Trong hội thảo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015 tại CIEM ngày 28/1, bà Phạm Chi Lan cho biết, năm 2015 doanh nghiệp ngừng hoạt động lên mức kỷ lục mới mặc dù môi trường kinh doanh được cho rằng đã cải thiện. Tăng trưởng tăng nhưng doanh nghiệp vẫn giải thể, doanh nghiệp "ọp ẹp" hơn nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng cao.
"Doanh nghiệp tư nhân, nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh trông chờ vào Nhà nước với vai trò là trọng tài để giúp chống chèn lấn của doanh nghiệp Nhà nước và FDI nhưng trọng tài không hòa giải được mà còn vào cuộc cùng trở thành 'ông' chèn lấn thứ ba. Với ba ông đại gia cùng chèn lấn doanh nghiệp chết đi là phải", bà Lan nói.
Bà Lan cũng bổ sung, Nhà nước đã chèn lấn doanh nghiệp thông qua việc huy động trái phiếu Chính phủ, điều hành giá cả, thuế phí cộng lại tăng lên.
Bà Lan cũng cho biết, thu trên ngân sách mới chỉ có sự đóng góp của doanh nghiệp đang hoạt động, chưa có sự đóng góp của doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, quá trình thành lập doanh nghiệp của Việt Nam vẫn lâu, gánh nặng ngân sách vẫn đè vào những doanh nghiệp đang tồn tại.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng cho biết, năm 2015 động lực tăng trưởng không đến từ doanh nghiệp trong nước mà đến từ khu vực FDI, động lực tạo ra phát triển bền vững từ trong nước không hấp thụ được.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 đã phục hồi rõ nét khi tăng dần qua các quý và cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 mặc dù còn thấp hơn giai đoạn 1990-2010.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa làm tăng áp lực lạm phát khi kinh tế chưa thực sự thoát khỏi sự suy giảm và động lực tăng trưởng chưa đủ.
Cụ thể, khu vực công nghiệp xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất song đà phục hồi của công nghiệp chậm lại trong quý IV khi chỉ số PMI thấp trong các tháng 9 - 11. Nông lâm ngư nghiệp cũng tăng trưởng không ổn định và ngành dịch vụ thì thiếu chuyển biến rõ nét. Xuất khẩu cũng đã không đạt được mục tiêu đề ra khi chỉ tăng 7,9%.
Ông Dương cũng dẫn số liệu thu ngân sách cho biết, cuối tháng 12 mới chắc chắn thu vượt dự toán, áp lực với thu ngân sách là tương đối nhiều. Điều này xuất phát do thiếu kiểm soát và tiết kiệm các khoản chi. Thêm vào đó, nguyên nhân còn do sự "ỷ lại" vào các khoản vay nợ và phát hành trái phiếu Chính phủ và một số nguyên nhân khách quan từ việc giá dầu thô giảm mạnh.
Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, nhìn bề ngoài các chỉ số có vẻ tốt hơn nhưng thực tế chưa thấy động lực. "Động lực chưa thay đổi, tiềm năng gần như bị tận khai trong khi đó yêu cầu tăng trưởng cần mạnh hơn", ông Cung nhấn mạnh.
Theo ông Cung, nhìn riêng từng chỉ số khả quan nhưng xâu chuỗi các chỉ tiêu lại như bội chi ngân sách, nợ công, cách thức bù đắp nợ công, khả năng điều hành kết hợp với nhau lại rất lúng túng thậm chí không có dư địa.
Theo Bizlive