Khi nào cổ phiếu dược hết 'nóng'?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo FiinTrade, rủi ro thanh khoản mà nhà đầu tư phải đối mặt sẽ rất cao nếu các cổ phiếu này không thể duy trì khối lượng giao dịch như hiện tại trong tương lai.

Trong 1 tháng gần đây, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngành dược, cá biệt có những mã cổ phiếu có mức tăng bằng lần như VMD của CTCP Y dược phẩm Vimedimex, SPM của CTCP SPM hay CDP của CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha.

Theo đó, từ ngày 9/8 đến nay, cổ phiếu VMD đã có 17/18 phiên tăng trần, chốt phiên giao dịch ngày 1/9 ở mức 82.400 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 3,3 lần sau gần 1 tháng.

Cổ phiếu SPM cũng ghi nhận 11 phiên tăng trần liên tiếp, chốt phiên ngày 1/9 ở mức 30.150 đồng/cổ phiếu, tăng 136% sau 1 tháng.

Trước đó, đầu tháng 6/2021, hàng loạt cổ phiếu ngành dược như DBT, DP1, DDN, YTC cũng “nổi sóng” sau khi những doanh nghiệp này có tên trong danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế.

Nhiều cổ phiếu ngành dược tăng bằng lần chỉ trong ít phiên giao dịch (Nguồn: Tradingview)

Nhiều cổ phiếu ngành dược tăng bằng lần chỉ trong ít phiên giao dịch (Nguồn: Tradingview)

Theo FiinTrade, cũng như cổ phiếu ngành than, cổ phiếu dược có thanh khoản và free-float ở mức khá thấp (dưới 50%). Cơ cấu sở hữu của các công ty dược khá cô đặc, chủ yếu thuộc sở hữu của ban lãnh đạo và các cổ đông lớn.

Trong 3 tháng gần đây, thanh khoản trung bình mỗi phiên của các công ty ngành dược phổ biến ở mức dưới 50.000 cổ phiếu/phiên. Do đó, rủi ro thanh khoản mà nhà đầu tư phải đối mặt sẽ rất cao nếu các cổ phiếu này không thể duy trì khối lượng giao dịch như hiện tại trong tương lai.

Bên cạnh đó, triển vọng chung của ngành dược vẫn chưa có nhiều cải thiện trong ngắn hạn do Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng và lượng tiêu thụ qua kênh ETC giảm do nhu cầu khám chữa bệnh tại bệnh viện giảm khi dịch Covid-19 bùng phát.

Nguồn nguyên liệu của ngành dược vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu (Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tỷ trọng 85%).

Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy và tình trạng thiếu container vẫn chưa được giải quyết khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng xấu đến biên lợi nhuận của các công ty dược.

Ngoài ra, Covid-19 cũng làm giảm nhu cầu đến bệnh viện của người dân do tâm lý sợ lây nhiễm và hạn chế tập trung đông người. Điều này khiến doanh thu từ kênh bán thuốc qua bệnh viện (ETC), chiếm tỷ trọng khoảng 70% doanh thu ngành dược, bị ảnh hưởng, đặc biệt là các công ty có tỷ trọng mảng ETC cao như DMC, DHT, DCL.

Ở chiều ngược lại, các công ty có tỷ trọng doanh thu từ kênh bán thuốc không cần kê đơn (OTC) cao hơn mức trung bình ngành (khoảng 30% tổng doanh thu) lại được hưởng lợi trong giai đoạn này như TRA, IMP, DBD./.