|
Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo này, hai con số được nhiều người “thắc mắc” nhiều nhất chính là việc chỉ có 8% số hỏi khác hàng được hỏi không đồng ý với việc tăng giá cước 3G. 92% khách hàng còn lại thì chấp nhận một phương án tăng cước nào đó.
Câu hỏi trong khảo sát là “Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh/chị đang sử dụng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận mức tăng bao nhiêu” với những phương án trả lời bao gồm: Dưới 5%, từ 5-10%, từ 10-20%, trên 30% và Không đồng ý tăng.
Câu hỏi này được xem như ép khách hàng tham gia khảo sát lựa chọn một giải pháp tăng cước nào đó trong khi GfK cho biết câu hỏi này đã bao gồm hai ý kiến có hoặc không tăng cước đối với khách hàng.
Thêm nữa với việc người dùng chấm điểm trung bình 8,05/10 cho chất lượng 3G được cho là không đúng với thực tế khi mà người dùng luôn than phiền rằng 3G của họ sử dụng gặp tình trạng chập chờn, kém ổn định.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra khi số người tham gia khảo sát chỉ có 576 người tại 3 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, và thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì quá ít số mẫu nên kết quả sẽ có sai số so với thực tế.
Như vậy với kết quả công bố có tới tận 92% người dùng đồng ý với việc tăng cước 3G liệu sắp tới các nhà mạng có cùng nhau tăng cước 3G không?
Khảo sát này được thực hiện với sự tài trợ của Qualcomm cùng 3 nhà mạng lớn tại nước ta là VinaPhone, MobiFone và Viettel từ tháng 11/2014 đến tháng 1/2015. Với vai trò là đơn vị khảo sát chuyên nghiệp GfK sẽ phải đặt câu hỏi một cách ngắn gọn, rõ ràng thay vì ép buộc người dùng như trong khảo sát đã thực hiện.
Vào thời điểm tháng 10/2013, khi 3 nhà mạng lớn đồng loạt thông báo tăng cước 3G, người dùng đã có những phản ứng gay gắt. Hơn nữa nếu cho rằng cước 3G tại nước ta đang thuộc hàng rẻ nhất khu vụ và một số nước trên thế giới thì vẫn cần phải xem xét về khía cạnh chất lượng hiện nay của chúng ta đang thuộc diện tệ nhất khu vực và toàn châu Á.
Kết quả nghiên cứu về tình hình Internet toàn cầu trong 3 tháng quý III năm 2014 được công ty quản lý lưu lượng Internet và giải pháp công nghệ Akamai thực hiện cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ kết nối Internet trung bình thuộc vào diện thấp nhất các nước Đông Nam Á và khu vực châu Á.
Trái với những kết quả của GfK, báo Vietnamnet thực hiện một khảo sát tương tự với câu hỏi: “Theo bạn, các nhà mạng có nên tăng cước 3G ở thời điểm hiện tại không? Với các lựa chọn: Tăng 5% hoặc thấp hơn; Tăng 5 đến 10%; Tăng trên 10% và cuối cùng là Không tăng.” Kết quả lại có tới gần 99% người dùng không muốn tăng giá cước dịch vụ hiện tại.
Kết quả khảo sát của Vietnamnet
Trong buổi công bố, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng cho biết việc hãng nghiên cứu khảo sát với số mẫu thấp có thể dẫn đến sai số lớn so với thực tế. Hơn nữa, việc chỉ khảo sát ở 3 thành phố lớn sẽ không thể đại diện cho các vùng miền khác. “Chỉ nên coi đây là một kênh thông tin mới để tham khảo chứ không phải số liệu chính thống của Bộ”
Người dùng bắt đầu có những băn khoăn, phải chăng đây là một động thái của các nhà mạng cố gắng chứng minh việc sắp tới nếu có tăng cước 3G thì đã là do người dùng đã ủng hộ từ trước đó.
Theo Bizlive