Khi kỳ lân công nghệ IPO: Cơ hội đầu tư hay bong bóng đang chực vỡ?

Thị trường chứng khoán năm 2019 dự kiến sẽ vô cùng sôi động với hơn 100 kỳ lân – những công ty có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, có kế hoạch lên sàn chứng khoán. Liệu đây là dấu hiệu chỉ ra thời của kỳ lân đang đến, hay là "điềm báo" cho một bong bóng dot-com lần hai? 

Kỳ lân ngày nay không phải là những sinh vật huyền bí chỉ xuất hiện trong truyền thuyết. Đó là những startup tư nhân được định giá hơn 1 tỉ USD. Khái niệm này được nhà đầu tư mạo hiểm Aileen Lee đề cập lần đầu vào năm 2013. Sáu năm sau, thế giới đang chứng kiến hơn 100 công ty kỳ lân đang chuẩn bị niêm yết ra công chúng (IPO).

Nhiều người đang hồ hởi trước việc Uber vừa đạt bước tiến lịch sử: thực hiện thành công thương vụ IPO lớn thứ ba thế giới, trở thành tín hiệu chỉ ra rằng "thời đại kỳ lân" đang đến. Nhưng theo công ty tư vấn tài chính The Edge, các nhà đầu tư đang đứng trước khả năng đổ vỡ của một loạt công ty. Liệu điều tương tự như sự kiện bong bóng dot-com đã từng xảy ra, kéo theo sự đổ vỡ hàng loạt cổ phiếu công nghệ vì giá trị bị thổi phồng, khiến hàng triệu nhà đầu tư rơi vào tình trạng khánh kiệt.

Trước đây khi các công ty lên sàn chứng khoán, thường là một mô hình kinh doanh thành công và đã mang về lợi nhuận, chẳng hạn như Google vào năm 2004. Nhưng ngày nay, các công ty có nguyện vọng bước chân lên sàn chứng khoán thường gồng gánh những khoản nợ trên vai. Họ viện tới IPO để mở rộng hoạt động kinh doanh, buộc thị trường phải tin tưởng vào một tương lai mang lại lợi nhuận, đó là nếu tương lai ấy thực sự tồn tại.

Hãy lấy Twitter làm ví dụ. Kể từ khi được thành lập vào năm 2006, công ty chỉ có một năm lợi nhuận duy nhất. CEO Twitter Jack Dorsey tuyên bố "chiến lược dài hạn đang có hiệu quả". Trái ngược với tuyên bố trên, lượng người dùng hằng ngày của mạng xã hội này đang ngày một sụt giảm. Tổng nợ quý 1.2019 của công ty là 4,056 tỉ USD, tăng đến 74,17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Snapchat lại là một ví dụ khác về cơn hưng phấn công nghệ của các nhà đầu tư. Năm 2018, đồng sáng lập và CEO của Snapchat Evan Spiegel đã chia sẻ: "Chúng tôi rất hào hứng với tiến trình đang đạt được và rất lạc quan với những cơ hội phía trước bởi lẽ chúng tôi đang tiếp tục đầu tư vào sự đổi mới."

Gần đây công ty này cũng đã tuyên bố khoản lỗ trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần lên tới 50 triệu USD, và cho rằng có sự cải thiện 21,09% so với cùng kỳ năm trước (dù lỗ ròng vẫn đến 158 triệu USD).

Khi kỳ lân công nghệ IPO: Cơ hội đầu tư hay bong bóng đang chực vỡ? - ảnh 1

Tài xế biểu tình trước trụ sử Uber tại Los Angeles (Mỹ). Ảnh: Getty Images. 

Trở lại với Uber. Ngày 10.5 vừa qua, công ty chính thức lên sàn chứng khoán New York NYSE với danh hiệu thương vụ IPO lớn thứ ba thế giới.

Trước đó Uber cũng đã thực hiện nhiều vòng gọi vốn với mức giá kỳ vọng khoảng 44-50 USD/cổ phiếu. Những ông lớn của Wall Street như Morgan Stanley hay Goldman Sachs đã đổ tiền vào kỳ lân này. Dù không thể dẫn dắt "thương vụ IPO đáng chú ý nhất trong nhiều năm", Goldman Sachs sẽ có khả năng bỏ túi khoản lời gấp 120 lần, tương đương với 600 triệu USD nhờ khoản đầu tư 5 triệu USD đã rót vào Uber năm 2011.

Có một sự thật không thể chối cãi: Uber gắn liền với tai tiếng tại những nơi công ty tổ chức hoạt động kinh doanh. Công ty từng phải hầu tòa nhiều lần vì những tranh cãi xoay quanh bản chất mô hình hoạt động. Ngay trước thềm IPO, các tài xế Uber đã đình công, yêu cầu công ty xem lại chế độ lương thưởng. Họ cho rằng những người thắng cuộc duy nhất khi Uber lên sàn chứng khoán chỉ có ngân hàng, nhà sáng lập và những nhà đầu tư.

Uber từng tự hào tuyên bố mình đang cung cấp 15 triệu chuyến xe mỗi ngày cho khách hàng. Tuy nhiên công ty này cũng tiết lộ họ cần ba năm nữa để sinh lời. Sự phát triển của Uber là một quá trình đốt tiền của các nhà đầu tư. Trước giờ Uber vẫn không có nghĩa vụ phải báo cáo các chỉ số tài chính cho thị trường vì nó vẫn là một công ty tư nhân. Tuy nhiên sau IPO, mọi chuyện chắc chắn sẽ thay đổi.

Đối thủ của Uber tại nhiều thị trường là Lyft đã phải chịu rủi ro các quỹ đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi công ty này thực hiện IPO và báo cáo khoản lỗ tăng lên tới 275 triệu USD, trong khi năm ngoái con số này là 239 triệu USD.

Nhiều người cho rằng những bê bối Uber đang gánh chịu sẽ trở nên tồi tệ hơn hậu IPO. Công ty này đang đối mặt với rủi ro cấm hoạt động tại Đức, Bỉ, Luxembourg, thậm chí bị ngăn cản tại Trung Quốc và phải rời thị trường này. Những cuộc đình công tại Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan đã khiến cho hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ.

Theo bản cáo bạch chưa hoàn chỉnh của vòng hồ sơ do Ủy ban giao dịch và chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) thực hiện dựa trên hồ sơ công ty, kỳ lân Uber chỉ đơn thuần là "một vụ lừa đảo".

Khi kỳ lân công nghệ IPO: Cơ hội đầu tư hay bong bóng đang chực vỡ? - ảnh 2

WeWork đang ôm khoản nợ lên tới 18 tỉ USD tiền thuê mặt bằng. Theo các báo cáo thì khoản lỗ ròng của công ty trong năm 2018 là 934 triệu USD. Ảnh: Getty Images.

Một ví dụ khác cần nhắc đến là WeWork. Trong vài tuần tới, công ty sẽ chính thức lên sàn chứng khoán với vốn hóa thị trường lên tới 47 tỉ USD.

Không thể phủ nhận rằng WeWork (hay The WeCompany) đã xây dựng rất tốt thương hiệu của mình: một công ty chuyên cung cấp văn phòng cho thuê chung giữa một kỷ nguyên kinh tế tự do (gig economy) đang phát triển.

WeWork tuyên bố họ có 425 địa điểm cho thuê tại 100 thành phố với 401.000 khách hàng. Công ty còn mở cả những nhánh kinh doanh mới khá khó hiểu như WeLive chuyên cung cấp nơi ở và WeGrow - trường học dành cho trẻ em từ 2-11 tuổi, khiến cho WeWork phải gánh chịu khoản lỗ lên tới nhiều tỉ đô-la Mỹ.

Bên cạnh đó, công ty này còn đang cố gắng thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc. Hoạt động của công ty tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đang đứng trước rủi ro do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Dường như thứ duy nhất công ty thực sự phát triển là nợ, và WeWork đã từng cố gắng che giấu các chỉ số tài chính với SEC. WeWork đang ôm khoản nợ lên tới 18 tỉ USD tiền thuê mặt bằng. Theo các báo cáo thì khoản lỗ ròng của công ty trong năm 2018 là 934 triệu USD. Số lượng 5.000 nhân viên trải rộng trên 280 địa điểm tại 86 thành phố và 32 quốc gia cùng vị thế chưa thực sự vững chắc trên thị trường sau 9 năm hoạt động đã khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh "một tòa lâu đài cát" khi nhìn vào WeWork.

Tuy vậy công ty đang nhận được sự trợ giúp tài chính từ các ngân hàng hàng đầu, bao gồm cả Goldman Sachs và JPMorgan. Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Softbank cũng đã rót hai tỉ USD đầu tư vào tháng 1.2019 sau khi WeWork đề nghị ngân hàng này rót thêm 16 tỉ USD nữa.

Theo Forbes Vietnam

Link gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/khi-ky-lan-cong-nghe-ipo-co-hoi-dau-tu-hay-bong-bong-dang-chuc-vo-6260.html