Cà Mau có 120.000 ha vùng ngọt khép kín, tập trung ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Thời gian gần đây, hạn hán kéo dài khiến lượng nước ngọt dự trữ cạn kiệt, dễ bị xâm nhập mặn. Trong khi đó, toàn bộ vùng ngọt chưa khép kín đang có dấu hiệu bị xâm mặn.
Tại Bạc Liêu, ở các vùng sản xuất lúa Đông Xuân các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phướng Long, Hồng Dân và Giá Rai hiện cũng đang thiếu nước. Con kênh nội đồng từ chợ Trưởng Tòa vào ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long cũng đang cạn kiệt nước ngọt. Nhiều hộ trồng lúa liên tục bơm nước lên ruộng cạn khiến kênh trơ đáy, ghe tàu di chuyển khó khăn.
Sát ngay Bạc Liêu, dọc theo đường vào Sóc Mồ Côi ở phường 8, TP Sóc Trăng nhiều nông dân ở đây đang lo lắng vì năm nay nước mặn đến sớm hơn khoảng một tháng. Hơn nửa tháng trước, triều cường đẩy nước biển vào khu vực Sóc Mồ Côi khiến không ít cánh đồng bị ngập mặn, lúa hư rễ, héo lá, ảnh hưởng bông dù đã trổ xong.
“Lúa bị ngập mặn lúc đang làm đòng, năng suất giảm đến 70%. Ruộng nào lúa trổ bông xong, đang ‘ngậm sữa’ thì năng suất giảm khoảng 40%, nhiều hạt lép. Sợ nước mặn đến sớm, nhiều nông dân không dám làm lúa vụ ba”, nông dân Nguyễn Văn Khải cho biết.
Điều đáng lo ngại là việc xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến vùng lúa, hoa màu, cây trái… mà còn ảnh hưởng đến cả vùng nuôi trồng thủy sản nếu độ mặn tăng cao.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Ở bờ Bắc Kinh Quản lộ Phụng Hiệp có hơn 65.000 ha nuôi tôm nên cần nước mặn, trong khi phía Nam có hơn 80.000 ha đất trồng lúa. Để cân đối nguồn nước, ngành thủy lợi Bạc Liêu đang chiết nguồn nước ngọt ở các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Hậu Giang thông qua các hệ thống cống thủy lợi”.
Ngoài ra, nắng hạn cũng làm cho những cánh rừng miền Tây vào cao điểm phòng chống cháy. Tại U Minh Hạ Cà Mau có hơn 38.000 ha rừng đang khô hạn khốc liệt…
Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, giải pháp cho vùng ngọt khép kín là tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hệ thống cống, đập, đê điều… không để nước mặn xâm nhập. Đối với vùng hở, phải nạo vét kênh mương. Tuy nhiên, việc này rất tốn kém vì hệ thống kênh mương ở Cà Mau chạy dài đến 10.000km. Trong khi đó, đặc điểm vùng sông nước Cà Mau là phù sa bồi lắng quanh năm, nên cứ 3-5 năm phải nạo vét một lần. Cá biệt có nơi 1-2 năm phải nạo vét một lần.
Thống kê của Cục Trồng trọt, tổng diện tích canh tác lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện khoảng 4,3 triệu ha, đạt sản lượng 25 triệu tấn; diện tích nuôi trồng, khai thác thủy sản 800.000 ha, cho sản lượng 3,5 triệu tấn (trong đó cá tra đạt 1,35 triệu tấn, tôm nước lợ 420.000 tấn).
Theo Vnexpress