Bộ Y tế nói gì về văn bản xin cấp phép nhập 50 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Vimedimex?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Văn bản xin cấp phép nhập 50 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Vimedimex có dấu hiệu giả mạo thông tin đã khiến không ít người thắc mắc về quy trình tiếp nhận và phê duyệt hồ sơ nhập vaccine của Bộ Y tế.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tình nguyện viên (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tình nguyện viên (Ảnh - Minh Thuý)

Việc Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (sau đây gọi tắt Vimedimex) có văn bản xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine phòng Covid-19, báo chí đã thông tin rất chi tiết, đầy đủ; đặc biệt, VietTimes đã đăng tải bài viết phân tích quá trình Vimedimex xin Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine có phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina (SB Vina).

Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh vụ việc, chiều nay 17/4, Bộ Y tế đã thông tin giải thích rõ.

Bộ chưa nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt 50 triệu liều vaccine

Bộ Y tế cho biết: Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 Moderna của Vimedimex.

Về vấn đề này, Bộ Y tế khẳng định: Đến nay, Bộ mới chỉ nhận được các văn bản của Vimedimex thông báo về chủ trương tìm kiếm đối tác cung ứng vaccine phòng, chống dịch COVID-19 của Moderna để nhập khẩu về Việt Nam chứ chưa nhận được hồ sơ của công ty này đề nghị phê duyệt vaccine phòng COVID-19 do Công ty Moderna sản xuất.

Vaccine phòng COVID-19 do Công ty Moderna sản xuất (Ảnh - AFP)

Vaccine phòng COVID-19 do Công ty Moderna sản xuất (Ảnh - AFP)

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất thuốc; xuất khẩu, nhập khẩu thuốc tăng cường, đa dạng hoá nguồn cung vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam.

Trên cơ sở này, nhiều doanh nghiệp đã có văn bản gửi về Bộ Y tế thông báo đã tìm kiếm, liên hệ với các nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, Sputnik V, Moderna, Sinovac, Curevac v.v. được nhập khẩu từ các nước Anh, Mỹ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc.

Bộ Y tế hoan nghênh các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc xuất xứ để cung cấp vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của pháp luật. Bộ đã giao Cục Quản lý Dược là đơn vị trực tiếp hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục nhập khẩu vaccine phòng, chống dịch COVID-19 về Việt Nam.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu do các doanh nghiệp cung cấp, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 2 loại vaccine phòng COVID-19 là vaccine AstraZeneca và vaccine SPUTNIK V để phục vụ cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Việc xem xét, phê duyệt có điều kiện 2 loại vaccine này cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 đã được Bộ Y tế thực hiện theo đúng quy định.

Văn bản của Vimedimex có dấu hiệu giả mạo thông tin

Thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine phòng Covid-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), AstraZeneca…, trong đó có Vimedimex.

Trước đó, báo chí đã đăng tải thông tin vào ngày 17/2, Vimedimex có công văn gửi lãnh đạo Bộ Y tế, cho biết công ty này đã liên hệ với Tập đoàn SB Capital Management và Tập đoàn Moderna (Mỹ), thống nhất những nội dung liên quan đến việc nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam.

Trong văn bản, Vimedimex cũng đề cập tới Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina (SB Vina) với vai trò là bên bán, được Moderna ủy quyền phân phối vaccine COVID-19 của hãng này tại Việt Nam.

Nhân viên y tế kiểm tra vaccine trước khi tiêm (Ảnh - Tuấn Dũng)

Nhân viên y tế kiểm tra vaccine trước khi tiêm (Ảnh - Tuấn Dũng)

Tuy nhiên, tại thời điểm Bộ Y tế phát đi cảnh báo về việc giả mạo trong cung ứng, mua bán vaccine phòng COVID-19 vào ngày 10/3, Moderna khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam.

Mặt khác, theo tìm hiểu của VietTimes, cho tới thời điểm Vimedimex gửi công văn tới lãnh đạo Bộ Y tế, SB Vina còn chưa tròn 1 năm tuổi và cũng chưa hề đăng ký ngành nghề kinh doanh chính liên quan tới lĩnh vực dược phẩm. Điều này đã khiến dư luận cho rằng văn bản xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam của Vimedimex có dấu hiệu giả mạo thông tin.

Thời gian qua, báo chí trong và ngoài nước đã thông tin về các vụ gian lận, lừa đảo trong việc mua bán vaccine phòng COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam.

Để đảm bảo việc cấp phép nhập khẩu vaccine đúng quy định của pháp luật, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiếp nhận và phê duyệt hồ sơ vaccine phòng COVID-19 theo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Dược năm 2016, đảm bảo vaccine được phê duyệt đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả.