Khen thưởng và thi đua đã trở thành một nghề

VietTimes -- Khen thưởng và thi đua đã trở thành một nghề. Nó là một chức danh có trong biên chế ngang hàng với nhiều chức danh ở các cơ quan, đơn vị và địa phương do nhà nước phải trả lương. Đáng nói hơn, nó đã trở thành nghề-nghề làm giấy khen, bằng khen, khung khen, cờ thi đua và kỷ niệm chương, huy hiệu đã trở thành “cần câu cơm” nuôi sống bao người trong xã hội. Và dĩ nhiên, kinh phí khen thưởng ấy đều do Nhà nước chi trả.
Khen thưởng và thi đua đã trở thành một nghề
Khen thưởng và thi đua đã trở thành một nghề

Việc nhiều trường mầm non ở các địa phương của tỉnh Thanh Hóa trao giấy khen tặng các cháu và việc tặng thưởng tờ bìa mỏng dính đặt trong hộp quà to tướng ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) vào dịp kết thúc năm học 2018-2019 vừa qua đã khiến dư luận xôn xao và đặt nhiều câu hỏi về giáo dục. Các chuyên gia nhận định, đó là biểu hiện của hội chứng loạn khen, thứ văn hóa nảy sinh từ bệnh hình thức và xu nịnh vốn rất nặng nề trong xã hội chúng ta. Có chuyên gia hài ước cúi đầu trước trò hề này và lẩm bẩm như muốn khóc: “Ối, “ông” khen thưởng ơi!”

Chuyện khen thưởng cho những trẻ em chưa biết chữ, hiểu rõ nghĩa vấn đề như ở Thanh Hóa và nhiều nơi khác chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Dù chẳng thể so được với cách “làm mầu” mang tính khoe mẽ, phô trương hết sức phản cảm của ngành giáo dục quận Cầu Giấy vốn đã là tâm điểm chú ý của dư luận từ nhiều ngày trước, nhưng cũng đủ để các phụ huynh và dư luận toát mồ hôi vì cái sự “khen ngầm” ấy. Phân tích sự việc, một số chuyên gia cho rằng, những lý lẽ mà đại diện các trường đưa ra biện minh trước công luận chỉ là “chữa cháy” chứ không phải là cái đích mà những biểu hiện phản cảm kia nhằm tới.

Có chuyên gia hài ước cúi đầu trước trò hề này và lẩm bẩm như muốn khóc: “Ối, “ông” khen thưởng ơi!”
Có chuyên gia hài ước cúi đầu trước trò hề này và lẩm bẩm như muốn khóc: “Ối, “ông” khen thưởng ơi!”

Họ cho rằng, trong điều kiện hiện nay, học sinh chẳng khác nào “gà đẻ trứng vàng” cho các trường và nhiều giáo viên, những người coi dạy thêm tại nhà tạo ra thu nhập chính, gấp nhiều lần lương đứng trên bục giảng. Phân tích vấn đề mới thấy nhận định này là đúng. Bởi thực tế, tuy ngành giáo dục đã giảm các cuộc thi và lượng kiến thức các bậc học phổ thông, nhưng lại xuất hiện các cuộc thi quốc tế trên internet do các công ty liên kết với các sở, các trường tổ chức. Thế nên, việc nhà trường, các giáo viên hợp tác với phụ huynh để bắt học sinh trở thành “gà nòi” không có gì là sự lạ. Đương nhiên, muốn đoạt huy chương, những con “gà nòi” ấy phải “luyện võ” ngoài giờ học chính khóa và bố mẹ lại phải móc hầu bao chi trả công cô, công thầy.

Phụ huynh học sinh vốn đã lo ngay ngáy vì các khoản đóng góp mà nhà trường, cơ sở giáo dục thông qua đại diện hội cha mẹ học sinh nay lại toát mồ hôi, chắt bóp chi tiêu, “ngậm bồ hòn làm ngọt”, móc hầu bao trả phí để xin cho con được “luyện võ”. Họ bỏ tiền thật và hí hửng chờ ngày thu về những chiếc huy chương vàng, bạc, đồng bằng nhựa mạ màu mà không hề biết rằng, chứng nhận giải kia chỉ là của một công ty liên kết, không có giá trị pháp lý về mặt giáo dục.

Ấy nhưng, việc “gà nòi” đoạt giải hoặc đạt giải các cuộc thi cũng là cách xây dựng thương hiệu cho nhà trường và giáo viên. Thế nên, khi đã có “quả ngọt” trong tay, chẳng tội gì các nhà trường, cơ sở giáo dục và các giáo viên không khoe, nhằm tiếp tục thu hút “gà đẻ trứng vàng” cho mùa tiếp theo. Thế là “anh” fecebook, “chị” zalo và cả “thằng” instagram được dịp “ăn no” chạy tung tăng, tý tởn trong không gian, đưa niềm vui của các phụ huynh Việt “chu du” khắp thế giới.

Khen thưởng đã trở thành nghề-nghề làm giấy khen, bằng khen, khung khen, cờ thi đua và kỷ niệm chương, huy hiệu đã trở thành “cần câu cơm” nuôi sống bao người trong xã hội. Và dĩ nhiên, kinh phí khen thưởng ấy đều do Nhà nước chi trả.
Khen thưởng đã trở thành nghề-nghề làm giấy khen, bằng khen, khung khen, cờ thi đua và kỷ niệm chương, huy hiệu đã trở thành “cần câu cơm” nuôi sống bao người trong xã hội. Và dĩ nhiên, kinh phí khen thưởng ấy đều do Nhà nước chi trả.

Trở lại việc khen thưởng như đã nói ở trên. Có lẽ, không ở đất nước nào, việc khen thưởng lại nhiều như ở nước ta, nhất là trong vài năm lại đây. Gần như hội nghị tổng kết của bất cứ ngành nào, địa phương nào cũng có khen thưởng cả. Khen thưởng đã trở thành nội dung không thể thiếu mà nếu thiếu thì hội nghị sẽ nhạt và mất đi ý nghĩa, giống như món “thịt lợn không hành và canh không mắm”.

Thế nên, không lạ khi khen thưởng và thi đua đã trở thành một nghề. Nó là một chức danh có trong biên chế ngang hàng với nhiều chức danh ở các cơ quan, đơn vị và địa phương do nhà nước phải trả lương. Đáng nói hơn, nó đã trở thành nghề-nghề làm giấy khen, bằng khen, khung khen, cờ thi đua và kỷ niệm chương, huy hiệu đã trở thành “cần câu cơm” nuôi sống bao người trong xã hội. Và dĩ nhiên, kinh phí khen thưởng ấy đều do Nhà nước chi trả.

Điều đáng nói ở đây là, trong nhiều nội dung khen thưởng vốn có ý nghĩa rất thiết thực để cổ vũ hành động cách mạng và phong trào thi đua thì cũng có đối tượng nhận khen cảm thấy chưa thật xứng đáng. Ví dụ, chỉ cần một thời gian ngắn tham gia thực hiện một vài hoạt động nào đó phục vụ kỷ niệm truyền thống hoặc dịp tổ chức thực hiện nhiệm vụ do cấp trên yêu cầu là người đó có thể sẽ được lựa chọn để khen thưởng.

Trong khi nhiệm vụ ấy đã được xác định ở kế hoạch của cơ quan, đơn vị và địa phương từ đầu năm. Khi thực hiện, người đó được cơ quan bảo đảm vật chất, phục vụ chu đáo và cũng chẳng phải khổ công khắc phục nắng mưa, tìm tòi sáng tạo gì cho cam. Điều lạ hơn là, cuối năm, những thành tích từ nhiệm vụ “đột xuất” ấy lại được tích điểm để trở thành điển hình thi đua của cơ quan, đơn vị. Thế nên, chẳng lạ khi thi đua ở các cơ quan, đơn vị cứ nhạt dần và trợ lý thi đua, khen thưởng trở thành những tay “bốc thuốc” cừ khôi hơn cả thầy lang.

Nhưng đáng buồn nhất vẫn là hiện tượng những đối tượng nhận khen thưởng, nhận tặng thưởng vinh dự Nhà nước được truyền thông tung hô, cho ngồi “tàu bay giấy” bằng những mỹ từ không thể đẹp hơn nhưng lại rơi vào vòng lao lý, bị pháp luật trừng trị do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả lừa đảo, tham nhũng. Những trường hợp ấy, khen thưởng quả phản tác dụng và gây ra dư luận rất xấu.

Tóm lại là, việc khen thưởng tràn lan thiếu kiểm soát chặt chẽ; khen không đúng người, đúng việc, đúng đối tượng đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng mà còn gây lãng phí, phản cảm. Khen thưởng là chất xúc tác để căn bệnh giả dối của người lớn nay lại làm khổ cả học sinh, khiến chúng cảm thấy bị lừa. Ngẫm ra, lời khóc “Ối, “ông” khen thưởng ơi!” của chuyên gia kia thật chí lý. Tôi ước, giá như Vũ Trọng Phụng còn sống, chắc sẽ có tác phẩm văn học để đời mang tên “kỹ nghệ khen thưởng”.