Nhìn hình ảnh này, loài cá sấu cổ đại trông khác khủng long bạo chúa là mấy. Ảnh: News Info Park |
Các bằng chứng dấu vết hóa thạch được cho là của cá sấu tiền sử đi bằng hai chân được tìm thấy ở một khu bảo tồn tại Hàn Quốc.
Các nhà khoa học đã phát hiện hàng trăm dấu chân dài khoảng 18-24cm còn sót lại trong một khu trầm tích bùn lầy bao quanh một hồ nước có niên đại từ đầu kỷ Phấn Trắng (kỷ trung gian giữa Đại Trung Sinh và Đại Tân Sinh), cách đây khoảng 110-120 triệu năm về trước.
Phát hiện đem đến một cái nhìn hoàn toàn khác về loài cá sấu cổ đại.
“Mọi người có xu hướng cho rằng cá sấu là loài động vật không hoạt động nhiều, rằng chúng chỉ quanh quẩn cả ngày bên bờ sông Nile hoặc bên cạnh các con sông ở Costa Rica (một quốc gia tại Trung Mỹ). Không hề có một ai nghĩ đến viễn cảnh chúng có thể đi bằng hai chân và chạy như một con đà điểu hay T.rex (khủng long bạo chúa)”, Martin Lockley, một giáo sư danh dự tại Đại học Colorado, Hoa Kỳ cũng là tác giá của nghiên cứu nói với BBC News.
Dấu chân hoa thạch được cho là của một loài cá sấu cổ đại có thể đi lại bằng hai chân. Ảnh: News Info Park
|
Giáo sư Lockley và các đồng nghiệp đã đặt tên cho loài cá sấu tạo ra dấu chân hóa thạch này là Batrachopus grandis. Hiện tại, sự tồn tại của Batrachopus grandis mới chỉ dựa vào các dấu chân cổ xưa in trên đá. Chúng có hình dạng rất giống nhau nhưng lớn hơn nhiều so với những con cá sấu Batrachopus sống cách đây hàng chục triệu năm trong kỷ Jura. Loài cá sấu cổ đại này đã đi bằng bốn chân.
Các dấu vết hóa thạch được phát hiện ở Hàn Quốc là bằng chứng mới nhất cho thấy cá sấu cổ đại có thể đã đi bằng hai chân, theo giáo sư Lockley.
“Chúng tôi có thể nhìn thấy tất cả các ngón chân, kể cả những đường vân trên da, giống như bạn đang nhìn vào bàn tay của chính mình. Chúng đặt một chân trước chân còn lại và đi theo một đường thẳng. Không có dấu hiệu của chi trước ở đây”, ông Lockley nói.
Chiều sâu ấn tượng được tạo ra từ gót chân cũng gợi ra ý tưởng về một tư thế đứng thẳng hơn, một thành viên của nhóm nghiên cứu, Giáo sư Kyung Soo Kim tại Đại học Giáo dục Quốc gia Chinju của Hàn Quốc cho biết.
“Đường đi rất hẹp - giống như thể con cá sấu đang đi thăng bằng trên một sợi dây kéo căng”, ông Kim nhận xét.
“Kết hợp với việc không có dấu vết của cái đuôi ở đằng sau, rõ ràng sinh vật này đang di chuyển bằng hai chân”, ông nhấn mạnh.
“Chúng đã di chuyển như cách mà nhiều loài khủng long đã thực hiện, nhưng dấu chân này không phải do khủng long tạo ra. Khủng long và những loài chim cổ đại có họ hàng với chúng đều di chuyển bằng ngón chân. Trong khi đó, cá sấu cổ đại đi bằng cả bàn chân và để lại dấu vết rất rõ ràng ở gót chân, giống như con người. Dấu bàn chân in trên đá này cho thấy con vật có chiều dài khoảng 3m”, ông Lockley nói.
Trước đó, vào năm 2012, những dấu chân hóa thạch bí ẩn tương tự được tìm thấy tại các địa điểm khác ở Hàn Quốc trước đây từng được cho là thuộc về loài thằn lằn bay khổng lồ - một loài bò sát bay thời tiền sử - khi chúng đi bộ bằng 2 chân.
Những bằng chứng mới giúp giáo sư Lockley tin rằng dấu chân hóa thạch này rất có thể là của một con cá sấu cổ đại đi bằng hai chân.
Báo cáo về dấu vết của cá sấu cổ đại đi bằng hai chân được đăng trên tạp chí khoa học Scientific Reports. Nghiên cứu tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi bởi không phải tất cả các nhà khoa học đều chấp nhận lời giải thích của nhóm này.
Giáo sư Phil Manning của Đại học Manchester, Hoa Kỳ (không thuộc nhóm nghiên cứu) đã mô tả các dấu vết hóa thạch thực sự “gây ngạc nhiên” và hoan nghênh ấn phẩm mới của nhóm nghiên cứu, khởi đầu cho một cuộc tranh luận mới - nhưng ông cũng bày tỏ sự hoài nghi về cách giải thích trong báo cáo. Ông Phil cũng là một chuyên gia nghiên cứu về các dấu chân hóa thạch.
“Theo tôi, dấu vết này chưa đủ để khẳng định đây là một con cá sấu. (…) Cho dù nó là một con cá sấu đi chăng nữa, thật không may, chúng ta vẫn chưa có các bằng chứng xương hóa thạch của chúng”, ông nói với BBC News.
Tại Hàn Quốc, các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều dấu chân hóa thạch, tuy nhiên, số lượng xương hóa thạch vẫn còn tương đối ít.
Theo News Info Park