thị trường Việt Nam về khía cạnh vĩ mô trong dài hạn.
Cuối cùng là yếu tố khách quan từ bên ngoài. Hiện có nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hướng tới xây dựng công ty mang tầm vóc vùng (regional company). Khi các công ty này mở rộng hoạt động sang quốc gia khác, họ có xu hướng mua lại các công ty khởi nghiệp có vị trí dẫn đầu ở quốc gia mà họ đến.
Có thể trong năm 2016, những thương vụ đầu tư hàng chục triệu đô la xuất hiện nhiều hơn. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Theo ông Hải Nguyễn, đồng sáng lập trang web chuyên hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp www.startup.vn, trong vòng hai năm gần đây, bên cạnh các nhà khởi nghiệp trẻ và các quỹ đầu tư, nhiều mảnh ghép mới đã xuất hiện giúp hình thành bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Đó là sự ra đời của nhiều vườn ươm (incubator), các trung tâm tăng tốc khởi nghiệp (accelerators) và các không gian làm việc chung (coworking space).
Các sự kiện về khởi nghiệp xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn và chia thành những cộng đồng tập trung hơn, như sự hình thành câu lạc bộ tài chính công nghệ Việt Nam; cộng đồng Google Developers; cộng đồng những người quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp (AgriThon)...
Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư thiên thần (angel investors) và sự ủng hộ công khai của nhiều quan chức chính phủ cũng như các tổ chức nước ngoài.
“Có thể thấy bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp đã được hình thành. Giờ cần có thêm thời gian để các mảnh ghép hoạt động ăn khớp với nhau và thúc đẩy hệ sinh thái phát triển. Tôi cho rằng sau 3-4 năm nữa, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ”, ông Hải nói.
Về xu hướng đầu tư, các quỹ quan tâm nhiều đến những lĩnh vực nào, thưa ông?
- Tùy đặc thù, thế mạnh về kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ, các quỹ sẽ có những mối quan tâm khác nhau. Riêng CAV, chúng tôi chỉ đầu tư vào công nghệ Internet. Nếu trước đây, khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông (media) quan tâm chủ yếu đến tin tức, giải trí thì ngày nay, loại thông tin chuyên sâu cho từng lĩnh vực (vertical media) được ưu tiên hơn. Ví dụ Foody chuyên về nhà hàng; batdongsan.com.vn chuyên về bất động sản.
Bên cạnh đó, các ứng dụng thương mại điện tử nền tảng B2C trong tiêu dùng như đặt vé xe, đặt phòng khách sạn, mua sách trực tuyến..., hoặc mở rộng sang các ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực tài chính (FinTech), giáo dục (EduTech), nông nghiệp (AgriTech)... cũng đáng chú ý.
Còn về Internet of things thì sao?
- Internet of things (còn gọi là Internet của vạn vật, nơi mọi vật được kết nối với nhau qua hệ thống cảm biến, kết nối, Internet, thiết bị xử lý để có thể chủ động theo dõi, quản lý từ xa) sẽ ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống. Hiện ngoài các dự án khởi nghiệp, các “ông lớn” như Microsoft, Apple và những hãng sản xuất truyền thống như Sony, Panasonic, Samsung đều đã tham gia. Trung Quốc với thế mạnh về giá cũng là một đối thủ không thể bỏ qua. Đây sẽ là lĩnh vực có mức độ cạnh tranh rất gay gắt, các nhà khởi nghiệp trẻ cần nghĩ đến điều này.
Theo ông, đâu là những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thành công tại Việt Nam trong thời gian qua?
- Có thể kể đến Tổ hợp công nghệ giáo dục TOPICA (TOPICA Edtech Group). Đây là đơn vị đào tạo trực tuyến mang tầm khu vực Đông Nam Á, và là tổ chức Việt Nam đầu tiên xuất khẩu công nghệ giáo dục e-learning ra nước ngoài. Cốc Cốc cũng khá thú vị Tiki hay Foody cũng vậy.
Có thể thấy các công ty khởi nghiệp Việt Nam đóng cửa nhiều nhưng thành công cũng không ít. Nhiều công ty, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, họ im lặng làm, im lặng thành công, im lặng phát triển.
Ông có nói đến Tiki và Foody, nhưng hai doanh nghiệp này có doanh thu chưa đủ bù chi phí...
- Làm thương mại điện tử, thu hồi vốn trong năm năm gần như là điều bất khả thi. Như GrabTaxi thu hút vốn đầu tư hơn 400 triệu đô la Mỹ, hiện vẫn đang “đốt tiền” để chiếm lĩnh thị trường.
Chúng tôi nhìn một công ty khởi nghiệp trong dài hạn và đánh giá sự thành công dựa trên sự tăng trưởng bền vững số lượng người dùng đi kèm doanh thu. Sự tăng trưởng bền vững là yếu tố để quỹ đầu tư tiếp tục rót vốn. Ngày nay, nói đến mua sách qua mạng, Tiki là cái tên được nghĩ đến đầu tiên. Đó không phải là sự thành công sao?
Theo TBKTSG