|
Bác sĩ Chiêm Quốc Thái bức xúc căng thẳng trong phiên tòa sơ thẩm |
Theo bản án sơ thẩm đã tuyên ngày 26/6/2019, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” do Vũ Thụy Hồng Ngọc, vợ cũ của bác sĩ Chiêm Quốc Thái chủ mưu. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX do thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt – Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hồ Chí Minh làm chủ tọa đã tuyên phạt bà Vũ Thụy Hồng Ngọc (SN 1978; vợ cũ ông Chiêm Quốc Thái) 18 tháng tù, Phan Nguyễn Duy Thanh (SN 1981; Giám đốc Công ty Vệ sĩ S.T., trụ sở quận Tân Phú, TP HCM) 15 tháng tù và 5 người khác hình phạt 16 tháng tù cùng về tội: “Cố ý gây thương tích”.
|
Bị cáo Vũ Thụy Hồng Ngọc trong phiên tòa sơ thẩm
|
Ngày 3-7, TAND TP. HCM cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của ông Chiêm Quốc Thái, kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm mà TAND TP. HCM đã tuyên vào ngày 26-6.
Ngày 8/7/2019 của VKSND TP Hồ Chí Minh kháng nghị 1 phần bản án theo hướng đề nghị tăng hình phạt đối với Phan Nguyễn Duy Thanh, yêu cầu VKSND TP Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ vụ án trên để nghiên cứu.
Kháng nghị số 31/QĐ-VC3-V1 của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong vụ án này, bị cáo Vũ Thụy Hồng Ngọc thuê Nguyễn Duy Thanh nên là người chủ mưu, khởi xướng theo Bộ luật Hình sự năm 2015 là người tổ chức, nhưng án sơ thẩm chỉ xử phạt mức án 1 năm 6 tháng tù là chưa tương xứng với hành vi phạm tội, không nghiêm, không đủ tác dụng giáo dục răn đe, phòng ngừa”.
“Bị cáo Phan Nguyễn Duy Thanh tổ chức chặt chẽ, cầm đầu, chỉ huy Nguyễn Thanh Phong, Phạm Văn Ngôn, Nguyễn Trần Thanh Tuấn, Chống Thín Sáng, Danh Tiến và Tú thực hiện hành vi chém bị hại Chiêm Quốc Thái ngay trung tâm thành phố, đông người thể hiện sự coi thường pháp luật, mang tính côn đồ nhưng mức án lại nhẹ hơn các bị cáo còn lại, cho nên VKSND Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị tăng hình phạt là có căn cứ”.
|
Các bị cáo nghe tòa sơ thẩm tuyên án ngày 26/6
|
“Các bị cáo Phong, Ngôn, Tuấn, Sáng và Tiến là người thực hành, giúp sức có nhân thân khác nhau, thực hiện hành vi với vai trò và sự nguy hiểm khác nhau nhưng án sơ thẩm tuyên xử cùng một mức án và cao hơn bị cáo Thanh, là không phân hóa vai trò và hình phạt của từng bị cáo trong vụ án, bỏ lọt tình tiết định khung “Có tổ chức” và “Có tính chất côn đồ”.
“Tuy bà Trần Hoa Sen không thừa nhận, Ngọc và Thanh thay đổi lời khai, nhưng tài liệu chứng cứ khách quan, hợp pháp trước khi thay đổi lời khai có trong hồ sơ vụ án, đã thể hiện bà Sen là người gọi điện thoại cho Ngọc và Thanh đến nhà, tạo điều kiện cho Ngọc và Thanh vào phòng ngủ để bàn bạc thỏa thuận việc chém ông Thái, bà Sen nhận tiền của Ngọc đưa tiền cho Thanh cũng tại nhà của bà Sen, từ đó vụ án xảy ra, sau đó còn xác định với Ngọc là Thanh đã làm xong việc. Như vậy, có đủ căn cứ xác định vai trò liên quan của bà Trần Hoa Sen trong vụ án. Tuy nhiên quá trình điều tra, truy tố thu thập và đánh giá chứng cứ về vai trò của Trần Hoa Sen chưa được kịp thời, đầy đủ và toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Ngoài ra, kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Quá trình điều tra cũng chưa làm rõ động cơ gây án của các bị cáo trong vụ án nhằm xác định tính chất, mức độ, vai trò của của từng bị cáo làm cơ sở xét xử đúng pháp luật”.