|
Hội thảo diễn ra ngày 26/6 tại Cần Thơ |
Trong những ngày qua, mưa lớn kết hợp triều cường gây liên tiếp các vụ sạt lở bờ sông nguy hiểm tại các tỉnh khu vực ĐBSCL .
Sáng 26-5, một đoạn đường bê tông và 3 căn nhà trên đường Võ Tánh (khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã đổ ập xuống sông.
Sáng 21-6, một vụ sạt lở khác tại tuyến lộ nông thôn cũng thuộc địa phương này làm 1 căn nhà trôi sông, 4 người may mắn thoát chết. Trong những ngày cuối tháng 6, trên địa bàn huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp cũng đã xảy ra 3 vụ sạt lở bờ sông, làm sụp hoàn toàn 7 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 450 triệu đồng.
Riêng vụ sạt lở diễn ra sáng 24/6 tại ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung đã làm 4 căn nhà rơi xuống sông, ước thiệt hại khoảng nửa tỷ đồng. Diễn biến của sạt lở còn khiến 6 căn nhà khác gần đó được cảnh báo trong tình trạng nguy hiểm.
Từ khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều và mức độ nguy hiểm hơn. Những vụ sạt lở không chỉ làm thiệt hại tài sản mà còn có thể cướp đi sinh mạng người dân nếu không có biện pháp phát hiện, chủ động phòng tránh kịp thời.
Theo con số thống kê của các địa phương có nguy cơ sạt lở cao như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long thì trên địa bàn mỗi nơi có đến hàng chục điểm nằm trong danh sách phòng chống sạt lở khẩn cấp. Để phòng chống sạt lở cho bờ sông, các địa phương trong vùng cũng đã lập dự án và đề xuất nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng để làm bờ kè kiên cố chống sạt lở.
Theo ông Marc Goichot, các giải pháp công trình như kè bờ sông, di dời dân cư chỉ là biện pháp tình thế. Để phòng chống và thích ứng với tình trạng xâm thực, sạt lở bờ sông nghiêm trọng hiện nay thì phải đi tìm các tác nhân do chính con người tác động vào, đây cũng chính là động lực để ông và nhóm chuyên gia Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) xuôi ngược trên dòng Mê Kông qua 2 mùa lũ, xem xét 2.000 ảnh vệ tinh từ 2003-2011 để nghiên cứu.
Kết quả cho thấy: xâm thực phía Tây ĐBSCL (gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng) lên đến 70%, tương đương với 12,2m/năm; xâm thực phía Đông và Vịnh Thái Lan tuy có ít hơn nhưng cũng lên đến 36-40%, tương đương mỗi năm mất từ 3,7-4,4 mét.
Nguyên nhân chính dẫn đến xâm thực, mất đất tại khu vực ĐBSCL là do tình trạng khai thác cát quá mức và các đập thuỷ điện trên dòng chính đã ngăn phù sa bồi đấp cho khu vực này. Theo số liệu của ông Marc: tình trạng khai thác cát đã lấy đi đến 55 triệu tấn cát/năm trên dòng sông Mê Kông, làm cho lượng trầm tích lơ lửng đã giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 75 triệu tấn/năm (từ năm 1992 tới năm 2014).
Qua khảo sát các đập Thuỷ điện trên dòng chính từ Trung Quốc đến Lào cho thấy không có một đập thuỷ điện nào có hầm xả cho phù sa và các chất lơ lửng đi qua. Chính việc Khai thác cát quá mức và các đập nước thuỷ điện cộng hưởng với nhau, làm ảnh hưởng sâu sắc tới sự di chuyển trầm tích là hai yếu tố chính làm cho các luồng lạch bị xâm thực và sự thoái lui về đất liền của các địa phương ven biển.
Hai tác nhân trên kết hợp thêm với biến đổi khí hậu là yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình dẫn đến các tác động: mất đất, hư hại các cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu và đê) tăng xâm nhập mặn, thay đổi tình hình lũ lụt và đa dạng sinh học (ngoài ra còn có tác động từ việc giảm di chuyển trầm tích mịn (phù sa), giảm sự màu mỡ của đất, giảm năng suất nông nghiệp, cá và thủy sản tự nhiên, và đa dạng sinh học).
Các tác động của việc khai thác cát đang được cảm nhận nhanh chóng hơn nhưng có thể đảo ngược nếu cán cân trầm tích được quản lý một cách hợp lý. Tuy nhiên, đối với các đập thuỷ điện thường là giữ lại trầm tích thô và trong nhiều trường hợp các tác động này là không thể đảo ngược được vì sự bảo hộ của quốc gia sở hữu, ông Marc phân tích.
GS. Hubert Loisel, Giảng viên ĐH Littoral – Pháp cho hay, lượng trầm tích tại ĐBSCL suy giảm 5%/năm ở vùng rìa châu thổ và có xu hướng giảm mạnh hơn trong mùa lũ. Sự suy giảm này không thể giải thích được bằng điều kiện hải dương học. Xu thế này là do những gì xảy ra trên dòng sông Mê Kông. Quan sát từ năm 2007 cho thấy, đồng bằng bị xâm mặn và đang bị thu hẹp, nó không tiến ra biển như trước nữa. Tốc độ xâm thực bờ biển (đã quan sát thấy) là 13m/năm.
Theo Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, để khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên trên một con sông thì rất cần sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các địa phương có dòng sông đi qua nhằm đưa ra một quy chế quản lý thống nhất và hợp tác liên tỉnh trong quản lý khai thác cát sỏi và thực thi pháp luật một cách triệt để. Mỗi địa phương cần có chương trình hành động, huy động được nguồn lực địa phương mình; WWF cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tư vấn để địa phương thực thi kế hoạch hành động thành công, góp phần vào hành động chung bảo vệ vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Cách Tuyến đồng tình với đánh giá và kết quả của nhóm chuyên gia WWF, đồng thời đề nghị chính quyền, ngành chức năng các địa phương cùng mỗi người dân tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương thức quản lý, khai thác, sử dụng bền vững trầm tích ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó, phải lồng ghép quản lý, khai thác, sử dụng bền vững trầm tích với bảo tồn, phát triển bền vững vùng đất ngập nước và duy trì các dịch vụ sinh thái vào các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển có liên quan, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá các giải pháp phát triển bền vững, gắn bảo tồn với xóa đói giảm nghèo tại các vùng đất ngập nước; Tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá tác động của vận chuyển trầm tích đến tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên sinh vật tại các vùng đất ngập nước; tiến hành đề xuất xây dựng chiến lược bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam; khoanh vùng bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia và địa phương, tiếp tục đề cử các khu Ramsar tại khu vực ĐBSCL; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, chia sẻ thông tin, hợp tác nghiên cứu lưu vực sông Mê Kông nói chung và vấn đề vận chuyển trầm tích nói riêng; sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo: Báo Đầu tư