Xu hướng chi tiêu cho đồ công nghệ của người tiêu dùng đang ngày càng xuống dốc, và ngân sách dành cho các thiết bị công nghệ của doanh nghiệp không còn hào phóng như trước – tuy nhiên chỉ số công nghệ NASDAQ đã tăng gấp 3 lần so với năm 2008.
Một số người đã gọi đây là dấu hiệu của một bong bóng công nghệ mới. Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng những phần cứng thông dụng, phần mềm mã nguồn mở và sự xuất hiện ngày một nhiều các dịch vụ điện toán đám mây đã thay đổi cách mua đồ công nghệ, tạo ra nền kinh tế công nghệ cao, ít phụ thuộc vào chu kỳ lên xuống của công nghệ.
Sau hơn 15 năm, chi tiêu cho công nghệ giờ đã trở thành một khoản chi thường xuyên, đều đặn hơn là việc đầu tư vào các linh kiện cồng kềnh. Các doanh nghiệp giờ trả phí hàng tháng cho công ty quản lý mạng, hơn là xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng của riêng mình. Ví dụ, ngày càng nhiều người tiêu dùng trả phí hàng tháng để sở hữu iPhone bên cạnh gói dữ liệu của mình.
"Chi tiêu đã giảm đáng kể từ 10 năm qua" Stephen Milton, phó chủ tịch của hãng phân tích IDC cho biết. "Nhưng sẽ phù hợp về chiến lược hơn." Trong khi cổ phiếu của một số công ty công nghệ chỉ tăng đột biến sau khi có dự đoán về lợi nhuận, một vài nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp đó vẫn ít có khả năng phải đóng cửa đột ngột như thời của bong bóng dot com. Sự phát triển về quy mô của điện toán đám mây, bên cạnh sự bùng nổ của các thiết bị di động, đã tạo ra các xu hướng mới trong dịch vụ công nghệ.
Tăng trưởng vững chắc của chi tiêu cho công nghệ
Chi tiêu cho thiết bị công nghệ tại Mỹ, GDP của Mỹ và chỉ số NASDAQ từ 1999 đến 2014
Nghiên cứu của Forrester Research cho biết, từ 1995 đến 2000, chi tiêu công nghệ của các công ty Mỹ đã tăng 68%, gấp đôi tốc độ tăng của GDP, khi các công ty chi ra hàng triệu USD để nâng cấp phần cứng và phần mềm nhằm chuẩn bị cho sự kiện Y2K.
Chi tiêu cho công nghệ của các công ty Mỹ đã vượt mốc một nghìn tỷ USD vào năm 2007, nhưng sau đó chỉ tăng ở mức một con số mỗi năm - dù vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP. Theo Forrester, phải mất gần gấp đôi thời gian, từ năm 2003 đến 2014 để đạt được mức tăng trưởng bằng với thời kỳ trước đó.
Việc suy giảm này không phải dấu hiệu của cầu yếu, mà là tăng trưởng "chậm, ổn định" và sự chuyển đổi trong cách chi tiêu vào thiết bị công nghệ và dịch vụ, ông Andrew Bartels, nhà phân tích của Forrester cho biết.
Các công ty đang chuyển sang các công nghệ di động để làm công việc trở nên linh hoạt hơn, sử dụng các ứng dụng với chi phí tương đối thấp và các phần mềm trả phí định kỳ để quản trị hoạt động, chia sẻ dung lượng mạng, điều hành công việc từ xa với các công cụ như điện toán đám mây, máy tính ảo. Theo Tom Gilley, CTO của công ty điện toán đám mây WOT.io, điều đó làm cho bộ phận IT của doanh nghiệp trở nên "linh hoạt hơn nhiều".
Cũng theo IDC, Chi tiêu cho phần mềm trong thế giới IT tăng từ 13.5% vào năm 1995 lên đến 20% vào năm 2014, trong khi phần cứng trượt giảm từ 56% xuống còn 49%.
Chi tiêu của cá nhân cho thiết bị công nghệ cũng chung xu thế trên. Theo ông Howard Robin, CEO của hãng tư vấn công nghệ Rubin Worldwide, trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2010, ngân sách của mảng khách hàng cá nhân trong thế giới công nghệ tăng từ 0,75% lên đến 8.55%. Nhưng theo Hiệp hội Sản phẩm Điện tử Tiêu dùng (CEA), tốc độ tăng đã chậm dần trong bẩy năm gần đây.
Chi tiêu cho đồ công nghề của khách hàng cá nhân từ 1980 đến 2015, đạt đỉnh vào năm 2008 và giảm dần đến nay
Dữ liệu của CEA cho thấy, đồ điện tử tiêu dùng giá ngày càng giảm, trong khi xu hướng của người tiêu dùng đã chuyển sang dành nhiều ngân sách hơn cho các món đồ đắt tiền khác, như ô tô, sản phẩm vốn không được coi là đồ công nghệ (dù ngày nay, một chiếc ô tô ngày càng tích hợp nhiều đồ công nghệ cao).
Tăng trưởng của danh mục các sản phẩm công nghệ truyền thống đã chậm lại. Năm nay, CEA dự kiến chi tiêu công nghệ sẽ tăng trưởng ở mức 2.4%, phần lớn kỳ vọng đến từ các sản phẩm mới nổi, như smartwatch, máy bay điều khiển và đồ gia dụng thông minh, hơn là máy tính, điện thoại thông minh và tablet.
Theo Roger Kay, chủ tịch của công ty tư vấn Endpoint Technologies, "Các thị trường truyền thống đang bắt đầu co hẹp lại" giờ thị trường hàng công nghệ tiêu dùng đang trở nên bão hòa. "Đó là lý do tại sao bạn thấy mọi người đều đang cố gắng bán hàng cho doanh nghiệp."
Sự trỗi dậy của khách hàng doanh nghiệp
Mảng khách hàng doanh nghiệp đã tạo ra một thị trường tăng trưởng nhanh chóng và đầy tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp IT. Đặc biệt trong ngành phần mềm, nơi các công ty, với sản phẩm chính trong mảng khách hàng cá nhân, như Apple, Google, đang phải cạnh tranh quyết liệt với Microsoft, Cisco Systems và Oracle, nhằm mở rộng thị phần tại mảng khách hàng doanh nghiệp.
Tháng Mười vừa qua, Dell đã thành công trong việc thực hiện thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ khi mua lại EMC corp với giá 63 tỷ USD. Đây được coi như nỗ lực của Dell nhằm vực dậy mảng khách hàng doanh nghiệp của hãng, sau nhiều năm gặp khó khăn trong mảng khách hàng tiêu dùng. Về phía Apple, trong một cuộc hội thảo vào tháng Chín, CEO Tim Cook cho biết khoảng 25 tỷ USD doanh thu mỗi năm (khoảng 14% doanh thu hàng năm) đến từ mảng doanh nghiệp - và đó "chỉ là phần nhỏ" của những gì Apple nhìn thấy trong tương lai.
CEO của Google, Sundar Pichai trong khi thảo luận về Google for Work cho biết, "mọi công việc của doanh nghiệp trên thế giới" sẽ sớm chạy được trên mây. Ông Matt Calkins, CEO của Appian, công ty chuyên tùy biến các ứng dụng cho các công ty trong List Fortunes 500, cho rằng tùy biến các phần mềm là biên giới tiếp theo của các công ty IT.
Hãng nghiên cứu công nghệ Gartner dự báo, trong năm 2015, trong tổng số 335 tỷ USD chi cho IT, khoảng 107 tỷ USD được kỳ vọng sẽ liên quan đến các ứng dụng cho doanh nghiệp. Theo một ước tính gần đây của hãng tư vấn công nghệ Ovum, tính chung, chi tiêu cho công nghệ của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2025, đạt hơn 1,5 nghìn tỷ USD.
Các thiết bị công nghệ đã trở thành phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp, nhưng sức ép từ cắt giảm chi phí đang khiến các công ty tìm kiếm các giải pháp công nghệ tốt hơn, tiết kiệm hơn để vận hành doanh nghiệp của mình. Quy mô và sự vững chắc của nhu cầu này đang thu hút các ông lớn trong làng công nghệ vào một cuộc chiến mới.
Theo MarketWatch.com, Trí Thức Trẻ