Sáng 6/10, tại lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Đại học Văn khoa và 20 năm ngày thành lập Đại học KHXH&NV(ĐHQG Hà Nội), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10/10/1945, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài, một nhà văn hóa kiệt xuất về vai trò, sứ mệnh của Khoa học Xã hội và Nhân văn đối với sự nghiệp cách mạng.
Nhìn lại quá trình phát triển 70 năm, Đại học Văn khoa và sau này là Trường Đại học Tổng hợp, Trường ĐH KHXH&NV đã không ngừng phấn đấu vươn lên trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước về các lĩnh vực KHXH&NV.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV cho biết nhà trường đã đào tạo hơn 50 nghìn cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ.
Trong số các sinh viên, nhà giáo từng học tập, công tác ở trường, nhiều người đã trở thành các nhà khoa học, nhà giáo, nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà quản lý nổi tiếng.
Toàn trường có 10 nhà giáo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 16 nhà giáo được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ, là bằng chứng cụ thể cho vị trí tiên phong và thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: “Nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học đã khơi dậy truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng; đã làm sáng tỏ và bồi đắp cội nguồn, bản sắc văn hóa của dân tộc; đã cũng cấp những sở cứ khoa học, xác thực về chủ quyền lãnh thổ quốc gia; đã kiến giải về vị thế đất nước và mối bang giao với các quốc gia, với các tổ chức khu vực và thế giới; đã góp phần phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn nói riêng cũng như nền khoa học, nền giáo dục và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung”.
Đề cập đến những thời cơ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì nhất định phải xây dựng con người Việt Nam trí tuệ, nhân ái và có lòng tự hào, tự tôn Dân tộc và ý thức công dân toàn cầu.
Trong đó, các thầy cô giáo, nhà khoa học, các sinh viên xã hội và nhân văn có sứ mệnh là những người tiên phong trong động viên thế hệ trẻ, động viên toàn xã hội phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, hun đúc tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng, quyết tâm chung sức đồng lòng để đất nước mạnh lên về mọi mặt.
Phó Thủ tướng mong muốn các thầy cô giáo, nhà khoa học, các sinh viên xã hội và nhân văn, thông qua hoạt động giảng dạy, nghiên cứu cũng như bằng việc nêu gương trong cuộc sống cần làm cho những giá trị văn hóa thấm sâu, tỏa rộng trong mọi lĩnh vực đời sống, mọi mối quan hệ xã hội; để mọi người, mỗi người đều trân trọng và luôn nỗ lực vươn tới giá trị chân - thiện - mĩ; luôn đấu tranh để chiến thắng cái ác, cái xấu, cái sai trái.
Theo VTC