Như VietTimes từng đề cập, Bộ Y tế đã công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh vaccine phòng COVID-19.
Trong danh sách này, có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, như: CTCP Dược phẩm Bến Tre (Mã CK: DBT); CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã CK: DP1); CTCP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng (Mã CK: DDN); CTCP Dược phẩm Vimedimex (Mã CK: VMD); CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (Mã CK: CDP); CTCP Xuất nhập khẩu Y tế TP. HCM (Mã CK: YTC).
Bên cạnh đó, cũng có một số công ty liên quan đến Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Mã CK: DVN) như CTCP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma), CTCP Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam, Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam.
Loạt cổ phiếu dược tăng trần sau khi được phép nhập khẩu, kinh doanh vaccine Covid-19 |
Có tên trong danh sách được đủ điều kiện nhập vaccine Covid-19 về Việt Nam, cổ phiếu của các công ty này đã đồng loạt tăng trần trong các phiên giao dịch gần đây.
Trong đó, cổ phiếu DBT của Dược phẩm Bến Tre tăng trần 3 phiên liên tiếp, lên mức 15.000 đồng/cp. Cổ phiếu DP1 của Dược phẩm Trung ương CPC1 cũng tăng trần nhiều phiên liên tiếp, thiết lập mức đỉnh lịch sử 36.200 đồng/cp với thanh khoản tăng mạnh.
Ngoài các doanh nghiệp đang niêm yết, trong danh sách còn có một số cái tên đáng chú ý như CTCP Dược phẩm Nam Hà, hay CTCP Dược phẩm Minh Dân.
Dược phẩm Nam Hà
Trụ sở CTCP Dược phẩm Nam Hà tại tỉnh Nam Định (Ảnh: Internet) |
CTCP Dược phẩm Nam Hà (NamHa Pharma - viết tắt: Dược Nam Hà) được thành lập năm 1960, tiền thân là Công ty hợp danh Dược phẩm Ích Hoa Sinh, trụ sở chính hiện đặt tại số 415 đường Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định.
Công ty này hiện sở hữu nhà máy có tổng diện tích hơn 25.000 m2, bao gồm các dây truyền sản xuất thuốc viên nén trần, viên nén bao phim, viên nén bao đường, thuốc nang mềm, nang cứng, thuốc gel, thuốc đông dược, thuốc nước, thuốc nhỏ mắt.
5 năm gần nhất, doanh thu của Dược Nam Hà luôn duy trì trên ngưỡng 1.000 tỉ đồng. Năm ngoái, Dược Nam Hà ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.006,8 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 36,1 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 3,58%.
Bước sang năm 2021, Dược Nam Hà lên kế hoạch doanh thu tăng trưởng gần 30%, lên mức 1.300 tỉ đồng, mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 25 tỉ đồng.
Hiện nay, Chủ tịch HĐQT Dược Nam Hà là ông Dương Thanh Bình (SN 1956); Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ông Nguyễn Thanh Dương (SN 1958). Ông Nguyễn Thanh Dương cũng là cổ đông lớn nắm 7,95% cổ phần công ty.
Dược phẩm Minh Dân
CTCP Dược phẩm Minh Dân (Minh Dân Pharco) được thành lập ngày 23/11/2004, trụ sở chính đặt tại lô E2, đường N4, khu công nghiệp Hoà Xá, xã Lộc Hoà, TP. Nam Định, do dược sĩ Nguyễn Thế Dũng (SN 1973) làm tổng giám đốc.
Dược sĩ Nguyễn Thế Dũng - Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Minh Dân (Ảnh: Internet) |
Công ty này hoạt động trong các lĩnh vực chính như sản xuất, kinh doanh dược phẩm, máy móc, thiết bị y tế; sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, hóa chất, vắc xin, sinh phẩm, thực phẩm chức năng; xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu làm thuốc, các sản phẩm thuốc; tư vấn dịch vụ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y, dược.
Minh Dân Pharco hiện có 2 nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh beta lactam dạng uống và dạng tiêm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Hai nhà máy này có tổng diện tích 20.000 m2, đều đặt tại khu công nghiệp Hòa Xá, TP. Nam Định.
Trong đó, nhà máy sản xuất kháng sinh tiêm bột tiêu chuẩn GMP-WHO số 2 được khánh thành ngày 20/5/2011. Nhà máy này có 2 dây chuyền sản xuất thuốc kháng sinh nhóm Penicilin và Cephalosporin, công suất 10 triệu lọ/năm, tổng vốn đầu tư trên 53 tỉ đồng.
Tính đến ngày 27/10/2017, Minh Dân Pharco có vốn điều lệ 24,5 tỉ đồng. Trong đó, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Dũng sở hữu 78,68% vốn điều lệ; ông Nguyễn Huy Sàn nắm giữ 16,32% vốn điều lệ.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, hiệu quả kinh doanh của Minh Dân Pharco có chiều hướng đi xuống, cả về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Minh Dân Pharco đạt lần lượt 273 tỉ đồng và 312 tỉ đồng, lãi sau thuế lần lượt ở mức 66 tỉ đồng và 53,1 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 24% và 17%.
Năm 2018 và 2019, Minh Dân Pharco ghi nhận doanh thu sụt giảm lần lượt xuống mức 276 tỉ đồng và 230,7 tỉ đồng, lãi sau thuế lần lượt ở mức 37,6 tỉ đồng và 27,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 13,6% và 11,8%.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Minh Dân Pharco đạt 357,9 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 324,6 tỉ đồng, giảm lần lượt 8,9% và 9% so với cuối năm 2018./.